Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Thành phố Yên Bái đẩy mạnh cải cách hành chính phục vụ nhân dân

25/01/2024 09:45:00 Xem cỡ chữ
Nhiều năm liên tiếp, thành phố Yên Bái dẫn đầu khối địa phương về chỉ số cải cách hành chính (CCHC). Góp phần vào kết quả đó có việc các xã, phường đã xây dựng được nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo trong CCHC.

Người dân xã Âu Lâu được hướng dẫn giải quyết các thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai tại trụ sở UBND xã.

Xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp

"Nhanh gọn”, "Thái độ nhân viên rất nhiệt tình, chu đáo”, "Nhanh chóng, rất tiết kiệm thời gian” - đó là những nhận xét của người dân khi đến thực hiện các thủ tục tại Bộ phận Phục vụ hành chính công phường Nguyễn Thái Học. Là phường đông dân cư nên trung bình mỗi ngày, Bộ phận nhận và giải quyết từ 30 -50 hồ sơ liên quan đến lĩnh vực đất đai, chứng thực và hộ tịch… Vì vậy, cùng với việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, phường đã thành lập Tổ hỗ trợ, phục vụ công dân thực hiện thủ tục hành chính (TTHC) nhằm giúp người dân thực hiện nhanh chóng các thủ tục.  

Chị Hoàng Thị Thu Hà - công chức Tư pháp-  Hộ tịch, Bộ phận Phục vụ hành chính công phường Nguyễn Thái Học cho biết: "Lượng công dân đến giao dịch rất đông, trong đó nhiều công dân là người già khi giao dịch gặp rất nhiều khó khăn như viết, kê tờ khai đến việc ứng dụng công nghệ thông tin, nhất là triển khai thực hiện dịch vụ công trực tuyến. Xuất phát từ thực tế địa phương, tôi đã nảy ra sáng kiến thành lập "Tổ hỗ trợ nhân dân thực hiện TTHC”. 

Chủ tịch UBND phường Bùi Ngọc Giang cho biết: Các thành viên Tổ hỗ trợ người dân khai tờ khai, viết hộ hoặc đánh máy tờ khai đối với người dân có khó khăn về việc viết biểu mẫu hồ sơ TTHC vào sáng thứ 2, 4, 6 hàng tuần; hướng dẫn công dân nộp hồ sơ trực tuyến. Các trường hợp công dân giao dịch là người già, người khuyết tật, người có khó khăn trong việc đi lại (đang cư trú thực tế trên địa bàn phường) sẽ thực hiện các thủ tục thuộc lĩnh vực bảo trợ xã hội khi người dân đăng ký trả kết quả tại nhà và cũng trả kết quả tại nhà đối với thủ tục đăng ký khai sinh. 

Phường đã bố trí, cải tạo lại khuôn viên, có lối đi riêng cho người khuyết tật, người sử dụng xe lăn; xây dựng mô hình "5 trong 1” đối với thủ tục xác định mức độ khuyết tật để cấp giấy xác nhận khuyết tật và thực hiện trợ cấp xã hội hàng tháng. 

Người khuyết tật hoặc người đại diện chỉ cần đến Bộ phận Phục vụ hành chính công phường 1 lần duy nhất khi liên hệ nộp hồ sơ đề nghị giải quyết TTHC về xác định mức độ khuyết tật, cấp giấy xác nhận khuyết tật, trợ cấp xã hội. Đến nay, qua 10 tháng triển khai thực hiện, Tổ đã hỗ trợ viết hoặc đánh máy tờ khai giúp 102 người cao tuổi, người có khó khăn trong việc viết tờ khai; hỗ trợ 627 trường hợp người dân nộp hồ sơ thực hiện dịch vụ công trực tuyến; hỗ trợ 14 trường hợp làm thủ tục xác định mức độ khuyết tật để cấp giấy xác nhận khuyết tật và thực hiện trợ cấp xã hội hàng tháng; hỗ trợ 1 trường hợp thực hiện thủ tục đăng ký hộ tịch tại nhà, trả kết quả tại nhà đối với 57 trường hợp.

Vì dân phục vụ

Vợ chồng ông Hà Văn Chính và bà Lê Thị Đoàn ở tổ 10, phường Nguyễn Thái Học phải bổ sung giấy tờ và kê khai thêm thông tin về quyền sử dụng đất. Nhưng do ông Chính bị tai biến, liệt không thể đi lại được, các cán bộ của Bộ phận Phục vụ hành chính công của phường đã xuống tận nơi giúp ông bà làm thủ tục và trả kết quả ngay tại nhà. 

Bà Lê Thị Đoàn xúc động chia sẻ: "Cán bộ phường đến tận nhà hướng dẫn chúng tôi chi tiết từng thủ tục mà không phải trả phí. Cảm ơn các cấp, các ngành và địa phương đã giúp đỡ người dân, nhất là những người tàn tật như ông nhà tôi đây. Nếu không có các cô ấy giúp đỡ thì chúng tôi cũng không biết bao giờ mới hoàn thành được thủ tục này”. 

Chị Hà Thị Thu Vân - cán bộ Tư pháp - Hộ tịch, Bộ phận Phục vụ hành chính công phường Nguyễn Thái Học cho biết: Những công dân này đều có hoàn cảnh khó khăn, bệnh tật, người bị tai biến, tàn tật… rất cần sự giúp đỡ. Tôi cảm thấy rất vui khi đã giúp đỡ được họ, góp một phần nhỏ bé để việc thực hiện các TTHC cho người dân được tốt hơn, đúng với tinh thần người cán bộ phục vụ nhân dân. 

Chị Lê Thị Mỹ Bình, một người dân ở tổ 10, phường Nguyễn Thái Học bị khuyết tật đôi chân nên việc đi lại trong quá trình thực hiện các TTHC gặp nhiều khó khăn. Chị Bình luôn nhận được sự tận tình giúp đỡ của các cán bộ phường. Đặc biệt, với việc lắng nghe ý kiến, kiến nghị của những người khuyết tật như chị, phường đã bố trí lối đi riêng dành cho người đi xe lăn, tạo thuận tiện cho người khuyết tật, người sức khỏe yếu khi đến Bộ phận làm các thủ tục. 

Chị Bình chia sẻ: "Người khuyết tật không phải ai cũng có điều kiện chăm lo cho cuộc sống nên việc được quan tâm rất là quan trọng, giúp giảm đi nhiều khó khăn. Không phải chỉ người khuyết tật mà người già, người mang thai có lối đi xe lăn thực sự thuận tiện rất nhiều khi đến làm các thủ tục, giấy tờ ở phường". Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp mà năm 2023, tỷ lệ triển khai dịch vụ công trực tuyến một phần mức độ 3 và dịch vụ công trực tuyến toàn phần mức độ 4 của phường Nguyễn Thái Học đạt 100%. Đặc biệt, qua khảo sát, đánh giá, 100% người dân hài lòng khi đến thực hiện TTHC tại Bộ phận Phục vụ hành chính công của phường. 

Ông Bùi Ngọc Giang - Chủ tịch UBND phường Nguyễn Thái Học cho biết: Để làm tốt cải cách TTHC trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục nâng cao hiệu quả của Tổ hỗ trợ cũng như các bộ công chức ngồi ở Bộ phận, là những cán bộ trẻ, có kinh nghiệm trong giao tiếp, có trình độ công nghệ thông tin. Từ đó nâng cao hiệu quả phục vụ người dân. Về kết quả của công tác cải cách TTHC, tôi mong muốn không chỉ thể hiện trên biểu báo cáo mà phải chính từ đánh giá sự hài lòng của người dân. Lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo đánh giá hiệu quả công việc là cách không chỉ phường Nguyễn Thái Học mà nhiều nơi trên địa bàn thành phố Yên Bái đang thực hiện để nâng cao chất lượng công tác CCHC. Với tinh thần đó, thành phố Yên Bái sẽ sớm xây dựng được nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, xứng đáng là đầu tàu kinh tế - chính trị, văn hóa - xã hội của tỉnh Yên Bái.

Với mục tiêu lấy người dân, doanh nghiệp là chủ thể, trung tâm để phục vụ, thời gian qua, thành phố Yên Bái đã tăng cường ứng dụng công nghệ, đẩy mạnh CCHC gắn với chuyển đổi số mang lại sự hài lòng cho người dân, doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Theo đó, thành phố đã triển khai nhiều giải pháp duy trì và nâng cao chỉ số CCHC như thực hiện chấm điểm xác định chỉ số CCHC xã, phường; phát động phong trào thi đua CCHC; thường xuyên rà soát tiến độ, kết quả thực hiện các tiêu chí trong bộ chỉ số CCHC để có chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc kịp thời. 

Cùng với đó đặt ra nhiều mô hình, cách làm mới, sáng tạo, sáng kiến CCHC. Đặc biệt, thành phố đã thành lập các tổ rà soát, hỗ trợ giải quyết TTHC về đất đai xã, phường và thực hiện tốt quy trình nội bộ giải quyết TTHC về đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu (hợp pháp hóa đất đai), chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang phi nông nghiệp. 

Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Ngọc Trúc chia sẻ: "Trong công tác giải phóng mặt bằng, thành phố đã triển khai giải pháp "Đưa hội đồng giải phóng mặt bằng xuống làm việc tại thực địa để tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án trọng điểm. Nhờ đó tất cả các ý kiến, phản ánh của người dân đều được đối thoại, giải quyết ngay tại chỗ, vướng mắc đến đâu, giải quyết đến đó và Hội đồng lập, thẩm định phương án ngay cho người dân biết và ký nhận, qua đó đẩy nhanh tiến độ gấp 3 lần so với trước đây, đồng thời hạn chế vướng mắc phát sinh mới. Ngoài ra, thành phố đã thiết lập đường dây nóng để hỗ trợ trực tuyến người dân trong giải quyết TTHC về đất đai trên địa bàn. Tổ chức đối thoại với nhân dân, tuyên truyền vận động nhân dân chấp hành chính sách của Nhà nước về thu hồi đất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Qua đó tạo những chuyển biến tích cực, rõ rệt trong tiếp cận đất đai, giảm chi phí thời gian và chi phí không chính thức, chính quyền các cấp năng động, sáng tạo hơn trong quản lý điều hành". 

Thành phố Yên Bái là đơn vị đầu tiên trên địa bàn tỉnh ra mắt và vận hành Trung tâm Giám sát điều hành đô thị thông minh (IOC) từ năm 2021. Thành phố đẩy mạnh số hóa dữ liệu, nhất là dữ liệu về đất đai, đô thị, tài chính, cán bộ; triển khai phòng họp không giấy, sử dụng máy tính bảng, thiết bị điện tử đối với tất cả các kỳ họp của cấp ủy, chính quyền từ thành phố đến xã, phường thực hiện họp trực tuyến tới 100% xã, phường. 

Cùng với đó, thành phố đã phát huy tối đa các tiềm năng, lợi thế sẵn có về hạ tầng công nghệ thông tin, trình độ cán bộ, nhận thức của người dân để phát triển nhanh các tiện ích của đô thị thông minh để phục vụ người dân, doanh nghiệp. Chỉ đạo triển khai nhiều mô hình, cách làm sáng tạo đem lại hiệu quả như: mô hình "TTHC không chờ" ở 15 xã, phường; tổ chức chi trả, thanh toán dịch vụ công bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt như: thu phí chợ, thu phí dịch vụ hành chính công, thu phí vệ sinh môi trường, thu Đảng phí, Đoàn phí, chi trả phụ cấp cho cán bộ không chuyên trách cấp xã, chi trả kinh phí bồi thường giải phóng mặt bằng tại 15 xã, phường; mô hình tạo tài khoản trên Cổng dịch vụ công Quốc gia cho các công dân tại nhà trên địa bàn các phường: Nguyễn Thái Học, Yên Thịnh, Nam Cường, Đồng Tâm...; ứng dụng bản đồ điện tử nhân viên y tế, bản đồ xe cứu thương, phần mềm đặt lịch xét nghiệm tại nhà và tiêm chủng dịch vụ (đã được gắn lên ứng dụng YenBai-S). Đẩy mạnh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, đến nay tỷ lệ người dân trưởng thành sử dụng các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt đạt 77,2%; tỷ lệ doanh nghiệp có thiết bị thanh toán điện tử đạt 100%; tỷ lệ hộ kinh doanh bán lẻ có thiết bị thanh toán điện tử đạt 95,4%...

Thời gian tới, thành phố tiếp tục triển khai hiệu quả hoạt động của Bộ phận Phục vụ hành chính công thành phố, xã, phường; thực hiện tốt việc nộp hồ sơ giải quyết TTHC qua dịch vụ bưu điện, nộp hồ sơ mức độ 3, 4; rà soát, bố trí đội ngũ công chức, viên chức làm việc tại Bộ phận Phục vụ hành chính công phù hợp với yêu cầu thực tiễn khi vận hành hoạt động của Bộ phận, nhằm phục vụ tốt nhất người dân và doanh nghiệp./.

 

Theo Báo Yên Bái