Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Rút ngắn thời gian thực hiện thủ tục hành chính về đất đai

08/04/2024 14:44:00 Xem cỡ chữ
Một trong những điểm mới của Luật Đất đai 2024 là tăng cường phân cấp, phân quyền, đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC) và loại bỏ khâu trung gian trong quản lý, sử dụng đất đai nhằm giảm đầu mối trung gian trong giao đất, cho thuê đất. Điều này giúp giảm thiểu thực hiện TTHC đất đai, tạo thuận lợi hơn cho người dân, doanh nghiệp.

Theo Nghị quyết số 119/NQ-CP, Chính phủ quyết nghị chuyển giao nguyên trạng Khu Công nghệ cao Hòa Lạc thuộc quyền quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ về UBND TP. Hà Nội quản lý từ ngày 1/8/2023.

Bỏ khâu trung gian trong quản lý sử dụng đất

Nếu như Luật Đất đai 2013 quy định Chủ tịch UBND cấp tỉnh quyết định giá đất cụ thể thì Luật Đất đai (sửa đổi) đã phân cấp cho Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định giá đất cụ thể đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất. 

Theo đó, Luật Đất đai (sửa đổi) quy định: “Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định giá đất cụ thể đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất, công nhận quyền sử dụng đất, gia hạn sử dụng đất, điều chỉnh thời hạn sử dụng đất, điều chỉnh quy hoạch xây dựng chi tiết, thu hồi đất, xác định giá khởi điểm đấu giá quyền sử dụng đất thuộc thẩm quyền của UBND cấp huyện theo quy định của luật này”.

 Việc phân cấp cho Chủ tịch UBND cấp huyện quyết định giá đất cụ thể trong một số trường hợp sẽ giúp đơn giản hóa TTHC, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong quá trình thực hiện thủ tục.

Liên quan đến đất khu công nghệ cao, Luật Đất đai 2013 quy định: “Ban Quản lý khu công nghệ cao được UBND cấp tỉnh giao đất khu công nghệ cao. Ban quản lý khu công nghệ cao được cho thuê đất đối với tổ chức, cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài sử dụng đất trong khu công nghệ cao theo quy định của Luật này”. 

Tuy nhiên, Luật Đất đai (sửa đổi) đã bỏ quy định về thẩm quyền cho thuê đất của Ban Quản lý khu công nghệ cao, đồng thời quy định Nhà nước trực tiếp cho thuê đất đối với tổ chức, cá nhân. 

Cụ thể, Điều 204, Luật Đất đai (sửa đổi) quy định “Nhà nước cho thuê đất thu tiền thuê đất hằng năm hoặc thu tiền thuê đất một lần cho cả thời gian thuê để đầu tư xây dựng kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghệ cao”.

Ngoài ra, Điều 208 Luật Đất đai (sửa đổi) quy định “Căn cứ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và quy hoạch cảng hàng không, sân bay dân dụng đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, UBND cấp tỉnh thực hiện việc giao đất, cho thuê đất”. Như vậy, so với Luật Đất đai hiện hành, thì Luật Đất đai (sửa đổi), đã bỏ quy định về thẩm quyền giao đất, cho thuê đất của Cảng vụ hàng không, Ban Quản lý khu công nghệ cao.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân, Luật Đất đai (sửa đổi) bỏ khâu trung gian trong quản lý sử dụng đất như bỏ quy định về thẩm quyền giao đất, cho thuê đất của Ban Quản lý khu kinh tế, Ban Quản lý khu công nghệ cao, Cảng vụ hàng không. Luật quy định Nhà nước trực tiếp giao đất, cho thuê đất, cấp Giấy chứng nhận đối với tổ chức, cá nhân sử dụng đất thuộc cảng hàng không, sân bay dân dụng, khu công nghệ cao nhằm bảo đảm quyền tiếp cận đất đai của các tổ chức, cá nhân, bảo đảm thực hiện các quyền của người sử dụng đất.

Đồng quan điểm này, nhiều ý kiến cũng cho rằng, việc Nhà nước trực tiếp giao đất, cho thuê đất tại các khu vực đặc biệt như: cảng hàng không, sân bay dân dụng, khu công nghệ cao sẽ giúp bảo đảm đất đai được sử dụng đúng mục đích, hiệu quả, phù hợp với quy hoạch chung của khu vực. Quy định này góp phần đơn giản hóa TTHC, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ giao đất, cho thuê đất. Qua đó, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư, thu hút nguồn vốn đầu tư vào các khu vực trọng điểm.

Công khai, minh bạch thủ tục hành chính

Theo quy định của Luật Đất đai, có 10 TTHC về đất đai. Cụ thể, thủ tục thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất, gia hạn sử dụng đất, điều chỉnh thời hạn sử dụng đất; thủ tục đăng ký đất đai, tài sản gắn liền với đất; thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất, thủ tục đính chính, thu hồi, hủy giấy chứng nhận đã cấp; thủ tục thực hiện các quyền của người sử dụng đất; thủ tục tách thửa đất, hợp thửa đất; thủ tục cưỡng chế thực hiện quyết định kiểm đếm bắt buộc, cưỡng chế thực hiện quyết định thu hồi đất; thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai, giải quyết tranh chấp đất đai tại cơ quan hành chính; thủ tục xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai; thủ tục cung cấp thông tin, dữ liệu đất đai; thủ tục hành chính khác về đất đai.

Với 10 TTHC về đất đai, Luật Đất đai (sửa đổi) cũng quy định rõ các nguyên tắc khi thực hiện các thủ tục này. Theo đó, quá trình thực hiện thủ tục phải bảo đảm các nguyên tắc cơ bản.

Một là, bảo đảm sự bình đẳng, khách quan, công khai, minh bạch và có sự phối hợp chặt chẽ, kịp thời, chính xác giữa các cơ quan có thẩm quyền trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính. Hai là, bảo đảm phương thức thực hiện đơn giản, dễ hiểu, dễ thực hiện, lồng ghép trong việc giải quyết TTHC về đất đai, tiết kiệm thời gian, chi phí, công sức của tổ chức, cá nhân và cơ quan có thẩm quyền góp phần cải cách TTHC.

Ba là, tổ chức, cá nhân yêu cầu thực hiện TTHC về đất đai chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực của nội dung kê khai và các giấy tờ trong hồ sơ đã nộp. Bốn là, TTHC về đất đai được thực hiện bằng hình thức trực tiếp, qua hệ thống bưu chính hoặc trên môi trường điện tử và có giá trị pháp lý như nhau.

Năm là, cơ quan giải quyết TTHC về đất đai chịu trách nhiệm thực hiện đúng thẩm quyền và thời gian theo quy định của pháp luật, không chịu trách nhiệm về những nội dung trong các văn bản, giấy tờ có trong hồ sơ đã được cơ quan, người có thẩm quyền khác chấp thuận, thẩm định, phê duyệt hoặc giải quyết trước đó.

Đặc biệt, để tăng cường sự minh bạch, cũng như tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp khi thực hiện TTHC về đất đai, Luật Đất đai (sửa đổi) cũng quy định cụ thể về công bố, công khai TTHC về đất đai. Theo đó, TTHC về đất đai sau khi được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt phải được công bố theo quy định của Chính phủ về kiểm soát TTHC.

Ngoài ra, luật cũng quy định nội dung công khai TTHC về đất đai gồm: cơ quan có thẩm quyền tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả; cơ quan giải quyết TTHC; đối tượng thực hiện TTHC; thời gian giải quyết đối với từng TTHC; thành phần, số lượng hồ sơ đối với từng TTHC; quy trình và trách nhiệm giải quyết từng TTHC; nghĩa vụ tài chính, phí và lệ phí phải nộp đối với từng TTHC; nội dung khác của bộ TTHC (nếu có).

Việc công khai về các nội dung trên thực hiện bằng hình thức niêm yết thường xuyên tại trụ sở cơ quan tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả; đăng trên Cổng Dịch vụ công quốc gia và cổng dịch vụ công cấp bộ, cấp tỉnh, trang thông tin điện tử của UBND cấp huyện, cấp xã.

Không chỉ quy định các TTHC về đất đai, mà Luật Đất đai (sửa đổi) còn quy định rõ trách nhiệm đối với từng chủ thể trong thực hiện các thủ tục này. Theo đó, bộ, ngành theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp trong chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện TTHC về đất đai, bảo đảm thống nhất giữa TTHC về đất đai với các TTHC khác có liên quan. UBND các cấp có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức thực hiện TTHC tại địa phương; quy định việc phối hợp giữa các cơ quan có liên quan ở địa phương để giải quyết TTHC về đất đai và TTHC khác có liên quan; tổ chức thực hiện TTHC trên môi trường điện tử. Cơ quan có thẩm quyền giải quyết TTHC về đất đai phải thực hiện đúng trình tự, thủ tục theo quy định và công khai kết quả giải quyết TTHC.

Việc quy định cụ thể từng thủ tục, phương thức công khai, cũng như quy định rõ trách nhiệm đến từng cơ quan, chủ thể liên quan đến việc thực hiện TTHC, Luật Đất đai (sửa đổi) sẽ góp phần tăng cường tính minh bạch, cũng như nâng cao trách nhiệm của các cơ quan trong phối hợp, thực hiện các TTHC, tránh tình trạng “cát cứ” khi thực hiện. Qua đó, giúp giảm thiểu các chi phí tuân thủ cho người dân và doanh nghiệp.

 

Theo Báo điện tử Đại biểu nhân dân