Nâng cao chất lượng giáo dục trẻ mầm non và trẻ khuyết tật

08/10/2018 15:41:00 Xem cỡ chữ
Nâng cao chất lượng thực hiện chương trình giáo dục mầm non; tiếp tục đổi mới hoạt động nuôi dưỡng chăm sóc, giáo dục trẻ; đảm bảo tuyệt đối an toàn về thể chất, tinh thần cho trẻ... là những nội dung vừa được Bộ GD&ĐT ban hành.

Ảnh minh họa.

Đẩy mạnh quy hoạch, rà soát, sắp xếp, phát triển trường lớp mầm non

Đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng đối với Giáo dục mầm non (GDMN) năm học 2018 – 2019 vừa được Bộ GD&ĐT ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện.

Theo đó, nhiệm vụ chung của GDMN trong năm học mới là đẩy mạnh quy hoạch, rà soát, sắp xếp, phát triển trường lớp mầm non đáp ứng nhu cầu chăm sóc, giáo dục trẻ, đặc biệt là tại các khu vực có khu công nghiệp, khu chế xuất và khu đông dân cư. Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về GDMN; bồi dưỡng nâng cao năng lực, phẩm chất đội ngũ giáo viên mầm non (GVMN); khắc phục tình trạng thiếu GVMN.

Đồng thời, nâng cao chất lượng thực hiện chương trình GDMN; tiếp tục đổi mới hoạt động nuôi dưỡng chăm sóc, giáo dục trẻ; đảm bảo tuyệt đối an toàn về thể chất, tinh thần cho trẻ; thực hiện hỗ trợ các bậc cha mẹ nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ.

Năm học mới, giáo dục mầm non cũng tập trung duy trì, nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em năm tuổi; hỗ trợ GDMN ở các vùng khó khăn; tăng cường tiếng Việt cho trẻ em vùng dân tộc thiểu số. Quan tâm trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, trẻ em con công nhân tại khu công nghiệp, khu chế xuất; tổ chức giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật; đảm bảo thực hiện quyền trẻ em.

 Tăng cường thanh tra đột xuất cơ sở mầm non tư thục

Nhiều khuyến nghị đã được các Sở GD&ĐT đưa ra để tăng cường đảm bảo an toàn cho trẻ mầm non là: Thực hiện nghiêm túc Thông tư số 13/2010/TT-BGDĐT; xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện, môi trường "học bằng chơi" cho trẻ tại trường, lớp mầm non, đảm bảo an toàn tuyệt đối về thể chất và tinh thần cho trẻ.

Trong đó, có những việc cụ thể phải làm ngay là: Kiểm soát chặt chẽ nguồn thực phẩm và thực hiện nghiêm các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm trong các bếp ăn tại các cơ sở GDMN.

Ngành giáo dục phối hợp với chính quyền địa phương và các tổ chức, ban, ngành liên quan, tổ chức thanh tra, kiểm tra (thường xuyên, đột xuất) hoạt động của các cơ sở GDMN, đặc biệt là các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục trên địa bàn; kịp thời phát hiện, chỉ đạo khắc phục những yếu tố nguy cơ gây mất an toàn đối với trẻ. Xử lí nghiêm những cơ sở GDMN để xảy ra tình trạng mất an toàn đối với trẻ.

Tăng cường bồi dưỡng, nâng cao ý thức trách nhiệm, đạo đức nghề nghiệp, tình yêu thương trẻ trong đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý; có biện pháp giảm áp lực làm việc cho giáo viên mầm non, thường xuyên bồi dưỡng, nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên mầm non.