Hội nghị đánh giá công tác xuất khẩu lao động trên địa bàn tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2016 - 2018

12/12/2018 15:24:00 Xem cỡ chữ
CTTĐT - Vừa qua, Sở Lao động, Thương binh và xã hội tỉnh tổ chức Hội nghị đánh giá công tác xuất khẩu lao động trên địa bàn tỉnh Yên Bái, giai đoạn 2016 - 2018.

Quang cảnh Hội nghị

Theo số liệu thống kê báo cáo của các doanh nghiệp và địa phương, số lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng từ năm 2016 đến hết tháng 10/2018, tỉnh Yên Bái đã đưa 3.096 lượt người lao động, tại các thị trường cụ thể như Malaysia, Đài Loan, Ma Cao, Hàn Quốc, Nhật Bản, Châu Phi, Trung Đông, Châu Âu, Lào. Trong đó lao động đi xuất khẩu tại các thị trường Lào, Nhật Bản, Đài Loan, Ma Cao chiếm tỷ lệ cao nhất.

Lao động đi làm việc ở nước ngoài được thị trường chấp nhận, đa số nỗ lực, chủ động học tập, nắm bắt công việc, sáng tạo và cần cù lao động. Thu nhập của lao động đi làm việc ở nước ngoài tương đối ổn định. Sau khi trừ các chi phí sinh hoạt, thu nhập tiết kiệm của lao động còn khoảng 5-6 triệu/tháng ở thị trường đơn giản như Malaysia; ở thị trường có mức thu nhập trung bình như Đài Loan, Hàn Quốc và Nhật Bản, người lao động có thu nhập cao hơn từ 15 đến dưới 35 triệu đồng/tháng. Công việc của lao động tập trung chủ yếu vào một số ngành nghề như sản xuất chế tạo, may mặc, điện tử, giúp việc gia đình, hộ lý, xây dựng...

Phần lớn người lao động sau khi trở về nước đã nỗ lực tìm kiếm để có việc làm. Ngành Lao động, Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các tổ chức đoàn thể triển khai các chương trình hỗ trợ tạo việc làm như chương trình hỗ trợ vốn vay từ quỹ quốc gia, chương trình hỗ trợ dạy nghề và định hướng sử dụng đồng vốn để đầu tư phát triển kinh tế hộ gia đình. Các cấp, các ngành cũng đã triển khai nhiều hình thức thông tin, tuyên truyền để phổ biến chính sách pháp luật về xuất khẩu lao động. Công tác quản lý nhà nước về người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được tăng cường.

Để đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động trong thời gian tới, ngành Lao động, Thương binh và Xã hội đã đề ra một số giải pháp cụ thể, trong đó tập trung vào một số giải pháp cụ thể như: Tập trung xây dựng nguồn lao động xuất khẩu, vận động những người trong độ tuổi lao động tự giác tham gia học nghề, học ngoại ngữ; thiết lập cơ chế liên kết ổn định trong hoạt động tạo nguồn, dạy nghề và giáo dục định hướng cho người lao động giữa các doanh nghiệp xuất khẩu lao động với các tổ chức, địa phương trong tỉnh; lựa chọn các doanh nghiệp xuất khẩu lao động có uy tín, năng lực tài chính, có thị trường xuất khẩu lao động đa dạng, phong phú để hợp tác tuyển lao động tại địa phương xuất khẩu lao động...

Lan Hương