Có được kết quả đó là có sự lãnh đạo, chỉ
đạo của Đảng ủy, chính quyền và sự nỗ lực của bà con nhân dân các dân tộc trong
xã, sự đóng góp không nhỏ từ các nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, đặc biệt là các
hợp phần hỗ trợ sản xuất từ Chương trình 135 của Chính phủ.
Bản Mù là một xã vùng cao đặc biệt khó
khăn, toàn xã có 798 hộ với 5.193 nhân khẩu, 100% là đồng bào dân tộc Mông.
Những năm trước, Bản Mù được biết đến là một xã có kinh tế chậm phát triển, đời
sống nhân dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông lâm nghiệp, giao thông đi lại khó
khăn, tỷ lệ hộ đói nghèo cao. Nhưng hôm nay, Bản Mù đã “sáng hơn”, đời sống
nhân dân bớt vất vả hơn, quan trọng hơn là đồng bào dân tộc Mông nơi đây đã biết
áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, biết trồng ngô thâm canh, biết chăn
nuôi gia súc theo hướng hàng hóa để làm giàu.
Đặc biệt, sau 5 năm được sự quan tâm đầu tư
của Nhà nước, nhất là từ những hợp phần hỗ trợ sản xuất từ Chương trình 135 của
Chính phủ như một luồng gió mát, tạo đà cho người dân vươn lên trong cuộc sống.
Trong 5 năm (2011 - 2015), Chương trình đã hỗ trợ trên 32 tấn giống lúa, 19 tấn
giống ngô tiến bộ, hỗ trợ 66 con trâu cái sinh sản, 43 máy cày mi ni, 254 bình
phun thuốc trừ sâu và 7 máy tuốt lúa, tẽ ngô...
Ngay sau khi có Chương trình 135 hỗ trợ, xã
đã thông báo cho nhân dân kế hoạch cấp, phát máy móc, giống đảm bảo công khai,
đúng quy trình, đúng đối tượng và số lượng. Do đó, mặc dù nguồn hỗ trợ không
phải là quá lớn đối với một xã vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn như Bản
Mù nhưng lại phát huy hiệu quả rõ rệt, tạo được động lực, kích thích sản xuất phát
triển.
Quan trọng hơn cả là hợp phần hỗ trợ sản
xuất từ Chương trình 135 giai đoạn 2011 - 2015 đã góp phần cho người dân tham
gia trực tiếp vào các mô hình trong sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật
và đưa cơ giới hóa vào sản xuất, nâng cao hiệu quả lao động, giảm chi phí. Nếu
như trước đây, người dân sản xuất chỉ dựa vào kinh nghiệm là chính, thì nay đã
biết đưa các giống lúa lai, lúa thuần chất lượng cao vào gieo cấy. Bà con đã
biết bón phân, làm cỏ, phòng trừ sâu bệnh, đã biết làm kênh mương dẫn nước để
thuận lợi gieo cấy từ một vụ sang hai vụ chắc ăn.
Nhờ vậy, năng suất lúa ngày một tăng, nếu
như trước đây Bản Mù luôn là xã có năng suất lúa thấp nhất huyện, thường xuyên
chỉ đạt 80 - 83 tạ/ha nay đã đạt 90 - 95 tạ/ha, có nhiều diện tích đạt trên 100
tạ/ha. Hàng chục héc-ta lúa nương năng suất thấp nay cũng đã được chuyển đổi sang
trồng ngô đồi bằng các giống mới như: Bioseed 9681, 9698, ngô lai LVN10, MB 68
đây là những giống ngô lai cho năng suất cao phù hợp thổ nhưỡng, khí hậu vùng
cao.
Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất
nên năng suất, sản lượng lương thực ở Bản Mù tăng dần mỗi năm, từ 2.259 tấn năm
2011 tăng lên 2.633 năm 2015 và dự ước năm 2016 này là 2.700 tấn. Song song với
phát triển cây lương thực, Bản Mù đã biết tận dụng tiềm năng, thế mạnh của mình
để phát triển chăn nuôi đại gia súc.
Ngoài những bãi chăn thả tự nhiên, bà con
trong xã còn trồng được gần chục héc-ta cỏ phục vụ chăn nuôi và làm chuồng nuôi
nhốt gia súc chứ không thả rông như trước. Đến nay, tổng đàn gia súc, gia cầm
trong xã đã đạt trên 6 ngàn con, nhiều gia đình có đàn trâu, ngựa lên vài chục
con như gia đình ông Giàng A Phừ ở thôn Khấu Ly nuôi 15 con trâu, bò; gia đình
ông Giàng A Sáy ở Mông Si đầu tư cả chục triệu đồng làm 3 chuồng nuôi trâu, bò,
trồng trên 1.000 m2 cỏ nuôi 8 con trâu, 5 con bò...
Bằng những hướng đi và cách làm phù hợp của
Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Bản Mù, cùng với hợp phần hỗ trợ sản xuất từ
Chương trình 135 đã và đang thúc đẩy kinh tế - xã hội nơi đây. Quan trọng hơn
là người dân đã có một tư duy mới trong sản xuất, biết áp dụng khoa học kỹ
thuật, biết chăn nuôi theo hướng hàng hóa, đó là nền tảng quan trọng cho Bản Mù
ngày một phát triển.