Cát
Thịnh là xã đặc biệt khó khăn của huyện Văn Chấn. Những năm qua, các chủ trương
của cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc vận động nhân dân chuyển đổi cơ
cấu cây trồng, vật nuôi; trong đó, chú trọng đến việc chuyển đổi những chân ruộng
trũng kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản theo hình thức chuyên canh đã mang
lại hiệu quả kinh tế, góp phần tạo công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo và làm
giàu cho người dân trong xã.
So với
các xã khác trong huyện thì Cát Thịnh là xã nghèo, cả xã có 26 thôn, bản, người
dân chủ yếu là sản xuất thuần nông, không ngành nghề phụ nên đời sống người
dân, nhất là các thôn vùng cao gặp rất nhiều khó khăn. Để giải bài toán xóa đói
giảm nghèo và làm giàu cho người dân, xã đã có nhiều chủ trương chuyển đổi cơ
cấu cây trồng, vật nuôi; trong đó, tập trung vận động nhân dân chuyển đổi những
chân ruộng năng suất kém sang nuôi trồng thủy sản đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Đồng
chí Sa Quang Huy - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Con cá và con ba ba không
phải là chuyện xa lạ với người dân nơi đây, nếu nói về con ba ba xuất hiện ở xã
đến nay đã khoảng 20 năm, song việc nuôi nhỏ lẻ manh mún nên hiệu quả không cao
nhưng từ khi xã có chủ trương phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng chuyên
canh thì hiệu quả đã rõ rệt. Từ chỗ chỉ có vài ba hộ nuôi ba ba ngày trước, đến
nay, cả xã đã có đến gần 400 gia đình tham gia nuôi”.
Với đặc
điểm miền núi có khí hậu lạnh nên xã có điều kiện thuận lợi nuôi ba ba sinh
sản. Con ba ba giống của Cát Thịnh đã có mặt ở nhiều tỉnh phía Bắc, mỗi năm,
người dân trong xã xuất bán hàng chục nghìn con ba ba, thu về hàng tỷ đồng. Chỉ
riêng năm 2015, tổng doanh thu cả xã từ ba ba đạt gần 20 tỷ đồng. Tính ra nhà
nuôi ít thu về hơn 40 triệu đồng mỗi năm, nhà nuôi nhiều lên đến hơn 700 triệu
đồng. Toàn xã có khoảng 50 gia đình có thu nhập trên 100 triệu đồng mỗi năm nhờ
nuôi ba ba.
Để
khuyến khích người dân mở rộng quy mô nuôi trồng thủy sản, coi đây là một trong
những hướng đi chính trong việc xóa đói giảm nghèo cho người dân, trên cơ sở hỗ
trợ 5 triệu đồng cho 1 ha diện tích chuyển đổi theo chủ trương của huyện Văn
Chấn, xã Cát Thịnh đã vận động nhân dân những thôn, bản vùng đồng bào dân tộc
thiểu số chuyển đổi những chân ruộng kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản, tùy
vào địa hình thực tế của gia đình để chuyển đổi mô hình sao cho hiệu quả nhất.
Bước đầu đã có 15 hộ mạnh dạn chuyển đổi đã khá thành công.
Gia
đình anh Hoàng Văn Nhớ ở thôn Vực Tuần 1 là một trong những hộ chuyển đổi thành
công gần 2.000 m2 ruộng
kém hiệu quả sang nuôi cá cho hiệu quả kinh tế cao. Anh cho biết: “Do toàn bộ
diện tích ruộng gần bờ suối, trũng nên chỉ được vụ xuân là cho thu hoạch, còn
vụ mùa nước lớn hầu như bỏ không. Có chủ trương của huyện hỗ trợ chuyển đổi, năm
2011, gia đình tôi mạnh dạn dồn toàn bộ vốn liếng tự có của gia đình, vay thêm
40 triệu đồng từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện để đắp bờ,
làm hệ thống thoát nước và mua cá giống về thả, năm đầu tiên bán cá, gia đình
tôi thu 70 triệu đồng”.
Nhận
thấy việc nuôi cá đơn giản, năm sau, gia đình anh đã mạnh dạn đầu tư nuôi xen
canh các loại cá, bình quân như năm 2015 gia đình anh đã thu về 100 triệu đồng.
Dự tính năm 2016 này, chắc chắn gia đình anh sẽ thu về khoảng 130 triệu đồng.
Sau 5 năm chuyển đổi chuyên canh sang nuôi trồng thủy sản, cuộc sống của gia
đình anh đã khá nên trông thấy.
Học và
làm theo anh Nhớ cũng đã có nhiều gia đình thoát nghèo và trở nên khá giá như
gia đình anh Hà Quyết Thắng ở thôn Vực Tuần 1 cũng bắt đầu chuyển đổi hơn 1.800
m2 ruộng sang nuôi cá
từ năm 2014 đã có hiệu quả rõ rệt; hay như gia đình ông Nông Khánh Hòa ở thôn
Đồng Mường chuyển đổi gần 1 ha ruộng sang nuôi ba ba; gia đình anh Đinh Công
Chuyển ở thôn Ba Khe 2 cũng chuyển đổi 1.200 m2 ruộng kém hiệu quả nuôi cá từ năm
2014, vụ đầu tiên chỉ thu cá rô phi cũng mang lại cho gia đình anh gần 40 triệu
đồng... và còn nhiều những gia đình khác đang chuyển đổi sang nuôi trồng thủy
sản cho hiệu quả kinh tế cao.
Xã Cát
Thịnh có 14,5 ha diện tích nuôi trồng thủy sản, giá trị kinh tế mỗi năm đem lại
cho xã tới vài chục tỷ đồng, đây quả là nguồn thu không nhỏ đối với xã vùng 3
này. Do vậy, để việc nuôi trồng thủy sản phát triển bền vững, trên cơ sở hỗ trợ
của huyện, xã đang vận động nhân dân tiếp tục chuyển đổi những diện tích ruộng
kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản theo hướng chuyên canh lâu dài, không làm
tràn lan hình thức để tránh việc cung thừa cầu đảm bảo người dân yên tâm chuyên
canh phát triển nuôi trồng thủy sản một cách bền vững.