Tham dự Hội thảo có Giáo sư Nguyễn
Lân Dũng - Nhà giáo nhân dân, Chủ tịch Hội các ngành Sinh học Việt Nam, ông
Nguyễn Đức Điển - Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Bình, Chủ tịch UBND các xã, thị
trấn, cán bộ phòng Nông nghiệp, cán bộ khuyến nông cơ sở tại 26 xã, thị trấn
của huyện, đại diện các mô hình ứng dụng thành công chế phẩm sinh học cùng 104
hộ dân tại Thị trấn Yên Bình.
Tại Hội thảo Nguyễn Lân Dũng đã chia
sẻ cùng bà con nông dân về cơ sở khoa học, sự cần thiết khi ứng dụng chế phẩm
sinh học trong nền nông nghiệp, hướng tới phát triển nông nghiệp hàng hóa cho
thu nhập cao gắn với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Việc sử dụng quá nhiều phân hóa học,
thuốc bảo vệ thực vật trong trồng trọt đang làm cho đất đai bị thoái hoá, môi
trường bị ô nhiễm. Thực tế cho thấy dư lượng thuốc BVTV và Nitơrat trong sản
phẩm nông nghiệp cũng là nguồn gốc gây lên bệnh hiểm nghèo như ung thư, thần
kinh, tim mạch. .Vì lý do đó mà nhiều lô sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam
không đủ tiêu chuẩn chế biến và xuất khẩu. Những chi phí cho thuốc BVTV, phân
vô cơ và rủi ro trong sản xuất nông nghiệp làm cho giá thành sản phẩm cao mà
vẫn không đảm bảo được chất lượng. Nhằm hạn chế các vùng sản xuất nêu trên rất
nhiều nghiên cứu đã được ứng dụng vào thực tế sản xuất, bước đầu đã xây dựng
những vùng sản xuất rau an toàn như mô hình canh tác nông nghiệp hữu cơ, phong
trào 3 giảm 3 tăng, IPM, ICM. Trong đó việc sử dụng các chế phẩm vi sinh trong
BVTV và làm phân bón sinh học được đặc biệt quan tâm. Chế phẩm vi sinh vật hữu
hiệu EM (Effective Microorganisms) do giáo sư Teuro Higa của Trường Đại học
Tổng hợp Ryukysu, Okinawa, Nhật Bản nghiên cứu và được ứng dụng từ thập niên 80
tại Nhật và nhiều nước khác trên Thế giới. Đến nay công nghệ EM đã được ứng
dụng ở hơn 80 nước trên thế giới và đem lại nhiều kết quả rất khả quan. Năm
1994-1995 chế phẩm EM được du nhập và thử nghiệm có hiệu quả ở Việt Nam.
Trên cơ sở nghiên cứu sâu về thành phần, cơ chế tác động của chế phẩm EM Viện
Sinh học Nông nghiệp thuộc Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội đã phân lập thành
công các chủng vi sinh vật có ích trong nước và sản xuất được chế phẩm vi sinh
vật hữu hiệu EMINA. Chế phẩm vi sinh vật hữu hiệu EMINA là tổng hợp các chủng
vi sinh vật có ích như vi khuẩn quang hợp, vi khuẩn lactic, xạ khuẩn, nấm mốc,
v.v. sống cộng sinh trong cùng môi trường. Được sử dụng trong việc cải tạo đất,
hạn chế các loại bệnh do vi khuẩn gây ra, làm phân bón qua lá. Hiện nay, đã có
một số nghiên cứu sử dụng chế phẩm EMINA trên cây trồng như lúa, chè, cam,
bưởi, thanh long, chăn nuôi lợn… đều cho kết quả khả quan. Để có lời giải đáp
cho sản xuất nông nghiệp Việt Nam,
không còn con đường nào khác là phải xây dựng một nền nông nghiệp sinh thái. Có
như thế thì sản xuất nông nghiệp mới an toàn, sản phẩm nông nghiệp mới đủ tiêu
chuẩn về tiêu dùng, xuất khẩu và phát triển nông nghiệp mới bền vững.
Trên cơ sở khoa học, cùng với kinh
nghiệm tổng kết từ các mô hình và thực tế từ nhiều địa phương Gs Nguyễn Lân
Dũng cũng đã cung cấp những thông tin bổ ích về các địa chỉ cung ứng giống, cơ
sở tiêu thụ, các mô hình, cách làm hay, giới thiệu cụ thể về địa chỉ để nhân
dân tham khảo, học tập. Đồng thời giải đáp trực tiếp và thỏa đáng nhiều câu hỏi
của các hộ nông dân.
Ông Nguyễn Quý Lai - Giám đốc điều
hành Công ty cổ phần Thực phẩm EMI Nhật Bản cũng đã giới thiệu về hiệu quả của
chế phẩm sinh học EMINA trong trồng trọt, chăn nuôi. Chế phẩm EMINA sử dụng các
loài vi sinh vật có lợi khi đưa vào môi trường chúng làm lệch cân bằng theo
hướng có lợi cho con người, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho cây trồng và vật
nuôi phát triển khỏe mạnh, tăng sức chống chịu với sâu bệnh và điều kiện bất
thuận, góp phần nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.
Ông Nguyễn Quý Lai (đứng thứ 3 từ trái sang) - Giám đốc điều hành Công ty cổ phần
Thực phẩm EMI Nhật Bản giới thiệu với nông dân về hiệu quả của chế phẩm sinh
học EMINA tại Hội thảo
Năm 2014, huyện Yên Bình đã thử
nghiệm ứng dụng chế phẩm EMINA để phòng chống bệnh chảy gôm và nâng cao hiệu
quả kinh tế trên cây bưởi tại xã Đại Minh. Với 05 hộ tham gia trên diện tích
hơn 2 ha bưởi. Kết quả, sau khi dùng chế phẩm EMINA cho thấy hiệu quả rõ rệt:
chất lượng quả bưởi to hơn, vỏ quả bóng đẹp không có các nốt chấm, ăn ngọt hơn,
vị thơm hơn, cây ít sâu bệnh, không bị vàng lá, ít rụng quả non, cây không bị
rêu bám, đặc biệt là tác dụng trị bệnh chảy gôm mà từ trước chưa tìm được cách
trị. Thu nhập trên một đơn vị diện tích cũng tăng đáng kể với 2,1 ha của 05 hộ
dân tham gia năm 2013 chỉ đạt 220 triệu đồng đã tăng lên 335 triệu đồng năm
2014, năm 2015 đã lên đến 440 triệu đồng.
Từ những hiệu quả nhìn thấy từ khi
ứng dụng chế phẩm vào sản xuất, năm 2016 huyện đã tổ chức 05 lớp tập huấn cho
510 hộ nông dân, tặng sản phẩm cho bà con dùng thử để nhân rộng mô hình tại 04
xã Vĩnh Kiên, Yên Bình, Vũ Linh, Bạch Hà. Đến nay với từng loại cây trồng đều
cho đạt hiệu quả cao. Cụ thể trên cây có múi đã phòng trị bệnh chảy gôm, bệnh
vàng lá và thối rễ, bệnh rêu, làm lá xanh bóng sạch hơn, chống rụng hoa và quả
non, tăng tỷ lệ đậu quả, trái to hơn, quả bóng đẹp, vị thơm ngọt hơn, tăng nằng
suất, chất lượng và thu nhập; trên cây thanh long đã phòng trị được bệnh đốm
nâu, nấm tắc kè, chất lượng quả mọng, sáng và ngọt hơn; đối với cây chè đã
phòng trị được bệnh đốm nâu, phồng lá chè, hạn chế rầy, ngăn ngừa nấm bệnh,
phân hủy chất hữu cơ ngăn ngừa sự hình thành khí độc, làm lá sáng bóng, cây
khỏe, bộ rễ và tán lá phát triển, giảm tỷ lệ búp mù và nâng cao năng suất, chất
lượng sản phẩm chè, tăng thêm 01 lứa/năm, năng suất tăng 01 tấn/năm; trên cây
lúa đã phòng trị bệnh đạo ôn, bạc lá và đốm sọc vi khuẩn; đối với chăn nuôi lợn
sử dụng chế phẩm ủ thức ăn đã giảm 40% chi phí thức ăn so với ăn cám thẳng,
chất lượng thịt thơm ngon và khử mùi hôi trong chuồng trại.
Là hộ đi đầu thử nghiệm ứng dụng chế
phẩm EMINA để phòng chống bệnh chảy gôm và nâng cao hiệu quả kinh tế trên cây bưởi,
gia đình ông Trần Văn Quý - thôn Khả Lĩnh xã Đại Minh cho biết với 0,5 ha bưởi
năm 2013 khi chưa có chế phẩm gia đình chỉ thu nhập 30 triệu đồng, năm 2014 đã
tăng lên 45 triệu đồng, năm 2015 đã lên 60 triệu đồng, thu nhập gấp đôi so với
trước. Ông Quý rất phấn khởi khi nhà khoa học, doanh nghiệp đã đồng hành cùng
nhân dân trên con đường làm giàu, xây dựng nông thôn mới.
Ông Nguyễn Đức Điển - Phó Chủ tịch
UBND huyện Yên Bình đánh giá cao kết quả từ việc ứng dụng chế phẩm EMINA tại
địa bàn, đây là tiền đề cho việc mở rộng ứng dụng với quy mô lớn hơn. Thời gian
tới huyện tập trung chỉ đạo phòng nông nghiệp, trạm khuyến nông phổ biến rộng
hơn về cách làm này, đồng thời phổ biến các mô hình làm giàu, các cơ sở cung
ứng giống, tiêu thụ sản phẩm mà Gs Nguyễn Lân Dũng đã giới thiệu đến tất cả các
xã để phổ biến cho nông dân, tập trung nghiên cứu, tạo điều kiện để các xã xây
dựng các mô hình mới, hiệu quả cao, phát triển nền nông nghiệp hiện đại, bền
vững gắn với tái cơ cấu trong nông nghiệp.
Trước đó, đoàn công tác của huyện
cùng Gs Nguyễn Lân Dũng đã đến tham quan các mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học
EMINA trên cây bưởi, chè, thanh long, chăn nuôi lợn tại thị trấn Thác Bà, xã
Đại Minh, Bạch Hà.
Thăm mô hình nuôi lợn sạch sử dụng chế phẩm sinh học EMINA
của hộ bà Nguyễn Thị Bích, khu 4, thị trấn Thác Bà
Hộ ông Trần Văn Thành - thôn Hồ Sen, xã Bạch Hà trồng
thanh long sử dụng chế phẩm sinh học EMINA đem lại hiệu quả cao
Gia đình ông Lê Văn Thu - thôn Làng Ngòi, xã Yên Bình
sử dụng chế phẩm sinh học EMINA trồng chè rất phấn khởi vì hiệu quả cao