Tham dự chương trình tọa đàm có ông
Lê Minh Đức - Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Yên; ông Nguyễn Văn Tám - Phó Chủ tịch Hội
sản xuất chế biến và kinh doanh Quế huyện Văn Yên; ông Triệu Tiến Bảo - Người
dân xã Viễn Sơn, huyện Văn Yên; đại diện các cơ quan báo chí của tỉnh, thường
trú các báo Trung ương tại tỉnh Yên Bái.
Trong chương trình tọa đàm, các
khách mời đã tập trung trao đổi về mục đích, ý nghĩa và các hoạt động diễn ra
trong Lễ hội Quế Văn Yên lần thứ II; việc quảng bá văn hóa, thắng cảnh du lịch,
các hình ảnh về vẻ đẹp đất và người Văn Yên; về vai trò của cây quế trong đời sống
văn hóa của người Dao Văn Yên, việc phát triển cây quế trên địa bàn huyện…
Trao đổi tại chương trình tọa đàm, ông Nguyễn Văn Tám - Phó Chủ tịch Hội sản xuất
chế biến và kinh doanh Quế huyện Văn Yên cho biết từ
lâu sản phẩm Quế của huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái đã có danh tiếng trên thị trường
trong và ngoài nước. Cây quế Văn Yên được
đánh giá là có hàm lượng tinh dầu lớn, chất lượng tốt. Hiện nay, loại cây này đã và
đang mang lại nhiều lợi ích cho nhân dân trong vùng cả về kinh tế, văn hóa - xã
hội, môi trường và còn là một phần không thể thiếu
trong đời sống văn hoá của cộng đồng người Dao Văn Yên.
Ông Triệu Tiến Bảo - Người dân xã Viễn
Sơn, huyện Văn Yên cho biết: “Phải nói rằng cây quế
với người Dao Văn Yên luôn đồng hành, không thể tách rời. Người Dao trồng Quế từ
rất lâu đời trên đất Văn Yên, cây quế gắn liền với bản sắc văn hóa của người
Dao đỏ huyện Văn Yên nói chung và xã Viễn Sơn nói riêng. Bản thân tôi sinh ra và lớn lên cũng từ cây
quế. Cây quế là nguồn thu chủ yếu của gia đình, dòng họ nhà tôi nói riêng, của
người Dao đỏ huyện Văn Yên nói chung. “Người là quế mà quế lại là người” là câu
nói cửa miệng của chúng tôi khi nói về quế bởi từ xưa đến nay mỗi người con
vùng quế khi được sinh ra đã được tắm và đắm mình trong hương quế để tránh gió,
trừ tà và là của hồi môn của cha mẹ cho con trong suốt cuộc đời gắn liền với quế”.
Ngoài thu hoạch quế vỏ, thân quế đã bóc vỏ được dùng để chế biến gỗ, cành
lá quế được trưng cất lấy tinh dầu. Các sản phẩm phụ được dùng làm chất đốt nên
hầu như cây quế được tận thu để phục vụ cuộc sống cho nhân dân.
Trước những lợi ích do cây quế đem lại, huyện Văn Yên đã có những chủ
trương, chính sách cụ thể để khuyến khích người dân mở rộng diện tích cây quế
trên địa bàn. Ông Lê Minh Đức - Phó Chủ tịch UBND huyện Văn Yên cho biết:
“Trong những năm qua, trung bình mỗi năm huyện Văn Yên trồng mới và trồng thay
thế vào diện tích quế đã được khai thác được 1.600 - 1.800 ha. Cùng với các
chính sách hỗ trợ của tỉnh như Đề án trồng quế dọc 2 bên đường cao tốc Nội Bài -
Lào Cai, sử dụng nguồn vốn hỗ trợ trồng rừng 661, chương trình 135… huyện Văn
Yên đã xây dựng Đề án bảo tồn các cây quế trội, diện tích quế tập trung trên địa
bàn các xã vùng chỉ dẫn địa lý quế Văn Yên. Đến nay đã lựa chọn và bảo tồn được
90 cây quế trội và 14,5 ha quế tập trung để bảo tồn giống và phục vụ du lịch
sinh thái. Ngoài ra hàng năm đều tích cực chỉ đạo hướng dẫn nhân dân tập trung
trồng quế vào các diện tích cây lâm nghiệp kém hiệu quả”.
Ngoài việc mở rộng
diện tích cây quế, huyện Văn Yên cũng chú trọng đến các giải pháp để phát triển
thương hiệu quế trên địa bàn. Trong đó tập trung chỉ đạo xây dựng công tác “Xác lập quyền đối với Chỉ dẫn địa lý Văn Yên cho
sản phẩm quế của huyện Văn Yên, tỉnh Yên Bái” và đã được nhà nước cấp Giấy
chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý. Tập trung quản lý và phát triển chỉ dẫn địa
lý Văn Yên cho sản phẩm quế với mục tiêu cơ bản là thiết kế, xây dựng và vận
hành trên thực tế hệ thống quản lý, khai thác giá trị chỉ dẫn địa lý “Văn Yên”
dùng cho sản phẩm quế nhằm nâng cao giá trị kinh tế cho sản phẩm, phát huy ý
nghĩa của việc bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Xây dựng website để cập nhật các thông tin cần thiết về cây quế trên
mạng internet tại địa chỉ http://quevanyen.com; Đề án
bảo tồn những cây quế lâu năm, những rừng quế có giá trị làm nguồn giống và
phục vụ du lịch sinh thái. Mô hình kết hợp du lịch sinh thái rừng quế gắn liền
với các bản sắc văn hóa của dân tộc Dao như lễ cấp sắc, lễ tết nhảy… là cơ sở để nâng cao uy tín của sản phẩm quế
Văn Yên trên thị trường trong và ngoài nước, đồng thời nâng cao hiệu quả kinh
tế trong sản xuất nông - lâm nghiệp trên địa bàn, góp phần thực hiện các mục
tiêu phát triển kinh tế xã hội của huyện cũng như của tỉnh Yên Bái.
Chương trình tọa đàm đã góp phần
giúp người dân, du khách và doanh nghiệp nắm bắt những thông tin về Lễ hội Quế
huyện Văn Yên lần thứ II; quảng bá văn hóa, thắng cảnh du lịch, các hình ảnh về
vẻ đẹp đất và người Văn Yên; vai trò của cây quế trong đời sống văn hóa của người
Dao Văn Yên, những giá trị kinh tế do cây quế đem lại; những định hướng của huyện
trong phát triển cây quế và nâng cao sức cạnh tranh của cây quế trên thị trường.
Qua đó đã để lại những ấn tượng tốt đẹp cho khách mời, đại biểu tham dự và nhân
dân xem trực tuyến.