Là một trong 8 xã trồng nhiều quế nhất huyện Văn Yên, Viễn Sơn có gần 80%
người dân trong xã là đồng bào Dao với truyền thống trồng quế từ bao đời nay. Ông Bàn Kim Vạn ở thôn Khe Dứa, xã
Viễn Sơn cho biết: “Chẳng nhớ cây quế có ở đất Văn Yên từ khi nào, chỉ biết
rằng, những năm cuối thập niên 60 đầu thập niên 70 của thế kỷ trước, đồng bào
Dao ở Văn Yên đã trồng những đồi quế “Đời đời nhớ ơn Bác Hồ”. Từ đó, cây quế đã
gắn bó khăng khít và là một phần không thể thiếu trong đời sống của chúng tôi”.
Hiện nay trên địa bàn xã Viễn Sơn có 2.500 ha
quế. Trong đó diện tích quế được duy trì ổn định là 1.500 ha, còn 1.000 ha để
khai thác thường xuyên và trồng lại. Quế được thu hoạch vào 2 vụ chính trong
năm là vào tháng 3 và tháng 8. Lúc đó, quế mới dóc vỏ và cho chất lượng tốt
nhất. Người Dao đỏ có bí quyết gia truyền trồng quế. Quế được trồng gối nhau
trong rừng để cây này được thu hoạch, cây kia bắt đầu lớn. Bởi thế, rừng quế
quanh năm có thu hoạch, có trồng mới xen canh. Thông thường cứ trồng từ 5-7 năm
thì cây quế đó được thu hoạch.
Trước đây, người dân chỉ thu hoạch thành
phẩm là vỏ quế để bán rồi bỏ đi hết nhưng vài năm trở lại đây, tất cả các sản
phẩm của cây quế đều là hàng hoá. Hàng năm xã Viễn Sơn tiến hành trồng mới và trồng
dặm 50ha quế. Tổng sản lượng quế thu được của xã khoảng 3.000 tấn. Giá thu mua
quế tươi, quế bóc là 18.000 - 20.000 đồng/kg; quế khô có giá từ 370.000 –
400.000 đồng/yến; lá quế có giá 22.000đồng/yến.
Đồi quế trên 20 năm tuổi của gia
đình ông Bàn Kim Vạn
Cây quế ở Viễn Sơn nói
riêng và quế ở Văn Yên nói chung được đánh giá là có hàm lượng tinh dầu lớn,
chất lượng tốt. Đây là nguồn thu nhập chính trong kinh tế hộ gia đình của người
Dao Văn Yên. Cây quế ở Văn Yên đã đóng góp đáng kể giúp người dân vượt qua đói
nghèo, rất nhiều hộ gia đình có thu nhập từ vài chục đến hàng trăm triệu
đồng/năm. Ông Bàn Kim Vạn – Người dân ở thôn Khe Dứa, xã Viễn Sơn phấn khởi nói: “Gia
đình tôi đã trồng quế từ rất lâu đời. Hiện nay gia đình tôi còn 7 ha quế với
những cây to nhất khoảng 20 đến 30 năm tuổi. Cây quế là cây mang lại thu nhập
chính cho gia đình với thu nhập bình quân mỗi năm khoảng 100 triệu đồng”.
Trao đổi với chúng tôi, ông Bàn Phúc Hín -
Chủ tịch UBND xã Viễn Sơn cho biết: “Cây quế là cây mũi nhọn trong phát triển
kinh tế của người dân Viễn Sơn, không những mang lại thu nhập giúp người dân
xóa đói giảm nghèo mà còn giải quyết việc làm tại chỗ cho người dân nơi đây.
Thông qua việc bóc, bán quế, cắt xương quế, bốc lá quế bán theo xe, bình quân
mỗi ngày sẽ cho thu nhập từ 300.000 – 400.000 đồng/người”.
Với những giá trị mà cây
quế đem lại đối với đời sống của người dân, nhiều năm qua, cây quế được xác định
là cây kinh tế mũi nhọn và chiến lược lâu dài của huyện Văn Yên. Trên địa bàn huyện
hiện có trên 40.000 ha quế. Với diện tích đó, Văn Yên đã trở thành vùng quế sản
xuất hàng hóa có quy mô lớn, mỗi năm xuất ra thị trường từ 8.000 - 9.000 tấn vỏ
quế khô các loại, sản lượng cành lá quế đạt khoảng 55.000 tấn/năm, sản lượng tinh
dầu đạt khoảng 290 tấn/năm, sản lượng gỗ quế đạt 62.000 m3/năm, thu
về hàng năm khoảng trên 540 tỷ đồng.
Hàng năm huyện thực hiện trồng mới từ 1.500
đến 1.600 ha Quế. Cùng với các chính sách hỗ trợ của tỉnh như Đề án trồng quế
dọc 2 bên đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai, sử dụng nguồn vốn hỗ trợ trồng rừng
661, chương trình 135… huyện Văn Yên đã xây dựng Đề án bảo tồn các cây quế
trội, tập trung trên địa bàn các xã vùng chỉ dẫn địa lý quế Văn Yên. Đến nay đã
lựa chọn và bảo tồn được 90 cây quế trội và 14,5 ha quế tập trung để bảo tồn
giống và phục vụ du lịch sinh thái. Ngoài ra hàng năm đều tích cực chỉ đạo
hướng dẫn nhân dân tập trung trồng quế vào các diện tích cây lâm nghiệp kém
hiệu quả.
Bên cạnh đó, để cây
quế có sức cạnh tranh trên thị trường, ông Lê Minh Đức - Phó Chủ tịch UBND
huyện Văn Yên cho biết: “Trước mắt chính quyền địa phương tập trung chỉ đạo duy
trì diện tích trồng quế đặc biệt là các vùng quế đã được chứng minh và cấp bảo
hộ chỉ dẫn địa lý, quan tâm phát triển diện tích quế trồng trong vùng có thổ
nhưỡng, khí hậu địa hình phù hợp, bảo đảm thực hiện trồng cây có nguồn giống
tốt. Huyện đã đề nghị tỉnh cho phép và chỉ đạo thành lập Hội sản xuất, chế biến
và kinh doanh quế Văn Yên để thống nhất quản lý các hợp tác xã, doanh nghiệp
sản xuất, chế biến và kinh doanh quế trên địa bàn. Đồng thời phối hợp chặt chẽ
với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Yên Bái, Cục Sở hữu trí tuệ và các cơ quan,
tổ chức có liên quan để thực hiện các hồ sơ nhằm bảo hộ chỉ dẫn địa lý Quế Văn
Yên ra nước ngoài, qua đó các vấn đề quản lý về chất lượng, phân phối hàng hóa,
quảng bá và tiếp thị được nâng cao và xây dựng thành hệ thống chuyên nghiệp
hơn”.