Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Triển khai các giải pháp mở rộng đối tượng tham gia BHXH

15/04/2020 10:30:00 Xem cỡ chữ
CTTĐT - Đến năm 2019, trên địa bàn tỉnh có 1.789 đơn vị sử dụng lao động (SDLĐ) tham gia BHXH với 53.450 người tham gia BHXH bắt buộc và 7.900 đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, trong đó có 920 doanh nghiệp đang hoạt động tham gia BHXH cho 21.400 lao động.

Đến năm 2019, trên địa bàn tỉnh có 1.789 đơn vị SDLĐ tham gia BHXH (ảnh minh họa)

Thực hiện Nghị quyết số 125/NQ-CP ngày 08/10/2018 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23 tháng 5 năm 2018 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về cải cách chính sách BHXH và Nghị quyết số 102/NQ-CP ngày 03/8/2018 của Chính phủ về việc giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH. Tỉnh ủy Yên Bái đã ban hành Kế hoạch hành động số 97-KH/TU, ngày 30/7/2018 thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách chính sách BHXH; UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 214/KH-UBND ngày 03/12/2018 thực hiện Nghị quyết số 125-NQ/CP ngày 08/10/2018 của Chính phủ; Kế hoạch số 207/KH-UBND ngày 21/11/2018 của Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện Nghị quyết số 102-NQ/CP ngày 03/8/2018 của Chính phủ về việc giao chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH giai đoạn 2019 - 2020 trên địa bàn tỉnh Yên Bái; Quyết định số 483/QĐ-UBND ngày 25/3/2019 của UBND tỉnh Yên Bái về việc thành lập Ban Chỉ đạo phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN tỉnh Yên Bái; Đồng thời UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo và giao các ngành, các cấp triển khai thực hiện.

Đến năm 2019, trên địa bàn tỉnh có 1.789 đơn vị sử dụng lao động (SDLĐ) tham gia BHXH với 53.450 người tham gia BHXH bắt buộc và 7.900 đối tượng tham gia BHXH tự nguyện, trong đó có 920 doanh nghiệp đang hoạt động tham gia BHXH cho 21.400 lao động.

Mặc dù hàng năm, có nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh được thành lập mới, song chủ yếu là doanh nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, sử dụng ít lao động; một số chủ doanh nghiệp chỉ hợp đồng miệng với người lao động vào làm việc, không tham gia BHXH cho người lao động; nhiều doanh nghiệp sản xuất kinh doanh gặp khó khăn do sản phẩm sản xuất ra không tiêu thụ được nên phải cắt giảm lao động; số lao động trong tỉnh đi lao động tại các tỉnh ngoài và đi xuất khẩu lao động hàng năm nhiều…do đó đã ảnh hưởng rất lớn đến việc phát triển đối tượng tham gia BHXH của tỉnh.

Vì vậy, để mở rộng đối tượng tham gia cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền theo hướng đổi mới cả về nội dung và phương thức tiếp cận người tham gia, nghiên cứu các hình thức tuyên truyền phù hợp với từng nhóm đối tượng, phát huy vai trò của các cơ quan truyền thông, báo đài... nhằm giúp người dân, doanh nghiệp hiểu được quyền và nghĩa vụ về BHXH và tự giác tham gia.

Đồng thời tiếp tục tuyên truyền những nội dung cơ bản của Nghị quyết số 28NQ/TW; nghiên cứu, đổi mới nội dung, hình thức và phương pháp tuyên truyền phù hợp với đặc điểm, tính chất đặc thù của từng nhóm đối tượng, từng địa phương, nhất là nhóm đối tượng là nông dân, lao động khu vực phi chính thức; tuyên truyền, phổ biến thường xuyên, liên tục các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về BHXH, BHYT, những quan điểm chỉ đạo, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện thắng lợi Nghị quyết; tăng cường tin, bài, định hướng dư luận, tạo thuận lợi cho việc tổ chức thực hiện được hiệu quả, nhanh chóng đưa Nghị quyết mới của Đảng đi vào đời sống. Tích cực tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, các ngành thực hiện đạt mục tiêu của nghị quyết theo từng lộ trình. Đề ra các giải pháp hữu hiệu trong phát triển đối tượng, mở rộng diện bao phủ BHXH, phát triển số lao động tham gia BHXH khu vực phi chính thức; trong ngắn hạn và dài hạn tổ chức thực hiện hiệu quả mục tiêu của nghị quyết, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu nhiệm vụ và các mục tiêu đã đề ra theo lộ trình đến năm 2021 đạt khoảng 30% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH; đến năm 2025 đạt khoảng 40% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH; đến năm 2030 đạt khoảng 50% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH.

Thực hiện hiệu quả việc giải quyết các chế độ, chính sách BHXH cho đối tượng tham gia và thụ hưởng trên địa bàn tỉnh. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các vi phạm, nhất là các hành vi trốn đóng, nợ, gian lận, trục lợi BHXH, BHYT. Phối hợp chặt chẽ với các đơn vị, ngành liên quan đề ra các biện pháp trong quản lý và sử dụng nguồn kinh phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT cho các đối tượng có hiệu quả.

Đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện giao dịch điện tử đạt 100%, thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trên tất cả các lĩnh vực BHXH, BHTN, giảm số giờ giao dịch giữa doanh nghiệp với cơ quan BHXH đạt mức ASEAN 4, phấn đấu chỉ số đánh giá mức độ hài lòng của người tham gia BHXH đạt 80% vào năm 2021, đạt mức 85% vào năm 2025, đến năm 2030 đạt mức từ 90% trở lên.

Tăng cường công tác thanh tra chuyên ngành và đột xuất về đóng BHXH tại các doanh nghiệp. Chuyển hồ sơ kiến nghị khởi tố các hành vi có dấu hiệu tội phạm quy định tại Điều 214, Điều 215, Điều 216 của Bộ luật Hình sự sang cơ quan điều tra có thẩm quyền để xem xét, quyết định việc khởi tố vụ án theo quy định của pháp luật.

Tăng cường công tác truyền thông, phổ biến pháp luật về BHXH, BHTN về lĩnh vực thu nợ BHXH. Trực tiếp đối thoại với doanh nghiệp, người lao động về các quy định của chế độ chính nhằm hạn chế tình trạng nợ đọng BHXH, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp cho người lao động.

Đối với các đơn vị chây ỳ cố tình trốn đóng, đóng không đủ số người theo quy định, có thời gian nợ đọng kéo dài, cơ quan BHXH phối hợp với các cơ quan liên quan thành lập các đoàn kiểm tra; thanh tra liên ngành; thanh tra đột xuất; tổ công tác thu nợ, đôn đốc các đơn vị SDLĐ chấp hành đóng nộp BHXH cho người lao động, thông báo danh sách các đơn vị cố tình không trả nợ trên các phương tiện thông tin đại chúng. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có thẩm quyền tập trung rà soát các đơn vị chây ỳ nợ BHXH, đơn vị mất tích, giải thể, phá sản; các chủ doanh nghiệp nợ đọng BHXH bỏ trốn để đề nghị xử lý theo quy định của pháp luật.

Ban Biên tập