Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Cần nhiều giải pháp đồng bộ hạn chế tình trạng xin hưởng BHXH một lần

08/07/2021 16:39:00 Xem cỡ chữ
CTTĐT - Thời gian gần đây, tình trạng người lao động xin nhận trợ cấp BHXH có xu hướng tăng cao. Việc người lao động lựa chọn lĩnh 1 lần BHXH sẽ đem đến nhiều thiệt thòi cho người lao động, bở họ sẽ bỏ lỡ cơ hội được hưởng lương hưu, cũng như được hưởng chế độ BHYT. Bởi vậy, cần đồng bộ các giải pháp để giảm việc hưởng BHXH một lần.

Tuyên truyền người dân tham gia BHXH tự nguyện tại huyện Yên Bình

Gia tăng số người xin nhận BHXH một lần

Do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 cùng với sự thay đổi của chính sách về tuổi hưu khiến tình trạng nhận BHXH một lần có xu hướng ngày càng tăng cao.

Theo thống kê của BHXH tỉnh, số người tham gia BHXH lĩnh chế độ bảo hiểm xã hội 1 lần tăng nhanh 2 năm trở lại đây. Năm 2019 toàn tỉnh có 5.752 người lĩnh chế độ 1 lần, hết năm 2020 có 7.031 người, tăng 1.279 người so với cùng kỳ năm 2019. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2021 toàn tỉnh đã có 3.215 người xin hưởng BHXH chế độ 1 lần.

Đặc biệt, thời gian gần đây, do tác động của dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất kinh doanh, người lao động bị tạm ngừng việc hoặc mất việc làm, muốn nhận BHXH một lần tăng mạnh.

Ông Phạm Quốc Tuấn – Phó Giám đốc BHXH tỉnh cho biết: "Tình trạng người lao động xin nhận trợ cấp BHXH một lần còn có thể tăng rất lớn. Việc người lao động lựa chọn lĩnh 1 lần BHXH sẽ đem đến nhiều thiệt thòi cho người lao động, vì lợi ích trước mắt mà người lao động sẽ bỏ lỡ cơ hội được hưởng lương hưu để trang trải cuộc sống, cũng như được hưởng chế độ BHYT để chăm sóc sức khỏe khi về già."

Nhiều thiệt thòi cho người lao động

Chính sách BHYT, BHYT có vai trò quan trọng trong hệ thống chính sách an sinh xã hội, nhằm góp phần nâng cao đời sống, giúp đỡ mọi người có cuộc sống ổn định lâu dài. Nếu người dân lựa chọn tham gia BHXH thì đó chính là trụ cột an sinh quan trọng để khi hết tuổi, không còn khả năng lao động sẽ được hưởng lương hưu, được hưởng BHYT để chăm lo cuộc sống, sức khỏe khi về già.

Khi lựa chọn hưởng BHXH một lần, các quyền lợi của NLĐ sẽ bị hạn chế hơn so với khi hưởng lương hưu. Chẳng hạn, nếu nhận BHXH một lần, sau này tham gia lại BHXH sẽ không được cộng nối thời gian đóng BHXH, mà tính thành thời gian đóng BHXH mới. Theo quy định của pháp luật, tổng mức đóng bảo hiểm hưu trí là 22% mức tiền lương tháng làm căn cứ đóng BHXH của NLĐ. Trong đó, NLĐ đóng 8% và người sử dụng lao động đóng 14%, có nghĩa tổng mức đóng vào quỹ BHXH hằng năm bằng 2,64 tháng lương. Nếu NLĐ hưởng BHXH một lần thì chỉ được thanh toán bằng 2 tháng lương cho 1 năm tham gia BHXH.

Cụ thể hơn, về hậu quả về lâu dài, khi hết tuổi lao động về già không có lương hưu, việc rút BHXH một lần, người lao động sẽ không được cấp miễn phí thẻ BHYT, quyền lợi hưởng BHYT; người hưởng BHXH một lần khi chết, gia đình không được hưởng trợ cấp mai táng phí, thân nhân không được hưởng trợ cấp tuất theo quy định so với lựa chọn hình thức hưởng lương hưu. Vì vậy, người lao động nên đóng BHXH đầy đủ để làm chủ cuộc sống và nhận lương hưu lúc về già.

Cần nhiều giải pháp đồng bộ

Trước thực trạng cũng như hệ lụy của việc gia tăng số người nhận BHXH 1 lần, ông Phạm Quốc Tuấn – Phó Giám đốc BHXH tỉnh khuyến cáo người lao động nên cân nhắc, lựa chọn nhận BHXH một lần, đừng vì cái lợi trước mắt mà bỏ lỡ cơ hội được hưởng lương hưu- trợ cấp khi về già, cũng như được hưởng chế độ BHYT. Theo ông, thay vì vội vã quyết định hưởng BHXH một lần, người lao động cần cân nhắc kỹ, có thể bảo lưu thời gian đóng BHXH để khi có điều kiện thì tiếp tục tham gia BHXH bắt buộc hoặc tham gia BHXH tự nguyện, để có điều kiện tự bảo đảm cuộc sống và chăm sóc sức khỏe cho bản thân khi về già, đồng thời góp phần đảm bảo an sinh xã hội, thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Để hạn chế việc nhận BHXH một lần, theo ông Tuấn, cần thiết thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, cả trước mắt và lâu dài, trong đó quan trọng nhất là tạo được sự đồng thuận của người lao động. Trước mắt, cần tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, để các chính sách, quy định liên quan đến BHXH đến gần với người lao động hơn nữa. Từ đó, góp phần giúp họ hiểu và nhận thức đúng, toàn diện về các chính sách an sinh xã hội mà Nhà nước muốn hướng tới và đem lại cho người dân thông qua các chính sách, chế độ về BHXH.

Bên cạnh đó, điều chỉnh một số chính sách liên quan như bổ sung các chế độ được hưởng để tăng tính hấp dẫn của BHXH tự nguyện theo hướng đa dạng, linh hoạt, tăng lợi ích và tính hấp dẫn của chính sách lương hưu thông qua việc sớm thực hiện giảm điều kiện về thời gian đóng BHXH tối thiểu từ 20 năm xuống 15 năm và tiến tới 10 năm; tạo công ăn việc làm, nâng cao thu nhập và đời sống của người lao động.

 

Ban Biên tập