Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Để F0 điều trị tại nhà được hưởng chế độ ốm đau từ Bảo hiểm Xã hội

15/03/2022 10:57:00 Xem cỡ chữ
CTTĐT - Theo quy định tại điều 24, điều 25 Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2014, khi bản thân gặp vấn đề về sức khỏe, người lao động tham gia BHXH phải nghỉ việc để điều trị bệnh sẽ được hưởng chế độ ốm đau nếu đáp ứng các điều kiện gồm bị ốm đau, tai nạn mà không phải là tai nạn lao động; có xác nhận của cơ sở khám chữa bệnh có thẩm quyền. Vì vậy, nếu không may bị lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng, người lao động đang đóng BHXH là F0 điều trị tại nhà được hưởng chế độ ốm đau nếu có xác nhận của cơ sở y tế có thẩm quyền.

Thời gian F0 điều trị tại nhà được hưởng theo chế độ nghỉ ốm đau và được hưởng 75% lương do BHXH chi trả.

Đối với người nhiễm Covid-19 là người lao động điều trị tại nhà: Trạm y tế nơi quản lý, điều trị bệnh nhân có trách nhiệm cấp giấy chứng nhận (GCN) theo mẫu tại Phụ lục 7 Thông tư 56/2017/TT-BYT. Đối với người nhiễm Covid-19 là người lao động điều trị tại trạm y tế lưu động (cơ sở thu dung): Trạm y tế nơi có trạm y tế lưu động (cơ sở thu dung) thì y, bác sĩ được phân công trực tiếp chăm sóc, điều trị người nhiễm Covid-19 ký xác nhận vào vị trí “người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh”, đơn vị chủ quản là Trung tâm Y tế huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm ký đóng dấu vào GCN hoặc ủy quyền bằng văn bản cho trạm y tế xã, phường, thị trấn ký đóng dấu.

Trạm y tế xã, phường, thị trấn tạo lập GCN nghỉ việc hưởng BHXH trên Cổng tiếp nhận dữ liệu hệ thống thông tin giám định BHYT tại địa chỉ: https://gdbhyt.baohiemxahoi.gov.vn để cập nhật thông tin người bệnh Covid-19 được cấp GCN, thực hiện việc đăng ký mẫu dấu của cơ sở y tế, mẫu chữ ký của người hành nghề được phép ký GCN với cơ quan BHXH, trường hợp ủy quyền ký thay thủ trưởng đơn vị tại GCN theo quy định tại mục c, khoản 5, điều 26 của Thông tư 56/2017/TT-BYT (nếu có).

Đối với các hồ sơ, giấy tờ cấp không đúng quy định tại Thông tư số 56/2017/TT-BYT: không đúng mẫu; việc ghi ngày bắt đầu được nghỉ không trùng với ngày người bệnh đến khám (ngày cấp GCN); không có chẩn đoán bệnh… đề nghị các cơ sở khám chữa bệnh cấp lại GCN theo quy định tại mục a, khoản 5, điều 26 của Thông tư 56/2017/TT-BYT.

Người lao động nộp cho doanh nghiệp: bản chính giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH để làm hồ sơ thanh toán chế độ với cơ quan BHXH. Thời hạn giải quyết, trả trợ cấp cho người lao động là tối đa 6 ngày làm việc kể từ ngày cơ quan BHXH nhận đủ hồ sơ. Số tiền trợ cấp được tính theo công thức như sau: mức hưởng = 75% tiền lương đóng BHXH của tháng liền kề trước khi nghỉ chia cho 24 ngày rồi nhân với số ngày nghỉ.

Như vậy, thời gian F0 điều trị tại nhà được hưởng theo chế độ nghỉ ốm đau và được hưởng 75% lương do BHXH chi trả.

Để được hưởng khoản tiền trên, các F0 cần chuẩn bị bản chính hoặc bản sao giấy ra viện (nếu điều trị nội trú) hoặc giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH (nếu điều trị tại nhà); giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH do trạm y tế phường cấp, sau đó nộp hồ sơ hưởng chế độ ốm đau cho doanh nghiệp.

Doanh nghiệp sẽ hoàn tất hồ sơ và gửi cho cơ quan BHXH. 6 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan BHXH sẽ giải quyết việc chi trả tiền hỗ trợ cho NLĐ.

Bên cạnh đó, NLĐ còn được nhận tiền dưỡng sức sau khi điều trị Covid-19 trong trường hợp, sau khi điều trị Covid-19 trong vòng 30 ngày, trở lại làm việc mà sức khỏe NLĐ vẫn chưa hồi phục thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe 5 ngày.

Mức tiền được hưởng trong thời gian nghỉ dưỡng sức là 30% mức lương cơ sở, tức là 447 ngàn đồng/ngày, tổng số tiền được hưởng là hơn 2,2 triệu đồng. Trong trường hợp NLĐ vẫn còn ngày nghỉ phép năm thì thời gian nghỉ việc để điều trị Covid-19 có thể trừ vào ngày nghỉ phép năm. Do đó, trong những ngày này, NLĐ vẫn được hưởng nguyên lương từ người sử dụng lao động.

Như vậy, theo Thông tư 56/2017/TT-BYT, chứng từ để cơ quan BHXH thanh toán các chế độ ốm đau cho NLĐ là giấy xuất viện đối với trường hợp điều trị nội trú và giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH nếu điều trị ngoại trú.

Tuy nhiên hiện nay cũng có nhiều thắc mắc liên quan F0 điều trị tại nhà không được cấp Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng chế độ BHXH. Người lao động là F0 chỉ được cấp Giấy chứng nhận ra viện hoặc hoàn thành điều trị, cách ly. Các loại giấy tờ này đều không đúng với mẫu Thông tư 56 của Bộ Y tế quy định, dẫn đến Bảo hiểm xã hội không thể thanh toán chế độ cho người lao động.

Trước thực tế này, BHXH Việt Nam đã có kiến nghị lên Bộ Y tế nhiều lần nhằm tháo gỡ vướng mắc cho NLĐ.

Song, Công văn số 238/BYT-KCB Ngày 14/1/2022, Bộ Y tế có nêu rõ, hiện nay, các văn bản luật chưa có quy định dùng giấy tờ khác để thay thế giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH. Đồng thời, chưa có quy định về việc chấp nhận những giấy tờ do cấp nằm ngoài quy định của pháp luật hiện hành ký, đóng dấu để làm cơ sở giải quyết hưởng chế độ BHXH đối với NLĐ.

Bộ Y tế đang nghiên cứu, đề xuất các nội dung chưa được quy định trong các văn bản luật để báo cáo, đề xuất với Chính phủ hoặc Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết nhằm giải quyết các vấn đề thực tiễn đang đặt ra.

Để giải quyết hưởng BHXH cho NLĐ điều trị Covid-19 tại nhà đúng quy định và đúng đối tượng, ngày 7/3/2022, Sở Y tế tỉnh Yên Bái có Công văn số 417/SYT-NVY hướng dẫn tạm thời việc cấp một số giấy tờ liên quan đến hồ sơ đề nghị giải quyết hưởng chế độ BHXH cho NLĐ mắc Covid-19. 

Theo đó, đối với trường hợp NLĐ là F0 cách ly tại nhà thì trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố, trạm y tế phường, xã, thị trấn chăm sóc và quản lý F0 tại nhà sẽ cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH theo quy định tại Phụ lục 7 kèm theo Thông tư số 56/2017/TT-BYT ngày 29/7/2017. Một lần khám, người bệnh được cấp một giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH tối đa là 30 ngày.

Trường hợp F0 cần nghỉ dài hơn 30 ngày thì khi hết hoặc sắp hết thời hạn nghỉ ghi trên giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng BHXH đã được cấp, người F0 phải tiến hành tái khám để người hành nghề xem xét quyết định.

Đối với các trường hợp F0 đã được cách ly, điều trị khỏi bệnh nhưng chưa được cấp giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng chế độ BHXH chờ hướng dẫn của Bộ Y tế. Như vậy, trong lúc chờ hướng dẫn của Bộ Y tế cũng đồng nghĩa với quyền lợi của nhiều NLĐ tham gia BHXH tiếp tục phải chờ!

Theo BHXH Việt Nam, trong thời gian này, BHXH Việt Nam khuyến nghị người lao động chưa có tài khoản cá nhân nên khẩn trương mở tài khoản để khi Thông tư hướng dẫn được ban hành, người lao động là F0 có đầy đủ hồ sơ, cơ quan BHXH sẽ chuyển thẳng tiền hưởng chế độ ốm đau, dưỡng sức phục hồi sức khỏe sau ốm đau vào tài khoản của người lao động để vừa đảm kịp thời, minh bạch đến tận tay người lao động, vừa đáp ứng chủ trương không dùng tiền mặt của Chính phủ, cũng như đảm bảo tốt việc phòng, chống dịch COVID-19.

BBT (Tổng hợp)