Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Yên Bái: Dốc lực phát triển bảo hiểm xã hội

20/05/2022 06:29:00 Xem cỡ chữ
Để có thêm nhiều người lao động được tham gia BHXH, đảm bảo cuộc sống an sinh khi về già, các cấp ủy, chính quyền địa phương ở tỉnh Yên Bái thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp nhằm mở rộng số người tham gia BHXH bắt buộc, BHYT. Nhất là đối với người lao động thuộc doanh nghiệp ngoài nhà nước, hợp tác xã, tổ hợp tác, nhóm hộ kinh doanh cá thể... đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện.

Thời gian qua, việc chấp hành, tuân thủ chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) đã được đẩy mạnh và cho thấy hiệu quả ở tỉnh Yên Bái. Để tạo sự đồng thuận giữa Hội đồng quản trị HTX với người lao động trong việc tham gia BHXH, lãnh đạo HTX 6/12 xã Đào Thịnh, huyện Trấn Yên (Yên Bái) đã phối hợp với Liên minh HTX tỉnh Yên Bái thường xuyên tuyên truyền, vận động, hướng dẫn người lao động tham gia BHXH với mức đóng phù hợp.

Phát triển BHXH trước thách thức mới

Theo đó, số lao động làm việc trong HTX 6/12 xã Đào Thịnh tham gia BHXH ngày càng tăng. Người lao động cũng đã hiểu rõ những quyền lợi của mình khi tham gia bảo hiểm, tạo sự gắn kết giữa người lao động với HTX. Đến nay, HTX đã tạo việc làm với thu nhập ổn định cho nhiều lao động tại địa phương, 100% thành viên HTX đã tham gia BHXH, BHYT và BHTN.

tuyen-truyen-ve-chinh-sach-BHX-8095-8662

Tỉnh Yên Bái sẽ thực hiện nhiều giải pháp để phát triển BHXH trong thời gian tới. 

Tuy nhiên, số HTX trên địa bàn tỉnh Yên Bái tham gia BHXH, BHTN như HTX 6/12 xã Đào Thịnh không nhiều. Nguyên nhân dẫn đến diện bao phủ BHXH, BHYT, BHTN trong khu vực kinh tế hợp tác còn khiêm tốn là hiện trên địa bàn tỉnh còn nhiều HTX hoạt động khó khăn nên không đủ nguồn kinh phí để đóng BHXH, BHYT cho những cán bộ quản lý và người lao động; đồng thời nhiều lao động vẫn làm việc thời vụ, không có hợp đồng lao động. 

Thống kê cũng cho thấy, đến hết năm 2021, tỷ lệ tham gia BHXH toàn tỉnh Yên Bái đạt 18,4% so với lực lượng lao động trong độ tuổi; tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 92,58% dân số; số thu BHXH, BHYT hằng năm đều đạt kế hoạch; số tiền nợ đóng BHXH, BHYT giảm dần trong những năm gần đây; quyền lợi của người tham gia BHXH, BHYT được đảm bảo; qua đó, góp phần quan trọng thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, giảm nghèo và chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Song việc tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT còn một số tồn tại, hạn chế nhất định như: Tỷ lệ tham gia BHXH so với lực lượng lao động trong độ tuổi còn thấp; chủ sử dụng lao động chưa thực hiện đầy đủ các quy định về đóng BHXH, BHYT cho người lao động; tình trạng nợ đọng, chậm đóng BHXH còn diễn ra ở nhiều đơn vị; tình trạng lạm dụng, trục lợi quỹ BHXH, BHYT vẫn còn xảy ra…

Bên cạnh đó, về phát triển BHXH tự nguyện, từ 1/1/2022, mức đóng BHXH có nhiều thay đổi do quy định mới của Nghị định 07 năm 2021. Theo đó, với mức đóng BHXH tự nguyện được quy định trong luật BHXH hàng tháng bằng 22% mức thu nhập trong tháng do người tham gia BHXH tự nguyện lựa chọn thì từ ngày 1/1/2022 mức đóng BHXH tự nguyện thấp nhất là 330.000 đồng/tháng, tăng 176.000 đồng/tháng so với mức đóng BHXH tự nguyện của năm 2021. Đối với mức đóng BHXH tự nguyện tối đa là 29,8 triệu đồng/tháng. Quy định này cũng khiến cho việc phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện tại tỉnh Yên Bái gặp nhiều khó khăn.

Vì vậy, BHXH tỉnh Yên Bái đã chỉ đạo các đại lý thu đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân thấy được những lợi ích của việc tham gia BHXH tự nguyện. Từ đó, đồng thuận tiếp tục tham gia đóng BHXH với mức lương tối thiểu mới được quy định.

Triển khai nhiều giải pháp

Mới đây, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Yên Bái đã ban hành Chỉ thị về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT tế trên địa bàn tỉnh với các nhiệm vụ trọng tâm, trong đó đặc biệt nhấn mạnh tới trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền địa phương.

Cụ thể, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Yên Bái yêu cầu các cấp ủy, chính quyền các cấp tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng của cấp ủy, chính quyền.

Tiếp tục đưa chỉ tiêu phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT vào Nghị quyết của cấp ủy, Chương trình hành động lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm của địa phương, gắn với vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, địa phương trong tổ chức thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn.

Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về BHXH, BHYT nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò, lợi ích, ý nghĩa của việc tham gia BHXH, BHYT. Đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, vận động phù hợp với từng vùng, từng nhóm người tham gia (nhất là nhóm đối tượng nông dân, thành viên HTX, lao động khu vực phi chính thức) để người dân tích cực tham gia BHXH tự nguyện, BHYT...

Đồng thời, thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp nhằm mở rộng người tham gia BHXH bắt buộc, BHYT nhất là đối với người lao động thuộc DN ngoài nhà nước, hợp tác xã, tổ hợp tác, nhóm hộ kinh doanh cá thể, người dân sinh sống ở khu vực nông thôn…

Tích cực tuyên truyền, vận động các đối tượng tham BHXH, BHYT với nhiều hình thức đa dạng. Thường xuyên rà soát, phân loại đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, đối tượng tiềm năng tham gia BHXH tự nguyện, BHYT để tuyên truyền, vận động duy trì tham gia và phát triển đối tượng tham gia.

Về giải pháp này, ông Phạm Quốc Tuấn, Phó Giám đốc BHXH tỉnh Yên Bái cho biết: "Để khích lệ các tập thể, cá nhân hoàn thành chỉ tiêu thu, phát triển người tham gia BHXH, BHYT, Yên Bái cũng đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền đi sâu vào các nội dung cụ thể, thiết thực giúp người dân thuận lợi trong tiếp cận cũng như việc tham gia BHXH, đặc biệt là BHXH tự nguyện; đa dạng hóa các hình thức thông tin tuyên truyền theo từng nhóm đối tượng; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao kiến thức cho đội ngũ cán bộ tuyên truyền các cấp, các ngành về BHXH…

Ngoài ra, các cấp ủy, chính quyền địa phương ở Yên Bái cũng sẽ nghiên cứu ban hành chính sách phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh để hỗ trợ một phần mức đóng cho một số đối tượng tham gia BHXH, BHYT là người dân sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; người dân ở các xã, thôn, bản mới ra khỏi diện đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 861/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ không còn thuộc diện được hưởng chính sách hỗ trợ đóng BHYT...