Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Khó khăn trong phát triển BHYT ở các xã nông thôn mới

04/05/2023 15:29:00 Xem cỡ chữ
Văn Chấn là một trong hai địa phương có tỷ lệ bao phủ BHYT thấp của tỉnh Yên Bái do có tỷ lệ người dân là đồng bào dân tộc thiểu số cao. Từ khi Quyết định số 861 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt danh sách các xã khu vực 1, 2, 3 thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 có hiệu lực thì tỷ lệ bao phủ BHYT của huyện Văn Chấn liên tục chịu tác động trực tiếp do điều chỉnh chính sách từ khu vực III, khu vực II xuống khu vực I, đặc biệt là đối với các xã nông thôn mới.

Cán bộ BHXH huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái vận động và phát thẻ BHYT cho người dân vùng kinh tế khó khăn

Theo đánh giá của BHXH huyện Văn Chấn, việc giảm sâu số người tham gia BHYT do ảnh hưởng bởi Quyết định 861 rất khó để “vực lại” số lượng người tham gia như trước, do người chịu ảnh hưởng tác động là những người có hoàn cảnh khó khăn, nên việc vận động tham gia BHYT cũng gặp nhiều trở ngại. 

Tại xã Thượng Bằng La, với trên 2.000 hộ dân, 52% dân số thuộc nhóm đối tượng dân tộc thiểu số được cấp thẻ BHYT miễn phí bởi vậy trong năm 2021, tỉ lệ bao phủ BHYT của toàn xã đạt trên 90%. Sau khi Quyết định 861 có hiệu lực thì đầu năm 2022 tỉ lệ người dân tham gia BHYT của xã giảm xuống còn 60%. Qua nhiều giải pháp tuyên truyền, vận động hiện xã đã nâng tỉ lệ người dân tham gia BHYT lên trên 70%. Theo quy định của các tiêu chí NTM thì tỉ lệ này vẫn chưa đạt.

Đến từng hộ dân để tuyên truyền là cách mà chính quyền xã đã và đang áp dụng trong nhiều tháng qua. Hầu hết những hộ được tuyên truyền vận động đều thông qua chọn lọc để lựa chọn hộ tiềm năng. Ví dụ như hộ gia đình anh Hà Đình Tiệp ở thôn Muỗm, xã Thượng Bằng La, huyện Văn Chấn. Qua nhiều cuộc gặp gỡ của chính quyền xã, tổ chức dịch vụ thu đến tận nhà tuyên truyền, vận động thì đầu năm 2023 anh Tiệp đã mua thẻ BHYT. Một trong những lý do khiến anh quyết định mua thẻ là đợt phẫu thuật cắt ruột thừa vào cuối năm 2022, gia đình tốn kém gần chục triệu đồng cộng với sức khỏe có phần yếu đi sau phẫu thuật anh Tiệp mới quyết định mua thẻ.

Hiện nay, nhận thức về BHYT của người dân khá đầy đủ, nhưng không phải trường hợp nào cũng sẵn sàng mua thẻ dù đang mắc bệnh cần phải điều trị. Trường hợp của gia đình chị Đỗ Thị Hường, thôn Đồng Bản, xã Tân Thịnh, huyện Văn Chấn là một ví vụ. Chồng chị Hường bị tai nạn giao thông được bác sỹ chẩn đoán rạn xương hông, xương khớp háng, song chỉ nằm viện được 2 ngày, gia đình nhất quyết xin về nhà điều trị do không có thẻ BHYT, không có tiền để tiếp tục nằm viện. Đến nay, sau gần 1 tháng, chồng chị Hường vẫn phải nằm một chỗ do vết thương không được điều trị kịp thời. Vốn là trụ cột trong gia đình nay không thể đi lao động, 3 miệng ăn chỉ trông chờ vào sự giúp đỡ của người thân, bà con trong xóm, căn nhà đang xây dở của gia đình chị Hường cũng không biết đến bao giờ mới có thể hoàn thiện.

Để mở rộng tỉ lệ bao phủ BHYT, vận động những người dừng tham gia BHYT do ảnh hưởng bởi Quyết định 861, thời gian qua, BHXH huyện Văn Chấn đã phối hợp với các ngành chức năng tích cực triển khai nhiều giải pháp như tham mưu với UBND huyện để chỉ đạo các đơn vị tăng cường các giải pháp, biện pháp phát triển tăng số người tham gia BHYT, vận động người dân chịu tác động của việc phân định vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tiếp tục tham gia BHYT theo nhóm hộ gia đình hoặc các nhóm BHYT khác, không để thời gian cách quãng ảnh hưởng đến quyền lợi hưởng chế độ BHYT. Mặt khác, ngành cũng tích cực phối hợp với phòng Lao động Thương binh và xã hội huyện, chính quyền các xã đạt chuẩn NTM thực hiện rà soát số người bị ảnh hưởng, những người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người có công với cách mạng, bảo trợ xã hội, hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp có mức sống trung bình… để đề nghị cấp thẻ BHYT, tích cực kêu gọi sự chung tay đóng góp, giúp đỡ từ các tổ chức cá nhân hỗ trợ mua thẻ BHYT cho người dân có hoàn cảnh khó khăn. Đặc biệt, ngành cũng xác định đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để người dân hiểu, chủ động tham gia BHYT là yếu tố “then chốt” nhằm tăng tỉ lệ bao phủ BHYT.

BHYT là một trong trong hai trụ cột an sinh xã hội, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, thể hiện sự hỗ trợ tương thân tương ái trong chăm sóc sức khỏe giữa người giàu với người nghèo, giữa người thuận lợi về sức khỏe với người ốm đau và rủi ro về sức khỏe, giữa người đang độ tuổi lao động với người già và trẻ em. Đồng thời, BHYT mang tính dự phòng những rủi ro do chi phí cao cho chăm sóc sức khỏe gây nên khi ốm đau, bệnh tật bởi vậy, chủ động tham gia BHYT là cách mỗi người dân tự bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của bản thân và gia đình.