Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Yên Bái sau 15 năm thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW, ngày 7/9/2009 của Ban Bí thư về "Đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế (BHYT) trong tình hình mới”

31/07/2024 10:35:00 Xem cỡ chữ
CTTĐT - Sau 15 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 38-CT/TW, ngày 7/9/2009 của Ban Bí thư về "Đẩy mạnh công tác bảo hiểm y tế (BHYT) trong tình hình mới” (Chỉ thị 38), với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, Yên Bái đã tạo sự chuyển biến cả về nhận thức và hành động trong lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện chính sách BHYT từ tỉnh đến các địa phương, lan tỏa đến người dân, khẳng định vai trò quan trọng trong hệ thống an sinh xã hội và chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Yên Bình nỗ lực hoàn thành chỉ tiêu phát triển bảo hiểm y tế

Hàng năm, UBND tỉnh đều giao chỉ tiêu tham gia BHYT cho các huyện, thành phố gắn với kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Với mục tiêu tăng tỷ lệ bao phủ BHYT trên địa bàn tỉnh, UBND tỉnh đã kêu gọi các chương trình, dự án hỗ trợ đóng BHYT cho các đối tượng cận nghèo (Dự án NORRED, EU); đồng thời, tham mưu trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết Quy định mức hỗ trợ đóng BHYT cho các đối tượng thuộc hộ gia đình cận nghèo, hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp có mức sống trung bình và học sinh, sinh viên trên địa bàn. Có chính sách hỗ trợ mức đóng BHYT đối với người dân thường trú tại các xã đặc biệt khó khăn khi xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2023-2025. 

Đây cũng là giải pháp quan trọng trong việc thúc đẩy tỷ lệ bao phủ BHYT của tỉnh Yên Bái đạt ở mức cao, góp phần tích cực vào việc thực hiện tiến bộ xã hội và giữ vững ổn định chính trị - xã hội, xóa đói giảm nghèo trên địa bàn tỉnh. Các cấp ủy đảng, chính quyền, địa phương, đơn vị đã đưa các chỉ tiêu về thực hiện chính sách BHYT vào chương trình kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và xem đây là một tiêu chí quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, đơn vị. 

Hàng năm, BHXH tỉnh đã xây dựng kế hoạch phát triển đối tượng, giao chỉ tiêu tới các tổ chức dịch vụ thu và viên chức ngành BHXH, tổ chức triển khai tới từng nhóm đối tượng; tổ chức đánh giá định kỳ, khắc phục kịp thời những hạn chế, xây dựng giải pháp phù hợp với từng loại đối tượng và từng địa phương; mở rộng phát triển hệ thống đại lý thu BHXH, BHYT cũng như mở rộng nhân viên đại lý tới các tổ trưởng dân phố, trưởng thôn, bản; phối hợp chặt chẽ với ngành y tế tổ chức thực hiện khám, chữa bệnh BHYT, thanh toán kịp thời, đúng quy định của Nhà nước. 

Kết quả, nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị các cấp trong triển khai thực hiện chính sách BHYT được nâng lên; chất lượng khám, chữa bệnh BHYT có chuyển biến tích cực, nhiều dịch vụ kỹ thuật mới, kỹ thuật chuyên sâu được sử dụng trong khám, chữa bệnh cho nhân dân; ngành y tế, BHXH đã chủ động phối hợp, kịp thời giải quyết những vướng mắc, đảm bảo quyền lợi cho người có thẻ BHYT, hạn chế việc lạm dụng, trục lợi quỹ BHYT; công tác phát triển đối tượng BHYT được quan tâm chỉ đạo, đặc biệt là đối tượng tham gia BHYT tự nguyện, nhờ đó tỷ lệ bao phủ BHYT tăng lên. Bên cạnh đó, công tác quản lý và sử dụng quỹ BHYT được thực hiện hiệu quả. Công tác giám định, công tác thanh tra, kiểm tra đã có những thay đổi cơ bản trong hoạt động góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý sử dụng quỹ BHYT. 

Có thể khẳng định, sau 15 năm thực hiện Chỉ thị số 38 trên địa bàn tỉnh, nhận thức của cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể và người dân về chính sách pháp luật BHYT đã có những chuyển biến tích cực; chính sách BHYT đã thực sự đi vào cuộc sống và ngày càng khẳng định vai trò là một trong những trụ cột chủ yếu của hệ thống chính sách an sinh xã hội; đối tượng tham gia BHYT ngày càng tăng. Nếu như năm 2009 có 375.974 người tham gia, đạt 50,55% dân số có thẻ BHYT thì đến hết năm 2023 đã có 805.112 người tham gia, đạt tỷ lệ 95,03% dân số toàn tỉnh. Với kết quả trên thì lộ trình tiến tới BHYT toàn dân của tỉnh Yên Bái sẽ đạt kết quả tốt. 

Ban Biên tập