Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Yên Bái nâng cao chất lượng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế

31/05/2024 10:30:00 Xem cỡ chữ
Nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh (KCB) bảo hiểm y tế (BHYT) là một trong những giải pháp quan trọng để hoàn thành mục tiêu BHYT toàn dân. Vì vậy, trong những năm qua, ngành y tế và Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh phối hợp tổ chức tốt việc khám, chữa bệnh BHYT từ tuyến cơ sở đến tuyến tỉnh, tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế tốt nhất.

Theo BHXH tỉnh, tính đến hết tháng 4/2024, toàn tỉnh có trên 754.000 người tham gia BHYT, tỷ lệ bao phủ BHYT là 88,14% dân số. Thời gian qua, ngành y tế và BHXH tỉnh phối hợp tổ chức tốt việc KCB BHYT, tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế tốt nhất. Hiện tại, hệ thống mạng lưới KCB bằng thẻ BHYT của tỉnh được tổ chức hoàn thiện trên cả 3 tuyến. Toàn tỉnh hiện có 2 bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh, 5 bệnh viện chuyên khoa, 9 trung tâm y tế huyện, 13 phòng khám đa khoa khu vực và 160 trạm y tế xã.

Ngoài ra, có 2 bệnh viện đa khoa tư nhân và 9 phòng khám đa khoa tư nhân thực hiện KCB BHYT. Với hệ thống mạng lưới KCB này, cùng với quy định của Chính phủ về KCB BHYT nội trú, ngoại trú thông tuyến huyện và nội trú thông tuyến tỉnh đã tạo điều kiện thuận lợi chăm sóc sức khỏe cho người bệnh có thẻ BHYT. Ngay từ đầu năm, các cơ sở KCB thực hiện ký hợp đồng KCB bằng thẻ BHYT với cơ quan BHXH và phối hợp chặt chẽ với cơ quan BHXH đảm bảo cho người bệnh có thẻ BHYT được hưởng đầy đủ quyền lợi theo quy định.

Bên cạnh đó, chất lượng KCB tiếp tục được chú trọng, từng bước nâng cao, đáp ứng sự hài lòng của người bệnh. Phong trào thi đua "Bác sĩ tận tâm, bệnh nhân hạnh phúc” được lan tỏa rộng khắp tại tất cả các cơ sở KCB trên địa bàn tỉnh. Các cơ sở KCB tăng cường hợp tác với các bệnh viện tuyến Trung ương và quốc tế để đào tạo và chuyển giao kỹ thuật. Từ đó, nhiều kỹ thuật khó, chuyên sâu đã được thực hiện tại các cơ sở y tế tuyến tỉnh, tuyến huyện như: chụp và can thiệp mạch não, chẩn đoán xử trí tắc động mạch chi cấp tính, kỹ thuật thẩm tách siêu lọc dịch bù trực tiếp từ dịch lọc...

Đến nay, tỷ lệ cơ sở KCB công lập đạt hạng II trở lên là 60%, tỷ lệ hài lòng của người bệnh đạt trên 95%; 100% các cơ sở KCB trên địa bàn tỉnh đạt điểm chất lượng từ 2,85 điểm trở lên, góp phần nâng cao chất lượng, hiệu quả điều trị, hạn chế tình trạng bệnh nhân phải chuyển tuyến trên, giảm gánh nặng kinh tế cho người bệnh.

Bên cạnh nâng cao chất lượng dịch vụ, ngành y tế và BHXH đã xây dựng cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin từ tỉnh đến cơ sở, nâng cấp các phần mềm và kết nối liên thông, chia sẻ dữ liệu giữa cơ sở dữ liệu quốc gia về BHYT với các cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành khác phục vụ quản lý nhà nước và cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Đẩy mạnh chuyển đổi số và triển khai Đề án 06 của Chính phủ trong ngành y tế và BHXH nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân khi tham gia KCB BHYT và hưởng các chế độ, chính sách BHYT đảm bảo kịp thời, nhanh chóng và chính xác.

Đến nay, có 198 (100%) cơ sở KCB BHYT trên địa bàn tỉnh đã triển khai hỗ trợ người dân sử dụng căn cước công dân (CCCD) gắn chíp, ứng dụng VssID - BHXH số hoặc ứng dụng định danh điện tử VNeID khi đi KCB BHYT. Hầu hết người bệnh đi KCB sử dụng CCCD gắn chip tích hợp thẻ BHYT, giúp giảm thời gian chờ đợi KCB của người bệnh.

Ông Bùi Hải Định, phường Minh Tân, thành phố Yên Bái chia sẻ: "Trước đây, đi KCB phải xuất trình thẻ và chứng minh nhân dân, phải chờ đợi để nhân viên y tế kiểm tra giấy tờ, nhập thông tin nên mất nhiều thời gian. Nay chỉ cần mang CCCD đưa cho nhân viên y tế quét là xong. Rất thuận lợi!”. Không chỉ thuận lợi, việc sử dụng CCCD gắn chíp trong KCB BHYT cũng đem đến nhiều lợi ích đối với cả cơ quan quản lý, các cơ sở y tế và cả người dân như tránh được tình trạng sử dụng thẻ BHYT của người khác, thất thoát thẻ BHYT của người bệnh, tiết kiệm được chi phí cấp phát thẻ, quản lý thẻ; chống lạm dụng, trục lợi quỹ KCB BHYT.

Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, công tác KCB cho người có thẻ BHYT của tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Đó là tình trạng thiếu bác sĩ có trình độ chuyên môn cao, chuyên khoa sâu đẫn đến chưa đáp ứng được nhu cầu KCB cho người dân địa phương. Trang thiết bị y tế mặc dù đã được tăng cường, nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu, dẫn đến việc tiếp nhận, triển khai áp dụng kỹ thuật mới, kỹ thuật chuyên sâu tại một số đơn vị còn khó khăn…

Trước thực tế này, để tiếp tục nâng cao chất lượng KCB BHYT thiết nghĩ tỉnh Yên Bái cần tiếp tục tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng y tế, nhất là tại các vùng sâu, vùng xa, nhằm đảm bảo người dân được tiếp cận dễ dàng các dịch vụ y tế cơ bản; xây dựng chính sách ưu đãi, thu hút bác sĩ chuyên khoa về công tác tại các tuyến y tế cơ sở, đặc biệt là vùng sâu, vùng xa; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về vai trò, lợi ích của BHYT, từ đó tăng tỷ lệ tham gia bảo hiểm. Đồng thời tiếp tục đầu tư đổi mới trang thiết bị y tế, nâng cao chuyên môn của đội ngũ y bác sĩ nhằm cải thiện chất lượng KCB.