Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Nỗ lực phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội tại huyện vùng cao Mù Cang Chải

02/07/2024 15:12:00 Xem cỡ chữ
Với hơn 96% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), những năm qua, công tác phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm, đặc biệt là bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện tại huyện Mù Cang Chải luôn gặp nhiều khó khăn. Chưa kể, đa số người dân là lao động tự do, thu nhập bấp bênh, thiếu việc làm ổn định khiến người dân chưa quan tâm nhiều đến việc tham gia BHXH. Điều này đặt ra thách thức không nhỏ trong việc phát triển người tham gia BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) trên địa bàn.

Viên chức BHXH huyện Mù Cang Chải tuyên truyền, vận động tiểu thương tại chợ Mù Cang Chải tham gia BHXH tự nguyện.

Trước thực tế đó, ngay từ đầu năm 2024, BHXH huyện Mù Cang Chải đã tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương ban hành nhiều văn bản để tổ chức thực hiện chế độ, chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn. Đồng thời, chủ động phối hợp với các phòng, ban, ngành, đoàn thể, UBND các xã, thị trấn và các tổ chức dịch vụ thu ra quân thực hiện các hoạt động truyền thông chính sách BHXH, BHYT bằng nhiều hình thức phù hợp với từng đối tượng tham gia như: ra quân tuyên truyền, tổ chức hội nghị tập huấn, tư vấn, đối thoại, tư vấn trực tiếp tại hộ gia đình... 

Bên cạnh đó, BHXH huyện phổ biến trong toàn thể cán bộ, tăng cường truyền thông về BHXH, BHYT qua mạng xã hội như Zalo, Facebook; tích cực truyền thông qua hệ thống loa truyền thanh cơ sở; phát huy vai trò, sự ảnh hưởng của người có uy tín như già làng, trưởng bản để tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS tham gia BHXH tự nguyện. Trong đó, hình thức truyền thông nhóm nhỏ, tuyên truyền trực tiếp được xem là hiệu quả nhất đối với công tác phát triển người tham gia BHXH tự nguyện, BHYT hộ gia đình. 

Được cán bộ BHXH huyện và cộng tác viên thu đến tận nhà tuyên truyền, tư vấn chính sách BHYT hộ gia đình, chị Hà Thị Liên ở tổ 5, thị trấn Mù Cang Chải nhận thấy tầm quan trọng của tấm thẻ BHYT, nhất là đối với gia đình có người già, trẻ nhỏ hay ốm đau như gia đình chị. Lại đúng thời điểm có thể tranh thủ chính sách được Nhà nước hỗ trợ một phần mức đóng cho các thành viên trong gia đình khi cùng tham gia và mức hỗ trợ 70% dành cho người DTTS đang sinh sống tại địa bàn các xã mới thoát khỏi vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, chị Liên đã quyết định trang bị cho mình và các thành viên trong gia đình "tấm lưới” an sinh khi không may rủi ro ốm đau, tai nạn để an tâm hơn nếu phải điều trị tại các cơ sở y tế. 

Chị Hà Thị Liên chia sẻ: "Kinh tế còn khó khăn nhưng nghĩ lâu dài chẳng may có ốm đau, bệnh tật phải điều trị thì còn khó khăn hơn nhiều nên tôi đã quyết định mua thẻ BHYT cho cả nhà”. 

Tham gia BHXH tự nguyện đến nay đã được 11 năm, chị Nguyễn Thị Làn ở tổ 2, thị trấn Mù Cang Chải nhận thấy lợi ích thiết thực khi tham gia. Theo đó, khi mua BHXH tự nguyện, chị Làn không chỉ được Nhà nước hỗ trợ mức đóng mà còn được hưởng nhiều quyền lợi như: được hưởng lương hưu hàng tháng và được cấp thẻ BHYT miễn phí để đảm bảo cuộc sống và chăm sóc sức khỏe khi hết tuổi lao động. Với quan niệm, tích lũy dần khi còn trẻ để an hưởng tuổi già nên ngay khi có cán bộ BHXH huyện Mù Cang Chải đến tuyên truyền, vận động, chị đã tham gia ngay. 

"Mặc dù với đồng thu nhập ít ỏi từ việc bán hàng tại chợ, cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn nhưng thấy được lợi ích về lâu dài khi tham gia BHXH tự nguyện nhất là sức khỏe của tôi cũng không được tốt nên tôi cũng chắt chiu để đóng, sau này về già, khi đau ốm có đồng lương hưu sẽ yên tâm hơn”, chị Làn cho hay.

Là huyện vùng cao, Mù Cang Chải có nhiều lợi thế về tỷ lệ người tham gia BHYT, khi hầu hết nhóm đối tượng người DTTS đều được cấp thẻ miễn phí hoặc giảm tới 70% mức đóng. Hiện toàn huyện có trên 69.000 người tham gia BHYT, đạt trên 99% dân số, tăng gần 1.500 người so với cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, số tham gia BHXH tự nguyện mới chỉ đạt gần 600 người, số tham gia không tăng so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù, công tác tuyên truyền đã được đẩy mạnh, nội dung hình thức luôn được đổi mới đa dạng, phong phú nhưng việc phát triển người tham gia loại hình bảo hiểm này còn nhiều khó khăn, thách thức. 

Ông Nguyễn Xuân Bình - Phó Giám đốc BHXH huyện Mù Cang Chải cho biết: "Khó khăn hiện tại là do trình độ nhận thức của đồng bào còn hạn chế, công việc cũng như thu nhập không ổn định, cuộc sống còn nhiều khó khăn nên trong quá trình tuyên truyền, vận động chúng tôi phải chọn đúng đối tượng là những hộ có thu nhập ổn định, những người đã từng là cán bộ không chuyên trách. Khi tuyên truyền phải tạo được niềm tin bằng việc minh chứng những trường hợp cụ thể đã tham gia và được lĩnh lương hưu. Điều quan trọng nữa là phải kiên trì tuyên truyền, vận động. Bởi thực tế có những hộ gia đình lần thứ 4, thứ 5 đến tuyên truyền, vận động mới đồng ý tham gia”.a

Công tác phát triển người tham gia BHXH, BHYT, nhất là BHXH tự nguyện ở huyện Mù Cang Chải sẽ còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Song với mục tiêu chung là thực hiện BHYT, BHXH toàn dân, BHXH huyện Mù Cang Chải luôn xác định đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để từng bước tăng tỷ lệ người dân được bảo vệ bởi "tấm lưới” an sinh nhân văn của Đảng, Nhà nước.