Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Góp phần nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ

22/11/2023 09:24:00 Xem cỡ chữ
CTTĐT - “Xây dựng và nhân rộng các mô hình thay đổi “nếp nghĩ, cách làm”, nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ; thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em” là một trong 4 nội dung của Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” (thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030). Một trong 4 hoạt động chính của nội dung đó là hỗ trợ ứng dụng KHCN để nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vũ Thị Hiền Hạnh (thứ 6 từ phải qua) và Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Nguyễn Thị Bích Nhiệm (thứ 4 từ trái qua) trao Bằng khen của UBND tỉnh cho 10 điển hình phụ nữ làm kinh tế giỏi.

Nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ thường được hiểu là các hỗ trợ giúp phụ nữ thoát nghèo, tạo cơ hội và khả năng tiếp cận cũng như đáp ứng các nhu cầu cơ bản của con người về chăm sóc sức khoẻ, học hành, ăn, mặc, ở, và có cơ hội được tự chủ về kinh tế ngang với mức của nam giới. Trong thời gian qua, với sự hỗ trợ tích cực từ các cấp Hội LHPN Yên Bái, bằng nhiều hình thức, nội dung đa dạng phong phú như: hỗ trợ phát triển kinh tế, khởi sự, khởi nghiệp, khuyến khích, thúc đẩy các ý tưởng sáng tạo, tiếp cận khoa học kỹ thuật, công nghệ, thông tin… đã mang lại những tiến bộ về năng suất lao động, hiệu quả kinh doanh và sự thay đổi nhu cầu sử dụng lao động nữ, tạo cho người phụ nữ ngày càng có nhiều đóng góp quan trọng trong nền kinh tế.

Hội LHPN tỉnh mới đây đã tổ chức tập huấn ứng dụng KHCN để nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số thuộc Dự án 8 cho cán bộ Hội cấp huyện, xã và đại diện mô hình tổ, nhóm sinh kế trên địa bàn thực hiện Dự án 8.

Theo đó, cán bộ Hội và đại diện mô hình, tổ, nhóm sinh kế được hướng dẫn quy trình triển khai hoạt động hỗ trợ ứng dụng KHCN nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ; hướng dẫn về hỗ trợ ứng dụng nền tảng, công nghệ số quảng bá, giới thiệu sản phẩm tham gia sàn thương mại điện tử và thanh toán điện tử; tư vấn quản lý tiêu thụ nông sản, kiến thức về quảng bá, xúc tiến thương mại cho sản phẩm hàng hóa dịch vụ, truy xuất nguồn gốc sản phẩm và hướng dẫn kết nối phần mềm hỗ trợ xúc tiến thương mại cho sản phẩm hàng hóa dịch vụ…

Chị Lò Thị Hòa – thành viên HTX Nông sản hữu cơ Phúc Sơn (thị xã Nghĩa Lộ) nhận thấy: “Tham gia tập huấn, tôi càng hiểu rằng việc truy xuất nguồn gốc sản phẩm hàng hóa là vô cùng quan trọng. Tôi nghĩ rằng đó là điều mà tổ, nhóm sinh kế, tổ hợp tác, HTX nên càng sớm thực hiện được càng tốt để nâng cao giá trị của sản phẩm mình sản xuất, kinh doanh”.

Chị Triệu Thị Thương – Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Nậm Lành (Văn Chấn) cho biết: “Nậm Lành có sản phẩm măng sặt rất ngon. Hiện đã xây dựng được Tổ hợp tác măng sặt thôn Giàng Cài. Sản phẩm đã được chứng nhận VietGAP, tuy nhiên chưa xây dựng được thương hiệu riêng, giá bán còn bấp bênh. Với kiến thức được các chuyên gia hướng dẫn, nhất là về xây dựng thương hiệu, sử dụng công nghệ trong bảo quản sản phẩm, về các trang web hay sàn thương mại để giới thiệu, quảng bá sản phẩm, Hội Phụ nữ xã đã có hình dung rõ nét những việc cần làm để hỗ trợ Tổ hợp tác phát triển sản phẩm măng sặt”.

Chị Lò Thị Phấn – Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Bình Thuận (Văn Chấn) cũng chia sẻ: “Tiếp thu kiến thức tập huấn, mình hiểu được những phần việc cơ bản mà Hội Phụ nữ xã cần thực hiện để hỗ trợ chị em trong phát triển kinh tế, như là kết nối, tổ chức tập huấn và thuê chuyên gia hỗ trợ. Hội sẽ tuyên truyền để chị em đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp hữu cơ; xây dựng các nhóm sản xuất, tổ hợp tác, HTX để phát triển các sản phẩm đang có như: măng khô, cam, bí xanh, hồng xiêm theo hướng xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu và quảng bá sản phẩm với sự hỗ trợ của công nghệ số, nền tảng số”.

Để triển khai hiệu quả Dự án 8, đồng chí Hà Thị Đóa - Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Yên Bái cho biết: Thời gian tới, Ban Điều hành Dự án 8 tỉnh sẽ tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn các cấp Hội, hội viên thực hiện các mô hình hỗ trợ tổ/nhóm sinh kế có phụ nữ làm chủ hoặc đồng làm chủ (tổ nhóm sinh kế, tổ hợp tác, hợp tác xã) ứng dụng KHCN trong sản xuất và kết nối thị trường. Đồng thời, Ban Điều hành Dự án sẽ phối hợp với các ngành tổ chức tập huấn, bồi dưỡng cho các tổ nhóm sinh kế; thí điểm mô hình hỗ trợ tổ/nhóm sinh kế có phụ nữ làm chủ hoặc đồng làm chủ ứng dụng KHCN trong sản xuất và kết nối thị trường, xây dựng thương hiệu, đăng ký các tiêu chuẩn theo quy định, giới thiệu và hỗ trợ kết nối với các giải pháp dịch vụ logistics và thanh toán điện tử; tư vấn hỗ trợ kỹ thuật cho tổ nhóm...

Ban Biên tập