Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Đề cao vai trò của phụ nữ trong hội nhập và phát triển kinh tế

17/11/2017 09:49:00 Xem cỡ chữ
CTTĐT - Phụ nữ Yên Bái vốn mang trong mình đầy đủ phẩm chất truyền thống tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam. Trong đó, đảm đang, giàu lòng nhân ái là một trong những nét nổi bật đã làm nên hình ảnh người phụ nữ Yên Bái hôm nay - vì cộng đồng, vì xã hội.

Đồng chí Phạm Thị Thanh Trà - Bí thư Tỉnh ủy trò chuyện với phụ nữ thôn Khe Loóng, xã Tân Đồng, huyện Trấn Yên.

Người phụ nữ Yên Bái không chỉ thành đạt trong chăm sóc, nuôi dạy con cái trở thành những công dân có ích cho xã hội, biết giữ gìn tình yêu, hạnh phúc gia đình mà còn là thành đạt trong học tập, rèn luyện và phấn đấu trưởng thành trong công tác xã hội. Nói cách khác, ngoài phải hy sinh cho gia đình, người phụ nữ Yên Bái giờ đây còn có điều kiện quan tâm đến cộng đồng, xã hội, giúp đỡ nhau vươn lên trong cuộc sống, khẳng định vai trò của người phụ nữ mới.

Đặc biệt, khi có sự quan tâm lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự định hướng của hội phụ nữ các cấp, thì truyền thống tốt đẹp “Tương thân tương ái” của phụ nữ Yên Bái được phát huy cao độ và có sức lan tỏa khắp các địa phương trong tỉnh.

Mỗi năm, thông qua các phong trào “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, “Ngày tiết kiệm vì phụ nữ nghèo”, “Mái ấm tình thương” chị em đã hỗ trợ nhau hàng trăm tấn thóc, hàng trăm triệu đồng tiền vốn, hàng ngàn con lợn giống, hàng vạn ngày công lao động, xây dựng nguồn quỹ cho trẻ em nghèo vượt khó hay trao tặng rất nhiều “Mái ấm tình thương” cho phụ nữ nghèo...

Hiệu ứng lan tỏa của hoạt động vì cộng đồng, vì xã hội của phụ nữ Yên Bái đã xuất hiện nhiều những gương điển hình giỏi việc nước, đảm việc nhà giàu lòng nhân ái như chị Phạm Thị Vượng - Giám đốc Công ty Đại Vượng (thành phố Yên Bái), chị Nguyễn Kim Oanh - Phó giám đốc Công ty cổ phần Đại Lộc và các chị trong Câu lạc bộ Nữ doanh nhân tỉnh Yên Bái...

Đặc biệt, 3 lượt nữ doanh nhân tiêu biểu nhận Cúp Bông hồng vàng là chị Bùi Thị Sửu - Giám đốc Công ty TNHH Hòa Bình, chị Hoàng Thị Bình - Giám đốc Công ty cổ phần Dược phẩm tỉnh Yên Bái và các danh hiệu Doanh nhân văn hóa - Nữ tướng thời bình, Nữ doanh nhân trí thức thành đạt.

Lòng nhân ái của người phụ nữ Yên Bái còn là việc luôn tạo cơ hội cho những người lầm lỗi tái hoà nhập động đồng, trở về với cuộc sống đời thường với trái tim đồng cảm. Đó là sự chia sẻ, bao dung, nhân ái với những cảnh ngộ thiếu may mắn. Các cấp hội phụ nữ trong tỉnh đã có những mô hình câu lạc bộ cho nhiều đối tượng phụ nữ sinh hoạt, như: phụ nữ có HIV, phụ nữ tái hòa nhập cộng đồng... góp phần lớn xóa bỏ định kiến xã hội.

Tuy là một hình ảnh mới, một vai trò mới nhưng hoạt động vì cộng đồng, vì xã hội của phụ nữ hiện đại đều xuất phát từ truyền thống tốt đẹp của dân tộc, của người phụ nữ Việt Nam đó là đức tính nhân hậu - giá trị truyền thống của phụ nữ Việt Nam được hình thành và khẳng định trong suốt quá trình lịch sử của dân tộc.

Truyền thống ấy được hun đúc, bồi đắp qua những thăng trầm của lịch sử. Trên cơ sở đó, người phụ nữ hiện đại đã kế thừa và phát huy giá trị truyền thống cho phù hợp với công cuộc đổi mới đất nước. Trong bất cứ thời đại nào, lòng trung hậu nhân ái luôn là một phẩm chất đạo đức truyền thống tốt đẹp, đáng tự hào của phụ nữ Việt Nam. Chính điều đó ngày càng khẳng định vị thế của người phụ nữ trong xã hội hiện đại giỏi việc nước, đảm việc nhà.

Trong cuộc sống có biết bao tấm lòng cao cả với lương tâm, trách nhiệm của những người phụ nữ luôn hướng đến phương châm sống “Mình vì mọi người”. Sự cưu mang, đùm bọc lẫn nhau xuất phát từ lòng nhân ái, từ sự đồng cảm, "thương người như thể thương thân". Hơn ai hết, lòng trắc ẩn - "vốn là bản tính gần như bẩm sinh" của phụ nữ Việt Nam đã giúp tạo nên những phẩm chất cao đẹp của lòng nhân hậu, vị tha, nhân ái.

Hình ảnh mới với vai trò mới vì cộng đồng, vì xã hội của người phụ nữ được xây dựng trên nền tảng những giá trị tốt đẹp của người phụ nữ Việt Nam, được hun đúc trong cả quá trình. Vai trò của các cấp hội phụ nữ hết sức quan trọng, trong đó có các hoạt động thiết thực như Đề án “Tuyên truyền, giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, Đề án “5 triệu bà mẹ nuôi dạy con tốt”, các phong trào giúp đỡ nhau...

Qua đó, phát huy những đức tính tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam, làm thay đổi nhận thức, dẫn đến những thay đổi trong hành động của phụ nữ. Đó là sự thay đổi bắt kịp với thời đại, làm nên một hình ảnh mới, vai trò mới của phụ nữ với cộng đồng, với xã hội, biết khắc phục khó khăn nỗ lực phấn đấu nâng cao kiến thức vươn lên khẳng định vai trò, vị trí trong gia đình và ngoài xã hội.

 

Ban Biên tập