Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thi hành Luật Bình đẳng giới tại Yên Bái

08/08/2017 16:01:00 Xem cỡ chữ
CTTĐT - Yên Bái là tỉnh miền núi thuộc vùng Tây Bắc, nằm ở vị trí nối tiếp giữa trung du và miền núi phía Bắc. Tổng diện tích tự nhiên của toàn tỉnh là 6.899,49 km2; dân số trên 816.000 người, tỷ lệ dân số khu vực nông thôn chiếm trên 81%; có 30 dân tộc cùng chung sống (trong đó có 12 dân tộc chính), đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 53,74%. Tỉnh Yên Bái có 9 huyện, thị xã, thành phố; 180 xã, phường, thị trấn trong đó có 72 xã và 233 thôn, bản đặc biệt khó khăn; có 2 huyện nằm trong 62 huyện nghèo nhất của cả nước là huyện Mù Cang Chải và Trạm Tấu.

Tọa đàm Bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị

Luật Bình đẳng giới được Quốc hội khóa XI, thông qua ngày 29/11/2006, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2007 quy định nguyên tắc bình đẳng giới trong các lĩnh vực đời sống xã hội và gia đình, biện pháp bảo đảm bình đẳng giới, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân trong việc thực hiện bình đẳng giới.

Luật Bình đẳng giới ra đời đã trở thành một chế định quan trọng và Bình đẳng giới là nguyên tắc Hiến định trong hệ thống pháp luật, là cơ sở để thể chế hóa trong văn bản quy phạm pháp luật. Luật Bình đẳng giới đã có tác động tích cực tạo chuyển biến về nhận thức trong cấp ủy Đảng, chính quyền, tổ chức đoàn thể và người dân về Bình đẳng giới; các cấp, các ngành đã có nỗ lực để triển khai Luật bình đẳng giới. Căn cứ quy định của Luật, thực hiện các chiến lược, chương trình quốc gia về bình đẳng giới, tỉnh Yên Bái đã ban hành đầy đủ các kế hoạch, văn bản hướng dẫn chỉ đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể, địa phương và nhân dân trong tỉnh triển khai nghiêm túc và có hiệu quả, tạo điều kiện cho cả nam và nữ phát huy quyền làm chủ và bình đẳng trên mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội và trong gia đình, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của tỉnh. Đội ngũ cán bộ nữ được nâng cao trình độ về mọi mặt, được tạo  điều kiện tham gia vào các lĩnh vực của đời sống xã hội, các lĩnh vực bình đẳng giới; vị trí, vai trò của phụ nữ ngày càng được khẳng định trong gia đình và xã hội; các chỉ tiêu, chỉ số về bình đẳng giới và tiến bộ của phụ nữ của tỉnh hầu hết đạt mức trung bình toàn quốc, một số chỉ tiêu đạt cao hơn trong như trong  lĩnh vực chính trị, đào tạo trình độ sau đại học...

Thông qua công tác tuyên truyền giáo dục đã làm thay đổi nhận thức và hành vi của cộng đồng, gia đình và cá nhân, từng bước thu hẹp khoảng cách bất bình đẳng giới tiến tới bình đẳng giới thực chất, sự quan tâm chia sẻ và cách ứng xử với phụ nữ và trẻ em gái trong mỗi gia đình tại nơi cộng đồng và trong cơ quan, tổ chức doanh nghiệp đã có những chuyển biến rõ rệt, vị thế của người phụ nữ trong xã hội ngày càng được nâng cao.

Các văn bản quy phạm pháp luật có nội dung liên quan đến bình đẳng giới hoặc có vấn đề bất bình đẳng giới, phân biệt đối xử về giới được rà soát và lồng ghép vấn đề bình đẳng giới. Đến nay, tỉnh Yên Bái không phát hiện văn bản quy phạm pháp luật có nội dung bất bình đẳng giới hoặc phân biệt đối xử về giới. Các mô hình điểm được tiếp tục chỉ đạo nhân rộng và bước đầu có những kết quả tốt đẹp như: Tỷ lệ thời gian tham gia công việc gia đình của nam giới ngày càng cao nhìn từ góc độ nhận thức tự giác, thói quen chia sẻ công việc gia đình và xã hội...

Tuy nhiên bên cạnh những kết quả đạt đươc, vẫn còn một số hạn chế, vướng mắc do quy định của Luật như: Một số quy định trong các lĩnh vực có liên quan đến bình đẳng giới còn chưa phù hợp dẫn tới những hạn chế điều kiện và cơ hội tham gia bình đẳng của phụ nữ như vấn đề tuổi nghỉ hưu; tuổi đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt, bổ nhiệm... của cán bộ, công chức, viên chức nữ; Chưa có quy định về việc thống kê tách biệt chỉ số giới nên khó khăn trong việc xây dựng hệ thống chỉ số về bình đẳng giới để thu thập thường xuyên tại các cấp phục vụ nghiên cứu, hoạch định chính sách; Các chế tài xử phạt vi phạm Luật Bình đẳng giới không đủ tính răn đe nên vấn đề vi phạm quyền của phụ nữ nam giới vẫn xảy ra, chưa gắn trách nhiệm và các biện pháp xử lý đối với các tỉnh, các địa phương chưa đạt các mục tiêu bình đẳng giới nên hiệu quả công tác bình đẳng giới nói chung vẫn hạn chế; nhất là về định kiến giới và bạo lực trên cơ sở giới; Định kiến giới còn khá phổ biến trong nhân dân, nhất là ở vùng sâu, vùng cao, vùng dân tộc thiểu số. Tư tưởng coi nam giới là “trụ cột” còn phụ nữ luôn gắn với vai trò nội trợ, chăm sóc gia đình đó là cách nhìn lệch lạc về vai trò của mỗi giới, dân đến thiếu sự chia sẻ trách nhiệm giữa nam giới và phụ nữ trong công việc gia đình và tham gia các hoạt động xã hội. Tình trạng sinh con thứ 3 trở lên do chưa có con trai, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống ở vùng cao diễn ra phổ biến; chỉ số giới tính khi sinh vẫn ở trong nguy cơ mất cân bằng, bạo lực trên cơ sở giới vẫn thường xuyên diễn ra và tinh vi hơn; Số lượng và tỷ lệ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý của tỉnh còn chưa nhiều; số cán bộ được quy hoạch các vị trí chủ chốt của các sở, ban, ngành, các cấp còn chưa đạt mục tiêu đề ra; Việc lồng ghép mục tiêu bình đẳng giới với mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh ở một số lĩnh vực chưa được rõ nét. Việc lồng ghép với các hoạt động chuyên môn của một số đơn vị chưa được quan tâm đúng mức, chưa có chỉ tiêu cụ thể; Sự quan tâm của một số cấp uỷ Đảng, chính quyền cơ sở về giới và công tác bình đẳng giới chưa đầy đủ, kịp thời nên việc thực hiện chủ trương, chính sách luật pháp của Đảng, Nhà nước liên quan đến phụ nữ và trẻ em chưa được thi hành triệt để; công tác quy hoạch, đào tạo, sử dụng cán bộ nữ chưa được quan tâm chỉ đạo thường xuyên, liên tục; Đội ngũ làm công tác quản lý nhà nước về bình đẳng giới từ cấp tỉnh, huyện, xã chủ yếu là kiêm nhiệm, chưa được đào tạo đầy đủ kiến thức, kỹ năng chuyên môn để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đề ra…

Giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thi hành Luật

Trong thời gian tới, để thi hành luật có hiệu quả đề nghị các Bộ, ngành Trung ương nghiên cứu đưa các chỉ tiêu có phân tích tách biệt giới vào hệ thống báo cáo thống kê quốc gia hàng năm để có cơ sở lập kế hoạch, hoạch định, triển khai, theo dõi, chỉ đạo thực hiện các mục tiêu về bình đẳng giới; Nghiên cứu ban hành chính sách ưu tiên cho cán bộ nữ/miền núi trong công tác tuyển dụng, đào tạo; Có chính sách bồi dưỡng kiến thức, khoa học kỹ thuật, công nghệ mới cho đối tượng xuất khẩu lao động là nữ để đáp ứng nhu cầu thị trường lao động của nước ngoài.

Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tăng cường tổ chức các khóa tập huấn nâng cao cho đội ngũ giảng viên nguồn cấp tỉnh về bình đẳng giới. Ưu tiên hỗ trợ ngân sách từ Trung ương cho các tỉnh còn khó khăn, quan tâm hướng dẫn và hỗ trợ việc xây dựng mô hình thúc đẩy bình đẳng giới đặc thù theo vùng, miền, dân tộc; Tăng cường công tác tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức cho lãnh đạo, cán bộ công chức nhà nước theo hướng hỗ trợ thông tin khoa học và thực tế để hiểu rõ, hiểu đúng, hiểu sâu sắc, toàn diện về bình đẳng giới; kỹ năng tạo cơ hội bình đẳng giới rõ ràng có tính đến đặc thù giới tính trong chính sách pháp luật, bảo đảm không làm phát sinh bất bình đẳng giới khi thực thi các quy định về cơ hội bình đẳng giới; Trước tình hình các xâm phạm về quyền bình đẳng giới diễn ra phức tập và tinh vi, cần có một lực lượng chuyên trách đủ khả năng giúp đỡ phụ nữ trong những trường hợp quyền bình đẳng giới bị xâm hại. Lực lượng chuyên trách này cần có mô hình cụ thể, được trang bị quyền lực nhà nước đủ mạnh để trừng trị những hành vi vi xâm phạm quyền bình đẳng giới đồng thời đủ thuyết phục để phụ nữ có thể tự tin tự bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình hoặc dựa vào cơ quan bảo vệ quyền bình đẳng của phụ nữ…

Ban Biên tập