Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Kết quả 10 năm thực hiện Luật Bình đẳng giới tại Yên Bái

14/08/2017 16:28:00 Xem cỡ chữ
CTTĐT - Luật Bình đẳng giới được Quốc hội khóa XI, thông qua ngày 29/11/2006, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2007. Qua 10 năm thực hiện Luật Bình đẳng giới, tỉnh Yên Bái đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn thi hành Luật. Trên cơ sở đó các cấp, ngành, đoàn thể, địa phương đã triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả, tạo điều kiện cho cả nam và nữ phát huy quyền làm chủ và bình đẳng trên mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội và trong gia đình, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của tỉnh.

Thông qua công tác tuyên truyền giáo dục đã làm thay đổi nhận thức và hành vi của cộng đồng, gia đình và cá nhân

Luật Bình đẳng giới ra đời đã trở thành một chế định quan trọng và Bình đẳng giới là nguyên tắc Hiến định trong hệ thống pháp luật, là cơ sở để thể chế hóa trong văn bản quy phạm pháp luật. Luật Bình đẳng giới đã có tác động tích cực tạo chuyển biến về nhận thức trong cấp ủy Đảng, chính quyền, tổ chức đoàn thể và người dân về Bình đẳng giới; các cấp, các ngành đã có nỗ lực để triển khai Luật bình đẳng giới. Thực hiện Chiến lược Quốc gia về bình đẳng giới, tỉnh Yên Bái đã có nhiều chuyển biến tích cực từ nhận thức đến hành động, thông qua sự chỉ đạo sát sao của cấp ủy Đảng, vai trò tham mưu của cơ quan chức năng, sự vào cuộc của các cấp, các ngành, công tác lãnh đạo, điều hành thực hiện có hiệu quả của Ủy ban nhân dân từ tỉnh đến cơ sở và sự khẳng định vươn lên của mỗi cá nhân.

Từ đó, kết quả đạt được trên nhiều lĩnh vực đời sống xã hội và cộng đồng, đặc biệt thực hiện quyền bình đẳng trong đời sống chính trị ngày càng được quan tâm hơn.Tích cực ban hành các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới nhằm từng bước xóa bỏ khoảng cách giới trong lĩnh vực chính trị như: Xác định tỷ lệ nữ tham gia lãnh đạo các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội hàng năm nhằm thực hiện công tác tạo nguồn và quy hoạch dài hạn cán bộ quản lý, lãnh đạo nữ với các chỉ tiêu cụ thể và giải pháp thực hiện; đặc biệt chú trọng công tác cán bộ nữ tham gia cấp ủy, ứng cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định về độ tuổi đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt, bổ nhiệm nữ vào các vị trí cán bộ chủ chốt của sở, ban, ngành cấp tỉnh, huyện, xã, nhất là các ngành đặc thù như giáo dục, y tế.

Tỷ lệ nữ trong cán bộ, công chức, viên chức của toàn tỉnh  năm 2007 là 49,4% đến năm 2016 tăng lên 58,8%; Tỷ lệ nữ tham gia cấp ủy Đảng nhiệm kỳ 2016-2020 cấp tỉnh đạt 17,6% (tăng 1,28% so với nhiệm kỳ trước), đặc biệt có Bí thư Tỉnh ủy là nữ ; cấp huyện đạt 19,1% (tăng 1,21% so với nhiệm kỳ trước); cấp xã đạt 19,9% (tăng 3,06% so với nhiệm kỳ trước). Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XIII là 33,3% tương đương với nhiệm kỳ trước. Tỷ lệ nữ đại biểu HĐND cấp tỉnh nhiệm kỳ 2016- 2021 đạt 37,2% (tương đương với nhiệm kỳ trước); cấp huyện đạt 37,3% (tăng 7,7% so với nhiệm kỳ trước); cấp xã đạt 33,3% (tăng 4,3% so với nhiệm kỳ trước). Đến năm 2017 tại cấp tỉnh có 18/37 cơ quan có lãnh đạo chủ chốt là nữ.

Trong lĩnh vực kinh tế: Các ngành chức năng của tỉnh đã hướng dẫn, cụ thể hóa việc thực hiện Luật Bình đẳng giới trong việc thành lập doanh nghiệp, tiến hành hoạt động sản xuất kinh doanh, quản lý doanh nghiệp, bình đẳng trong tiếp cận thông tin, nguồn vốn, thị trường và nguồn lao động; doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ được ưu đãi về tài chính; lao động nữ khu vực nông thôn được hỗ trợ tín dụng, khuyến nông, khuyến lâm.

Đến năm 2017 có 433 nữ làm chủ doanh nghiệp đạt 26,7%. Hội Phụ nữ tỉnh duy trì hoạt động câu lạc bộ nữ doanh nhân với nhiều hoạt động hỗ trợ thúc đẩy phát triển kinh tế và thực hiện công tác xã hội.

Phụ nữ là hộ nghèo ở nông thôn, vùng dân tộc thiểu số được vốn vay ưu đãi từ các chương trình việc làm, giảm nghèo và các nguồn tín dụng chính thức hiện nay đạt khoảng 90%.

Trong lĩnh vực lao động: Các quy định về bình đẳng giới khi tuyển dụng, chế độ tiền công, tiền lương, tiền thưởng được thực hiện nghiêm chỉnh; tại nhiều doanh nghiệp được cụ thể trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể...

Các chính sách đối với lao động nữ tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp... được đảm bảo thực hiện; về cơ bản các điều kiện vệ sinh an toàn cho lao động nữ trong một số ngành, nghề nặng nhọc, nguy hiểm hoặc độc hại được thực hiện đúng quy định.

Hàng năm có từ 17.000- 18.000 lao động của tỉnh được tạo việc làm mới, trong đó tối thiểu đạt tỷ lệ 45% cho mỗi giới.

Thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn và các nhiệm vụ đào tạo nghề thường xuyên, lao động nam, nữ được tuyển dụng bình đẳng. Năm 2016 tỷ lệ lao động nữ nông thôn dưới 55 tuổi được đào tạo nghề và chuyên môn kỹ thuật đạt 44,0%.

Trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo: Các quy định bình đẳng về độ tuổi đi học, bồi dưỡng; trong lựa chọn ngành, nghề học tập, đào tạo; trong tiếp cận và hưởng thụ chính sách về giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ được thực hiện nghiêm túc. Lao động nữ khu vực nông thôn, lao động người dân tộc thiểu số còn được ưu tiên hỗ trợ dạy nghề thông qua các lớp đào tạo nghề ngắn hạn; trẻ em gái khu vực đồng bào dân tộc thiểu số được tăng cường vận động ra lớp. Ngành Giáo dục và Đào tạo luôn quan tâm đến công tác quy hoạch, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ nữ. Tỷ lệ nữ tham gia các vị trí lãnh đạo tương đối cao. Ngành luôn tạo điều kiện tốt nhất cho cán bộ, nhân viên nữ phát huy tối đa năng lực, làm việc hiệu quả. Tỷ lệ biết chữ của nam và nữ trong độ tuổi từ 15 đến 40 tuổi ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn đạt 95,7% năm 2015. Tỷ lệ nữ thạc sỹ trong tổng số thạc sỹ được đào tạo của tỉnh đạt 41,9% năm 2015; tỷ lệ nữ tiến sỹ trong tổng số tiến sỹ được đào tạo của tỉnh đạt 25%.

Trong lĩnh vực khoa học, công nghệ: Trong việc tiếp cận các khoá đào tạo về khoa học và công nghệ, phổ biến kết quả nghiên cứu khoa học, công nghệ và phát minh, sáng chế không có sự bất bình đẳng giữa nam và nữ.

Tỷ lệ nữ tham gia xây dựng các dự án, đề án khoa học chiếm khoảng 40% trên tổng số người tham gia; tỷ lệ nữ tiếp cận các khóa đào tạo về khoa học, công nghệ chiếm khoảng 50% cho mỗi giới.

Bình đẳng giới trong lĩnh vực văn hóa, thông tin: Việc tham gia các hoạt động văn hóa, thông tin, thể dục, thể thao và hưởng thụ văn hóa, tiếp cận và sử dụng các nguồn thông tin của nam và nữ là như nhau. Thông qua công tác thẩm định, cấp phép, xuất hành, kiểm tra các ấn phẩm văn hóa, thông tin truyền thông không phát hiện có sản phẩm văn hóa, thông tin mang định kiến giới. Thời lượng phát sóng các chương trình phát thanh - truyền hình và số lượng sản phẩm tuyên truyền, giáo dục về bình đẳng giới tăng dần hàng năm.

100% Đài phát thanh và truyền hình ở cấp tỉnh và Đài truyền thanh cấp huyện có duy trì chuyên mục, chuyên đề nâng cao nhận thức về bình đẳng giới hàng tháng; 60% Đài truyền thanh ở xã, phường, thị trấn có chuyên mục, chuyên đề nâng cao nhận thức về bình đẳng giới hàng quý.

Bình đẳng giới trong lĩnh vực y tế: Ngành Y tế đã chủ trì thực hiện nghiêm về quy định nam nữ bình đẳng trong các hoạt động truyền thông về chăm sóc sức khỏe, sức khỏe sinh sản và sử dụng các dịch vụ y tế, trong lựa chọn, quyết định sử dụng biện pháp tránh thai, biện pháp an toàn tình dục, phòng, chống lây nhiễm HIV/AIDS qua đường tình dục; về hỗ trợ phụ nữ nghèo cư trú ở vùng sâu, vùng xa, là đồng bào dân tộc thiểu số khi sinh con đúng theo chính sách dân số.

Đặc biệt đã đẩy mạnh nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và hệ thống cơ sở vật chất, chất lượng cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe; chú trọng đến các hoạt động thực hiện mục tiêu giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh; tăng cường chăm sóc sức khỏe sinh sản; dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Kết quả một số chỉ tiêu đạt được đến năm 2016: Tỷ số giới tính khi sinh là 112,2 trẻ trai/100 trẻ gái; Tỷ lệ tử vong mẹ liên quan đến thai sản là 56,6/100.000 trẻ đẻ sống; Tỷ lệ phụ nữ mang thai được tiếp cận dịch vụ chăm sóc và dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con đạt 42%; Tỷ lệ nạo, phá thai ở các cơ sở y tế công lập trên địa bàn tỉnh từ giảm đáng kể và duy trì ở mức 15% .

Bình đẳng giới trong lĩnh vực gia đình: Quy định về vợ, chồng bình đẳng trong quan hệ  dân sự và các quan hệ khác liên quan đến hôn nhân và gia đình; vợ, chồng có quyền, nghĩa vụ ngang nhau trong sở hữu tài sản chung, bình đẳng trong sử dụng nguồn thu nhập chung của vợ, chồng và quyết định các nguồn lực trong gia đình; bình đẳng với nhau trong việc bàn bạc, quyết định lựa chọn và sử dụng biện pháp kế hoạch hóa gia đình phù hợp; sử dụng thời gian chăm sóc con ốm theo quy định của pháp luật; Con trai, con gái được gia đình chăm sóc, giáo dục như nhau để học tập, lao động, vui chơi, giải trí và phát triển; Các thành viên nam, nữ trong gia đình có trách nhiệm chia sẻ công việc gia đình đã được các ngành chức năng quan tâm triển khai trong hoạt động chuyên môn, đặc biệt là trong thực hiện phong trào “Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa”; hướng dẫn xây dựng, sửa đổi quy ước, hương ước làng xã để đảm bảo bình đẳng giới trong gia đình. Qua phản ánh dư luận xã hội, chỉ tiêu thời gian tham gia công việc gia đình của nam giới ngày càng tăng lên từng bước tăng dần.

Năm 2016, có 50% số nạn nhân của bạo lực gia đình được phát hiện, được tư vấn về pháp lý và sức khỏe, được hỗ trợ và chăm sóc tại các cơ sở trợ giúp nạn nhân bạo lực gia đình, 85 % số người gây bạo lực gia đình được phát hiện được tư vấn tại các cơ sở tư vấn về phòng chống bạo lực gia đình, được các cơ quan chức năng xử lý kịp thời. Duy trì 100 % số nạn nhân bị buôn bán trở về thông qua trao trả, được giải cứu, số nạn nhân bị buôn bán trở về được phát hiện được hưởng các dịch vụ hỗ trợ và tái hòa nhập cộng đồng...

Thông qua công tác tuyên truyền giáo dục đã làm thay đổi nhận thức và hành vi của cộng đồng, gia đình và cá nhân, từng bước thu hẹp khoảng cách bất bình đẳng giới tiến tới bình đẳng giới thực chất, sự quan tâm chia sẻ và cách ứng xử với phụ nữ và trẻ em gái trong mỗi gia đình tại nơi cộng đồng và trong cơ quan, tổ chức doanh nghiệp đã có những chuyển biến rõ rệt, vị thế của người phụ nữ trong xã hội ngày càng được nâng cao.

Ban Biên tập