Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Người Mông trung thành với lợn đen

29/10/2024 09:16:00 Xem cỡ chữ
CTTĐT - Đồng bào Mông ở Yên Bái tập trung phát triển chăn nuôi lợn đen bản địa quy mô hàng hóa, phù hợp với điều kiện tự nhiên khắc nghiệt lại giúp nâng cao thu nhập.

Nhiều hộ dân ở các huyện vùng cao Yên Bái lựa chọn giống lợn đen bản địa để phát triển kinh tế.

Nghị quyết 69 nâng tầm lợn đen bản địa

Từ lâu, đồng bào Mông ở Mù Cang Chải đã có thói quen tự cung tự cấp nuôi lợn để lấy thịt ăn vào ngày Tết nên mỗi gia đình đều nuôi từ 1-2 con lợn đen, đeo gông, thả rông để lợn tự kiếm sống.

Chính cách nuôi này đã khiến giống lợn đen bản địa trở thành giống lợn quý, thích ứng và sinh trưởng tốt trong điều kiện tự nhiên khắc nghiệt. Giống lợn này thịt cũng rất thơm ngon, giá trị kinh tế cao hơn các giống lợn lai, lợn ngoại, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng.

Gia đình anh Sùng A Sinh ở xã Khao Mang, huyện Mù Cang Chải đã nuôi giống lợn đen từ nhiều năm nay theo quy mô nhỏ lẻ, phục vụ gia đình là chính. Lúc nào gia đình cũng có 1 con lợn nái với vài con lợn con, chẳng cần chuồng trại, mấy con lợn cứ tự ủi đất kiếm thức ăn rồi tự lớn. Có khi nuôi đến 2 năm mới được 20 - 30 cân. Dịp lễ, Tết, hiếu, hỉ lại bắt lợn về thịt, vì vậy đàn lợn không mang lại thu nhập.

Mấy năm trở lại đây, du lịch ở Mù Cang Chải ngày càng phát triển, du khách đến đông, nhu cầu về thực phẩm tăng cao. Nhờ đó, lợn đen của bà con trong bản trở thành đặc sản được các nhà hàng săn lùng phục vụ du khách, giá ngày càng tăng.

Nhận thấy tiềm năng từ đàn lợn, anh Sinh đăng lý với chính quyền xã xin được hỗ trợ để nuôi lợn đen theo quy mô hàng hóa. Năm 2021, gia đình anh được nhà nước hỗ trợ 30 triệu đồng theo Nghị quyết 69 của HĐND tỉnh Yên Bái (chính sách hỗ trợ phát triển nông, lâm nghiệp, thủy sản) để làm chuồng trại, mua thêm con giống phát triển kinh tế.

Anh Sinh chia sẻ, gia đình anh xây dựng chuồng để nuôi lợn theo hình thức nuôi nhốt, thường xuyên vệ sinh, tiêm phòng vacxin đầy đủ giúp đàn lợn phát triển khỏe mạnh, hạn chế được dịch bệnh. Từ 2 con lợn nái ban đầu, mô hình của anh đã nâng tổng đàn lên hơn 30 con, trong đó có 12 nái sinh sản và hơn 20 con lợn thịt. Hiện nay, mỗi năm mô hình nuôi lợn đen của anh Sinh mang lại thu nhập trên 150 triệu đồng.

Mặc dù được nuôi theo hướng hàng hoá nhưng đồng bào Mông ở Mù Cang Chải vẫn giữ cơ bản cách chăn nuôi truyền thống. Trong quá trình cải tạo chuồng trại, ngoài xây dựng các chuồng nuôi nhốt, nhiều hộ dân đã thiết kế thêm các sân chơi để lợn vận động, có rào lưới kiên cố và trồng thêm cây xanh tạo bóng mát.

Thức ăn cũng chủ yếu là cám gạo, bột ngô nấu chín cùng các loại rau, củ bà con tự trồng được. Tuy lợn chậm lớn nhưng bù lại thịt săn chắc, thơm ngon, được thị trường ưa chuộng.

Anh Giàng A Chư ở xã Lao Chải cũng bắt đầu nuôi lợn đen từ năm 2019, do nguồn vốn ít nên anh Chư tự nhân đàn. Năm 2021, gia đình anh được hỗ trợ 30 triệu đồng theo Nghị quyết 69 HĐND tỉnh để mở rộng quy mô sản xuất.

Theo anh Chư, về cơ bản gia đình vẫn giữ nguyên cách chăn nuôi truyền thống của đồng bào Mông và học hỏi thêm kỹ thuật chăn nuôi khoa học để phù hợp với chăn nuôi hàng hoá. Sử dụng toàn bộ thức ăn xanh tự nấu, bởi vậy trung bình từ 5 - 7 tháng, gia đình anh mới xuất được một lứa lợn đạt trọng lượng khoảng 20 - 30kg.

Với mô hình 6 con lợn nái và 40 lợn thịt, giá lợn hơi từ 120.000 - 150.000 đồng/kg, trừ chi phí thức ăn, thuốc thú y, mỗi con lợn cho lãi khoảng 2 triệu đồng, đem lại thu nhập khoảng 140 triệu đồng/năm. Lợn thịt cứ đạt trọng lượng là có khách hàng đến tận chuồng mua nên người chăn nuôi rất yên tâm.

Sản phẩm đặc trưng giúp xóa nghèo, làm giàu

Để hỗ trợ đồng bào phát triển mô hình chăn nuôi lợn đen bản địa, huyện Mù Cang Chải đã chỉ đạo ngành Nông nghiệp hướng dẫn người dân đăng ký các mô hình chăn nuôi quy mô hàng hóa để được hỗ trợ vốn, phối hợp với các ngành chuyên môn tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật và mở lớp dạy nghề chăn nuôi, thú y cho bà con.

Ông Lương Văn Thư, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Mù Cang Chải cho biết, ngành nông nghiệp phối hợp với các địa phương hướng dẫn các hộ dân thực hiện tu sửa, làm mới, nâng cấp chuồng trại, đảm bảo diện tích.

Chuẩn bị con giống đủ số lượng, chất lượng theo quy định của chính sách để hưởng hỗ trợ từ chính sách phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hoá, đặc sản, hữu cơ từ Nghị quyết 69. Với mức hỗ trợ từ 15 - 40 triệu đồng/cơ sở.

Riêng năm 2023, toàn huyện đã tiến hành nghiệm thu 220 cơ sở chăn nuôi lợn được hỗ trợ theo chính sách này, góp phần nâng tổng đàn gia súc chính toàn huyện lên hơn 90.000 con, trong đó lợn đen bản địa gần 48.000 con.

Các địa phương quan tâm hỗ trợ để nhân rộng các mô hình nuôi lợn đen bản địa, từng bước đưa sản phẩm thành sản phẩm đặc trưng.

Có điều kiện tự nhiên tương đồng với Mù Cang Chải, huyện Trạm Tấu từ lâu đã nổi tiếng với giống lợn đen bản địa cho thịt thơm ngon. Tuy nhiên, sản lượng chưa đáp ứng đủ nhu cầu ngày càng cao của thị trường.

Chính vì vậy, để phát triển đàn lợn đen bản địa theo hướng trở thành sản phẩm hàng hóa đặc sản chủ lực, huyện đã khuyến khích người dân thay đổi phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ, thả rông sang chăn nuôi nhốt theo hướng hàng hóa để nâng cao hiệu quả kinh tế.

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Trạm Tấu cho biết, lợn đen (hay còn gọi là lợn mông), là giống lợn bản địa được nuôi nhiều đời ở Trạm Tấu. Hiện nay, giống lợn đặc sản này được nuôi ở hầu khắp các địa phương trong huyện với hơn 2.700 hộ, tổng đàn khoảng 23.000 con. Trong đó, số lượng mô hình quy mô hàng hóa trung ở các xã: Bản Mù, Bản Công, Xà Hồ, Trạm Tấu, Pá Hu, Pá Lau, Túc Đán, Phình Hồ, Làng Nhì, Tà Xi Láng.

Giống lợn đen ở đây có mõm dài, chân nhỏ, tai nhỏ, lông ở giữa dọc sống lưng dài hẳn lên so với lông ở các vùng khác. Có tầm vóc nhỏ, tốc độ sinh trưởng chậm nhưng bù lại chất lượng thịt lại thơm ngon, miếng thịt ít mỡ.

Hiện, lợn đen Trạm Tấu được nuôi theo mô hình bán chăn thả, được nuôi chủ yếu bằng cám gạo, ngô, sắn, rau chuối rừng. Do được thuần hóa lâu đời nên thích nghi tốt với điều kiện khí hậu khắc nghiệt ở vùng cao, dễ nuôi, phàm ăn, sức đề kháng cao, chống chịu bệnh tốt.

Ông Nguyễn Đức Điển, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Yên Bái cho biết: các mô hình nuôi lợn đen bản địa ở các huyện vùng cao như Trạm Tấu, Mù Cang Chải đã và đang đem lại hiệu quả kinh tế, giúp hộ dân nâng cao thu nhập, từng bước giảm nghèo bền vững. Cơ chế hỗ trợ theo Nghị quyết 69 đòi hỏi mức đầu tư không quá cao, phù hợp với đa số nông hộ chăn nuôi trên địa bàn.

Tuy nhiên, để lợn đen thực sự trở thành vật nuôi hiệu quả, chính quyền địa phương và các ngành chức năng cần quan tâm, hỗ trợ giúp người dân ổn định sản xuất. Tuyên truyền, vận động các hộ nuôi cá thể thành lập tổ hợp tác, hợp tác xã để liên kết, phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị.

Song song với nâng cao chất lượng sản phẩm, đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu, mở rộng thị trường tiêu thụ. Từng bước xây dựng thương hiệu lợn đen vùng cao Yên Bái trở thành sản phẩm đặc trưng, giúp bà con giảm nghèo bền vững.

Trong 3 năm triển khai Nghị quyết số 69, ngành nông nghiệp tỉnh Yên Bái đã kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc để có giải pháp tháo gỡ, tạo điều kiện tốt nhất để hỗ trợ người chăn nuôi đạt hiệu quả. Đến nay, toàn tỉnh đã hỗ trợ hơn 800 cơ sở chăn nuôi vật nuôi đặc sản bản địa và hơn 1.500 cơ sở chăn nuôi theo hướng hàng hóa, 30 hợp tác xã, tổ hợp tác chăn nuôi lợn thịt, lợn nái, trâu, bò, dê… Tổng kinh phí thực hiện hỗ trợ gần 60 tỷ đồng.

Ban Biên tập