Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin hoạt động

Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực du lịch

21/10/2020 14:12:00 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Những năm qua, công tác phát triển dạy nghề trên địa bàn tỉnh, đặc biệt tại các nhóm ngành du lịch luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp qua đó, tạo được sự chuyển biến tích cực trong nhận thức và điều hành của các cấp, ngành, tổ chức chính trị - xã hội và người lao động, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế tại tỉnh.

Người dân học nghề mây tre đan (Ảnh minh họa)

Trong giai đoạn 2015 - 2020, tỉnh Yên Bái đã thực hiện việc sắp xếp, quy hoạch lại mạng lưới các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đến nay, tỉnh Yên Bái hiện có 13 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 01 trường chuyên về đào tạo văn hóa nghệ thuật và du lịch  và đã được Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phê duyệt đầu tư 03 nghề trọng điểm cấp độ quốc gia trong lĩnh vực du lịch và hỗ trợ ngành nghề du lịch của tỉnh gồm nghề Hướng dẫn du lịch, Nghiệp vụ nhà hàng và Kỹ thuật chế biến món ăn.

Nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh đã thực hiện đổi mới về nội dung, phương pháp đào tạo nghề cho học sinh, sinh viên, đặc biệt là học sinh, sinh viên đang học tại những ngành nghề du lịch được tăng cường đào tạo ngoại ngữ, tin học. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đã chủ động tiếp cận tạo mối quan hệ với doanh nghiệp, tăng cường công tác đào tạo theo địa chỉ, đào tạo theo nhu cầu xã hội nhằm gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm cho học sinh, sinh viên. Học sinh, sinh viên theo học những ngành nghề du lịch  trong quá trình học tập được nhà trường trường quan tâm bố trí thời gian tham gia thực tập, trải nghiệm ngay tại các doanh nghiệp, công ty trong lĩnh vực du lịch trong và ngoài tỉnh.

Trong giai đoạn 2015 - 2020, từ các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, hoạt động dạy nghề của các cơ sở đào tạo, các doanh nghiệp, hoạt động truyền nghề, tự học nghề... tỉnh Yên Bái đã đào tạo cho gần 113.000 người, trong đó trình độ cao đẳng: 8.725 người, trung cấp: 15.300 người, sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng: 88.975 người.

Đối với công tác đào tạo nhân lực trong lĩnh vực du lịch, trong giai đoạn 2015 - 2019, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong tỉnh đã đào tạo cho 1.700 người (trong đó: trình độ cao đẳng 21 người, trung cấp 284 người, sơ cấp và đào tạo dưới 3 tháng 1.395 người) tại các ngành nghề như Hướng dẫn viên du lịch, Nghiệp vụ nhà hàng, Du lịch tại gia đình, Quản trị lễ tân và các nghề phục vụ ngành du lịch như: Thêu thổ cẩm, Sản xuất mây tre song đan, Chế biến và gia công các sản phẩm từ quế, Kỹ thuật làm Khèn sáo truyền thống của người Mông... Ngoài ra, trong giai đoạn này đã có 1.711 người tham gia học nghề Kỹ thuật nấu ăn, qua đó góp phần hỗ trợ phát triển ngành du lịch trên địa bàn tỉnh thông qua việc quảng bá văn hóa ẩm thực của địa phương cũng như đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm tại các khu du lịch trong tỉnh.

Cùng với đó, hàng năm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các cơ quan truyền thông (trong và ngoài tỉnh) tổ chức tuyên truyền về công tác đào tạo nghề trên địa bàn tỉnh như: Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Tạp chí Lao động xã hội; Báo Yên Bái, Cổng Thông tin điện tử tỉnh để thực hiện các phóng sự, tin, bài về công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm trên địa bàn tỉnh; đăng tải thông tin về đào tạo nghề, giải quyết việc làm trên Website của Sở.

Để đáp ứng nhu cầu sử dụng của doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, hàng năm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã tổ chức các hội nghị với doanh nghiệp qua đó chỉ đạo các trường tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh để liên kết đào tạo lao động, đồng thời yêu cầu các trường nắm bắt thông tin nhu cầu sử dụng của các doanh nghiệp ngoài tỉnh để đào tạo và cung ứng lao động. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã cập nhật thường xuyên thông tin thị trường lao động, tổ chức khảo sát, nắm bắt nhu cầu sử dụng lao động qua đào tạo của các doanh nghiệp, đồng thời tích cực đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền dạy nghề trên báo, đài của trung ương và địa phương.

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác đào tạo nghề, hướng nghiệp cho lao động đối với lĩnh vực du lịch vẫn còn một số hạn chế. Số lượng cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo lĩnh vực du lịch trên địa bàn tỉnh ít; hiện chỉ có Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch, tuy nhiên cơ sở vật chất kỹ thuật và trang thiết bị của nhà trường hiện còn thiếu, chưa đồng bộ. Việc giải quyết việc làm đầu ra sau đào tạo còn khó khăn do số lượng doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch trên địa bàn tỉnh ít, đa số học sinh, sinh viên sau khi học xong đi làm việc tại các khu du lịch ngoài tỉnh (làm tại khu du lịch Sa Pa, tỉnh Lào Cai và  tại các công ty, doanh nghiệp du lịch, lữ hành, khách sạn tại Hà Nội...). Sự gắn kết giữa cơ sở giáo dục nghề nghiệp và doanh nghiệp về du lịch chưa chặt chẽ, đào tạo nghề theo các đơn đặt hàng, theo địa chỉ sử dụng của doanh nghiệp chưa nhiều.

Vì vậy trong thời gian tới, tỉnh tập trung thực hiện công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong ngành du lịch. Nâng cao chất lượng đào tạo của Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật và Du lịch, đầu tư cơ sở vật chất đồng bộ cho các nghề đào tạo ngành du lịch và hỗ trợ du lịch đạt chuẩn cấp độ quốc gia của nhà trường. Tiếp tục tăng cường sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp, các ngành và hệ thống chính trị đối với công tác đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực du lịch.

Thực hiện có hiệu quả các chính sách phát triển nguồn nhân lực của tỉnh trong đó có phát triển nhân lực ngành du lịch. Huy động sự tham gia của công ty, doanh nghiệp trong đào tạo ngành nghề du lịch; gắn đào tạo với nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp, khu du lịch trong và ngoài tỉnh.

Đẩy mạnh hoạt động thông tin tuyên truyền, tư vấn học nghề, việc làm trên các phương tiện thông tin truyền thông của tỉnh, xây dựng chuyên mục, tăng cường tin, bài, phóng sự về ngành du lịch và định hướng phát triển, nhu cầu sử dụng nhân lực ngành nghề du lịch của tỉnh trong những năm tới, đồng thời thu hút sự tham gia của doanh nghiệp du lịch trong việc đào tạo, nâng cao kỹ năng cho người lao động của doanh nghiệp.

Xây dựng chính sách của Đề án chuyển dịch cơ cấu lao động nhằm hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu lao động trên địa bàn tỉnh, hỗ trợ các doanh nghiệp lớn được tỉnh thu hút đầu tư, trong đó có các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực thương mại, dịch vụ và du lịch.

Ban Biên tập