Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Truyền dạy chữ Thái cổ ở Nghĩa Lộ

10/09/2016 00:36:00 Xem cỡ chữ

CTTĐT - Nhận thấy tầm quan trọng của việc gìn giữ và truyền dạy chữ Thái cho thế hệ sau là rất quan trọng, nhiều năm nay thị xã Nghĩa Lộ đã có nhiều biện pháp đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, đặc biệt là truyền dạy chữ Thái cổ cho đội ngũ lãnh đạo, cán bộ công chức và  người dân trên địa bàn.

Ông Lò văn Biến dạy cho các cháu dân tộc Thái học chữ để lưu giữ những giá trị văn hóa dân tộc

Thị xã Nghĩa Lộ là địa phương có tỷ lệ người dân tộc Thái chiếm hơn 48%. Đây là dân tộc từ xa xưa đã có tiếng nói và chữ viết riêng, trong đó chứa đựng gia trị nhân văn cao cả, nhiều nét đẹp mang đậm bản sắc văn hóa Thái. Lớp học truyền dạy chữ Thái cổ được tổ chức tại Phường Tân An, thị xã Nghĩa Lộ. Lớp học với sự tham dự của 30 học viên là cán bộ công chức các cơ quan đơn vị của thị xã; UBND 7 xã, phường và nhân dân phường Tân An. Lớp học diễn ra trong vòng 3 tháng, các học viên tham gia học tập sẽ được học đọc, ghép vần, hiểu nghĩa và viết chữ Thái cổ. Anh Hoàng Xuân Thắng – phát thanh viên đài TT-TH thị xã Nghĩa Lộ cho biết: “Là một phát thanh viên Tiếng Thái nên với tôi việc học và biết chữ Thái rất quan trọng. Do đó, ngay sau khi biết tin lớp học mở tôi đã đăng ký đi học ngay. Qua lớp học đã giúp tôi biết viết chữ Thái, đọc chuẩn những câu, chữ trước tôi không hiểu, và việc được học chữ Thái cổ cũng giúp tôi rất nhiều trong công việc của mình”.

Theo những người học chữ Thái cổ cho biết, học chữ Thái cổ không khó, chỉ 3 tháng là có thể đọc, ghép vần, hiểu nghĩa, một năm có thể đọc thông viết thạo, dịch được sách, nhưng cần phải có sự say mê, tâm huyết.

Chính vì thế từ lớp học chữ Thái cổ đầu tiên được tổ chức vào năm 2007, với 46 học viên là người dân tộc Thái và một số dân tộc khác trên địa bàn huyện Văn Chấn và thị xã Nghĩa Lộ yêu mến văn hóa Thái tham gia học tập. Đến nay, thị xã Nghĩa Lộ đã mở được gần 20 lớp chữ Thái cổ cho gần 600 cán bộ lãnh đạo, công chức viên chức, nhân dân và học sinh trên địa bàn huyện Văn Chấn và Thị xã Nghĩa Lộ. Riêng trong năm học 2010 - 2011, thị xã đã tổ chức dạy chữ Thái cổ cho 6 lớp tại trường Tiểu học Nguyễn Viết Xuân - xã Nghĩa Lợi - thị xã Nghĩa Lộ với 123 học sinh. Năm 2015 tổ chức mở 3 lớp chữ Thái cổ cho cán bộ lãnh đạo, công chức viên chức các cơ quan đơn vị và UBND 7 xã, phường của thị xã. Đồng thời, thị xã cũng đã thử nghiệm chữ Thái cổ vào trong nghệ thuật Thư pháp. Làm tốt công tác sưu tầm các giá trị văn hóa phi vật thể. Tìm hiểu về kỹ thuật chế tác khèn bè Thái, sưu tầm được trên 20 bài đồng giao, câu đố, trò chơi dân gian Thái.

Trong kho tàng văn hóa của dân tộc Thái, chữ Thái cổ được coi là di sản tinh thần, kết tinh trí tuệ của tổ tiên để lại, chỉ còn lưu giữ trong các sách cổ ghi chép về văn học, lịch sử. Trong đó nhiều truyện cổ nổi tiếng như: “ Sống trụ xôn xao”, “ Quam tô mương”…có giá trị nghiên cứu rất to lớn về văn học, dân tộc học. Do đó, việc học chữ Thái, tiếng Thái từ lâu ở thị xã Nghĩa Lộ không chỉ người Thái mới học mà giờ đây người dân tộc Kinh, Mường cũng học chữ Thái. Bởi họ đã nhận thấy rõ lợi ích từ việc học chữ Thái và tiếng Thái sẽ mang lại cho bản thân sự hiểu biết về một nền văn hóa Thái phong phú đa dạng. Quan trọng nhất, học chữ Thái để phục vụ cho việc giao tiếp, để tìm hiểu kỹ hơn về tình yêu thương, tính nhân văn cao cả của tiếng Thái thông qua hệ thống nhạc cụ, các bài khắp, bài đồng giao, nét đẹp trong điệu múa xòe của người Thái… Anh Lê Thanh Tùng - tổ 15 Phường Pú Trạng - thị xã Nghĩa Lộ nói: “Mình thì không phải là người Thái nhưng rất yêu văn hóa Thái, đặc biệt là chữ Thái và những điệu xòe, chữ Thái giờ như ngôn ngữ thứ 2 của mình, mình có thể viết thông và đọc thạo chữ Thái cổ một cách rất lưu loát”.

Việc truyền dạy chữ Thái ở thị xã Nghĩa Lộ không đơn thuần là học viết, học nói, mà còn học cả những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp đã có từ lâu đời cần được phát huy. Tiếng Thái, chữ Thái cũng là một phần không thể thiếu trong kho tàng văn hóa dân tộc Thái nói riêng, góp phần tạo nên một nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc trong lộ trình xây dựng thị xã Nghĩa Lộ văn hóa du lịch vào năm 2020.

Hiện cùng với việc bảo tồn và truyền dạy cho thế hệ mai sau, thị xã Nghĩa Lộ cũng đã chuẩn bị đầy đủ những hiện vật liên quan đến chữ viết và văn hóa của người dân tộc Thái, để phục vụ du khách đến tham quan, tìm hiểu trong tuần văn hóa du lịch Mường Lò năm 2016 sẽ diễn ra trong thời gian tới đây./.

Thùy Hương, Xuân Tỉnh - Đài TTTH thị xã Nghĩa Lộ