Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Hội "Hạn Khuống" được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của Quốc gia

13/09/2016 09:13:00 Xem cỡ chữ

CTTĐT - Sau một thời gian nghiên cứu, bảo tồn và khôi phục lại Hội "Hạn Khuống" – một sinh hoạt văn hóa truyền thống của đồng bào Thái đen Mường Lò – Nghĩa Lộ, Hội Hạn khuống đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của Quốc gia. Đây là niềm vinh dự và tự hào của Đảng bộ chính quyền và nhân dân các dân tộc Thị xã Nghĩa Lộ khi được đón Di sản văn hóa phi vật thể này vào đúng dịp kỷ niệm 45 năm ngày thành lập Thị xã Nghĩa Lộ (8/10/1971 – 8/10/2016) và Tuần văn hóa du lịch Mường Lò Nghĩa Lộ năm 2016.

Hội Hạn Khuống của đồng bào dân tộc Thái cần được bảo tồn phục dựng trong đời sống hiện nay

Đời sống văn hóa của người Thái được xếp vào bậc nhất trong đời sống văn hóa tinh thần của các dân tộc thiểu số ở nước ta. Các Lễ hội của người Thái được ca tụng, lưu truyền trong nhiều tài liệu cổ, tạo nên nét riêng biệt trong văn hóa Thái mang đậm chất nhân văn cao cả. Cùng với nghệ thuật xòe của đồng bào Thái đã được vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể của Quốc gia, thì còn có các Lễ hội sinh hoạt văn hóa mang đậm tính nhân văn cao cả, điển hình là Hội “Hạn Khuống”.

“Hạn Khuống” là một nét văn hóa đặc sắc, tinh tế mang đậm tính nhân văn của đồng bào dân tộc Thái và có từ lâu đời, dịch từ tiếng Thái thì “Hạn” có nghĩa là sàn, “Khuống” là sân, đất trong bản. Như vậy, “Hạn Khuống” có nghĩa là cái sàn bằng tre, nứa dựng lên ở sân đất ngoài trời, Hội thường được tổ chức sau thu hoạch vụ mùa, giữa tiết trời thu đông với hình thức ca nhạc quần chúng. Hạn Khuống gồm 2 phần: Phần lễ và phần Hội. Phần lễ là quá trình tổ chức lễ khánh thành Hạn Khuống, sau khi Hạn Khuống được khánh thành, thanh niên nam nữ trong bản rủ nhau đóng góp lễ vật để cúng thần linh, thổ công thổ địa và các ma phù hộ cho sinh hoạt Hạn Khuống được thuận lợi, bình an, tốt đẹp. Trong phần hội, là phần giao duyên tìm hiểu nhau giữa các chàng trai cô gái Thái, trình tự các lời hát có Hát chào hỏi nhau, hát xin thang, hát hỏi mượn ghế, hát mượn điếu hút, sau đó đến các lời hát giao duyên tình tứ. Họ cứ hát đối đáp với nhau cho đến khi người con trai ngỏ lời hẹn ước với người con gái, về xin bố mẹ cho lấy nhau. Thực tế đã có nhiều đôi trai gái lấy được nhau thông qua chơi Hội Hạn Khuống.

Với ý nghĩa quan trọng đó, Hội mang trong mình những giá trị lịch sử văn hóa, giáo dục và khoa học, hướng tới những mong muốn ước nguyện của cộng đồng người Thái trong cuộc thiên di của mình đi tìm những vùng đất mới hứa hẹn sự ấm no. Thông qua sàn “Hạn khuống”, mọi vật dụng, đồ dùng và những lời hát giao duyên, phần lễ của Hội “Hạn khuống” cho thấy phần nào đời sống sinh hoạt, sản xuất, của xã hội tộc người Thái trong tiến trình phát triển của lịch sử; cách ứng xử của con người với con người, con người với thiên nhiên và vạn vật xung quanh.

Hội cũng là nơi để cộng đồng giao lưu tâm sự. Đặc biệt là sân chơi dành cho nam nữ thanh niên tìm hiểu, kết duyên đôi lứa. Thông qua Hội “Hạn Khuống” giúp cộng đồng người Thái bảo tồn, lưu truyền hình thức sân khấu sơ khai nhưng nó phản ánh rõ nét đời sống tinh thần và nền văn hóa phong phú đậm đà bản sắn dân tộc, giúp bảo tồn và lưu giữ được các bài hát (khắp), các làn điệu dân ca của dân tộc mình trong cộng đồng và lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.

Các lời hát khắp Hội “Hạn khuống” chủ yếu là trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác theo trình tự: Hát chào hỏi nhau, hát xin thang, hát hỏi mượn ghế, hát mượn điều hút, sau đó đến các lời hát giao duyên. Trong các lời hát diễn ra theo trình tự trên thì hát giao duyên gồm rất nhiều lời phong phú, sử dụng nhiều làn điệu trong dân ca Thái như trong Tản chụ chiết xương, Tản chụ sống xương….Làn điệu hát khắp “Hạn Khuống”, Ở vùng Mường Lò – Thị xã Nghĩa Lộ dùng điệu “Han nê”, ở vùng Sơn La dùng làn điệu “Hà ơi”.

Xác định được ý nghĩa và tầm quan trọng của Hội "Hạn Khuống" trong đời sống cộng đồng người Thái, những năm qua các cấp chính quyền từ Thị xã đến cơ sở đã triển khai nhiều biện pháp khôi phục, bảo tồn và truyền dậy những lời hát khắp trong Hội "Hạn Khuống" cho thế hệ trẻ của Thị xã. Mỗi dịp Rằm tháng Giêng, Tuần văn hóa du lịch hàng năm, Thị xã Nghĩa Lộ cũng tổ chức chơi Hội "Hạn Khuống" ở những bản có đông đồng bào Thái sinh sống.

Bà Lò Thị Huân - Bí thư Thị ủy, Chủ tịch HĐND thị xã Nghĩa Lộ cho biết: Việc nghiên cứu và thực hiện công tác bảo tồn Hội “Hạn Khuống” của đồng bào dân tộc Thái vùng Mường Lò - Nghĩa Lộ không chỉ là bảo tồn một lễ hội mà còn có ý nghĩa thực tiễn và ý nghĩa văn hóa vô cùng sâu sắc. Góp phần quan trọng trong việc thực hiện có hiệu quả Nghị quyết TW5 - Khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc và Nghị quyết TW9 - Khóa XI về về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Hiện nay, Trình diễn nghệ thuật văn hóa dân gian "Hạn Khuống", dân tộc Thái, Mường Lò - Nghĩa Lộ đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của Quốc gia. Đây là niềm vinh dự và tự hào của Đảng bộ chính quyền và nhân dân các dân tộc Thị xã Nghĩa Lộ khi được đón Di sản văn hóa phi vật thể này vào đúng dịp kỷ niệm 45 năm ngày thành lập Thị xã Nghĩa Lộ (8/10/1971 - 8/10/2016) và Tuần văn hóa du lịch Mường Lò Nghĩa Lộ năm 2016./.

Nguyễn Thư – Đài TTTH thị xã Nghĩa Lộ