Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Ruộng bậc thang Mù Cang Chải, tuyệt tác nghệ thuật kỳ vĩ bậc nhất vùng Tây Bắc

20/09/2016 16:56:00 Xem cỡ chữ

Nói đến Mù Cang Chải (Yên Bái) là người ta nghĩ tới những thửa ruộng bậc thang về mùa gặt như những nấc thang vàng chồng lên nhau lớp lớp vươn tới tận trời xanh đẹp mê hồn. Đó là một công trình vĩ đại, một tuyệt tác nghệ thuật kỳ vĩ bậc nhất vùng Tây Bắc...

Những nấc thang vàng

Từ nhiều năm nay, con đường lên Mù Cang Chải vào mùa lúa chín kìn kìn đủ các loại xe vượt đèo Khau Phạ để tới Mù Cang Chải chiêm ngưỡng vẻ đẹp mùa lúa vàng trong mây.

Tối 18/9, huyện Mù Cang Chải chính thức khai mạc Tuần Văn hóa - Du lịch khám phá danh thắng quốc gia ruộng bậc thang Mù Cang Chải.

Tuần Văn hóa-Du lịch Mùa Cang Chải được tổ chức từ ngày 16/9 đến 20/9 với những nội dung sau: Hoạt động thể thao truyền thống của dân tộc Mông: Tù lu, kéo co, bắn nỏ, tung còn, Festival dù lượn “Bay trên mùa vàng”, Triển lãm ảnh "Mù Cang Chải - sóng lúa nhịp nhàng”, Phiên chợ vùng cao, Hội chọi dê, Hoạt động cho du khách trải nghiệm văn hóa truyền thống, Tham quan các danh thắng quốc gia ruộng bậc thang Mù Cang Chải tại các xã trong huyện và khám phá bãi đá cổ nằm trên các xã Chế Cu Nha, La Pán Tẩn, Lao Chải, Dế Xu Phình.

Huyện Mù Cang Chải nổi tiếng với đèo Khau Phạ, một trong tứ đại đèo của vùng Tây Bắc, trong cuộc thiên di vĩ đại của người Mông qua rất nhiều thế kỷ từ phía Nam Trung Quốc tới do cuộc chiến tranh sắc tộc kéo dài đã đẩy người Mông xuống vùng núi phía Bắc Việt Nam từ khoảng 300 năm trước.

Sự khắc nghiệt của vùng núi cao, mùa đông lạnh giá thường xuyên có băng tuyết phủ trắng mặt đất, cây cỏ khô cằn trong sáu tháng mùa khô gió nóng. Sống trên vùng đất khắc nghiệt như thế, những người nông dân không còn cách nào khác họ phải bám vào sườn núi dốc dựng mà sống.

Ruộng bậc thang là tuyệt tác nghệ thuật kỳ vĩ được tạc vào vách núi do chính những “nghệ sĩ” chân đất vô danh đời nọ nối đời kia tạo dựng lên trong nỗi khát khao chinh phục thiên nhiên.

Năm 2007, Bộ VH-TT&DL đã cấp Bằng xếp hạng di tích quốc gia cho danh thắng ruộng bậc thang ở ba xã: La Pán Tẩn, Chế Cu Nha và Dế Xu Phình, với diện tích trên 500 ha.

Leo lên bản Trống Tông, xã Chế Cu Nha gặp cụ Hờ A Phử năm nay đã ngót chín mươi tuổi, răng rụng gần hết cười móm mém bảo tôi: Ông cha mình nói lại, người Mông phiêu dạt về đây đến đời mình là đời thứ 6. Mấy trăm năm trước người Mông cũng chỉ biết làm nương, làm mãi rừng cũng hết, không còn đất để làm nương thì phải làm ruộng thôi. Mới đầu làm ruộng không quen, nhưng không làm ruộng thì lấy gì mà ăn? Chỗ nào có nước thì mở ruộng, mảnh ruộng bé bằng cái chiếu mà làm được ruộng cũng phải làm…

Bản Trống Tông của cụ Phử nằm ở lưng chừng núi, trước đây là rừng cây to, Trống Tông nghĩa là nơi rừng cây có nhiều gỗ, những cây to bốn năm người ôm mới kín gốc, khi làm nương rừng cây bị chặt hạ, nhiều cây pơ mu đổ xuống dài gần ba chục sải tay, cháy gần hết cả mùa đông mới tàn.

Những nghệ sĩ “chân đất” làm nên những cánh đồng ruộng bậc thang kỳ vĩ

Đấy là nghe các cụ ngày xưa kể lại, tới đời cụ thì rừng chẳng còn bao nhiêu, chỉ thấy toàn gốc. Mùa đông cả bản vác rìu ra bổ gốc cây lấy củi mang về đun và sưởi. Đến giờ gốc cũng chẳng còn, rừng cây cổ thụ đã bị xóa sạch, chỉ còn lại trong ký ức một số người già.

Cụ Phử biết cày nương từ năm mười ba tuổi, mười bốn tuổi thì theo bố vác cuốc đi đắp bờ làm ruộng. Tôi hỏi cụ có thước thủy bình, hay những công cụ đo đạc của những cán bộ thủy lợi không mà sao các cụ tài thế, làm được những thửa ruộng chót vót tận đỉnh núi? Cụ Phử lắc đầu, dường như tên những loại thước tôi kể ra, cụ mới chỉ nghe lần đầu, nên cũng chẳng hiểu.

Cụ cười khóe mắt nhăn nheo: Đất chỗ nào cũng làm được ruộng, đất bằng thì làm ruộng to, đất dốc thì làm ruộng nhỏ, chỗ nào có nước là làm được ruộng, dẫn được nước tới đâu thì ruộng được mở ra tới đấy, cứ bám vào lưng núi mà làm…

Cụ không biết ruộng nhà mình có bao nhiêu ha, nhưng mỗi năm gieo khoảng ba tạ thóc giống, thu 15-17 tấn lúa. Nhà cụ có 4 khu ruộng chính, các khu ruộng đều có lều nương, bây giờ cụ già rồi giao cho các con cày cấy, thỉnh thoảng cụ mới tới kiểm tra.

Tuần Văn hóa-Du lịch Mù Cang Chải năm nay cũng là năm thứ hai Mù Cang Chải tổ chức Festival dù lượn “Bay trên mùa vàng” trên lưng đèo Khau Phạ để ngắm những tác phẩm kỳ vĩ bậc nhất vùng Tây Bắc. Từ trên đèo nhìn xuống cánh đồng xã Cao Phạ mùa lúa chín như trải thảm vàng rực rỡ. Những thửa ruộng bậc thang vân vi như mây trời do chính những bàn tay người dân nơi đây tạo ra.

Hàng chục ngàn người từ khắp các tỉnh và thành phố đổ lên đèo Khau Phạ để chiêm ngưỡng dù lượn, khiến con đường chật cứng gần 10 km. Hơn 60 phi công trong nước và quốc tế tham gia bay trên mùa vàng Mù Cang Chải, đó là điểm nhấn của Tuần Văn hóa - Du lịch Mù Cang Chải năm nay.

Bất chợt tôi nhớ câu thơ trong bài thơ Mùa gặt ở Cổng trời: “Đêm nay sao rắc đầy trời/ Ta đốt lửa dưới chòi canh lúa/ Qua bàn tay tôi thấy nhiều hạt lúa/ Hình giọt mồ hôi như ngọc long lanh”…

(Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam)