Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Văn hóa - Xã hội

Nâng cao chất lượng, hiệu quả hệ thống trường phổ thông dân tộc bán trú, trường mầm non thuộc vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn tỉnh Yên Bái giai đoạn 2016-2020

10/01/2016 15:54:33 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Trong những năm qua tỉnh Yên Bái đã ban hành nhiều Nghị quyết chuyên đề, nhiều chủ trương, chính sách quan trọng nhằm phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, trong đó có giáo dục mầm non và hệ thống trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT).

Tỉnh Yên Bái có 72/180 xã, phường, thị trấn thuộc vùng kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, học sinh dân tộc chiếm hơn 50% tổng số học sinh toàn tỉnh. Vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn (ĐBKK) hiện có 84 cơ sở giáo dục mầm non, 280 điểm trường lẻ với 758 nhóm, lớp, 21.824 trẻ ra lớp.

Toàn tỉnh hiện có 47 trường phổ thông dân tộc bán trú (15 trường PTDTBT tiểu học, 17 trường PTDTBT THCS, 15 trường PTDTBT TH&THCS) và 53 trường có học sinh bán trú với tổng số 14.740 học sinh bán trú được hưởng chính sách hỗ trợ theo Quyết định 85/2010/QĐ-TTg.

Trong những năm qua tỉnh Yên Bái đã ban hành nhiều Nghị quyết chuyên đề, nhiều chủ trương, chính sách quan trọng nhằm phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, trong đó có Nghị quyết  số 22/2009/NQ-HĐND ngày 16/12/2009 của HĐND tỉnh về xây dựng trường phổ thông dân tộc bán trú tỉnh Yên Bái giai đoạn 2010-2015, Nghị quyết 19/2013/NQ-HĐND ngày 19/7/2013 của HĐND tỉnh về sửa đổi bổ sung Nghị quyết số 22, Nghị quyết số 42/2011/NQ-HĐND ngày 21/12/2011 của HĐND tỉnh Yên Bái về việc phê duyệt Đề án phát triển giáo dục mầm non tỉnh Yên Bái giai đoạn 2011-2015.

Theo đó, trẻ em trong các cơ sở giáo dục mầm non được chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục theo đúng độ tuổi, chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ đã được cải thiện; 62% nhóm, lớp được tổ chức ăn bán trú. Riêng các trường mầm non vùng ĐBKK, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân 7,76%, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi 10,2%. So với tỷ lệ chung toàn tỉnh, tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân vùng ĐBKK cao hơn 1,9%, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng thể thấp còi cao hơn 3,3%...

Về chất lượng giáo dục, hiện nay 100% các cơ sở giáo dục mầm non thuộc vùng đặc biệt khó khăn thực hiện chương trình giáo dục mầm non với 758 nhóm, lớp; 21.824 trẻ, 758 lớp được đánh giá chất lượng phát triển của trẻ theo Bộ chuẩn phát triển trẻ 5 tuổi.

Với hệ thống trường PTDTBT, sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 22 của HĐND tỉnh, tỷ lệ học sinh khá, giỏi của các trường PTDTBT có sự chuyển biến tích cực, tỷ lệ học sinh bỏ học giảm đáng kể.

Đối với công tác quản lý giáo dục, nuôi dưỡng học sinh bán trú, hiện nay 100% các trường tổ chức nấu ăn cho học sinh bán trú, phân công cán bộ, giáo viên hàng ngày trực hướng dẫn  học sinh ăn ở, đảm bảo vệ sinh, quan tâm đến công tác rèn kỹ năng sống cho học sinh….; tổ chức các hoạt động lao động sản xuất đối với học sinh nhằm góp phần cải thiện, nâng cao chất lượng bữa ăn hàng ngày và rèn luyện kỹ năng lao động cho học sinh.

Cùng với đó, việc quản lý sử dụng, tuyển dụng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên nhân viên đối với các trường mầm non, các trường PTDTBT, điều kiện cơ sở vật chất được tỉnh quan tâm đầu tư. Các trường mầm non hiện có tổng số biên chế, hợp đồng lao động là 1.787 người, các trường PTDTBT là 1.752 người. Các trường mầm non vùng ĐBKK có 705 phòng học (202 phòng học kiên cố, 305 phòng học bán kiên cố, 198 phòng học tạm); 54 phòng học nhờ, tỷ lệ phòng học kiên cố đạt 29% thấp hơn 18% so với mặt bằng chung của giáo dục mầm non toàn tỉnh; 144 bếp ăn; 216 công trình vệ sinh, 195 công trình hệ thống nước sạch. Hầu hết các điểm chính của các trường mầm non có tối thiểu một danh mục thiết bị ngoài trời cho giáo dục mầm non, thiết bị cho các lớp mẫu giáo 5 tuổi đủ do với số lớp.

Tổng số phòng học trường PTDTBT, trường có học sinh bán trú là 1.355 phòng, 613 phòng ở cho học sinh. Các trường đã được đầu tư bàn ghế, giường tầng, bàn ghế phục vụ hoạt động học tập, ăn ở của học sinh, trong giai đoạn 2010-2015 đã đầu tư 4.366 bộ bàn ghế, 2.658 giường tầng, 755 bộ bàn ghế ăn…cơ bản đáp ứng đủ chỗ ở hiện tại của học sinh bán trú ở trong trường.

Tuy nhiên tỷ lệ huy động trẻ ra lớp còn thấp, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng cao, ở một số điểm trường còn chưa tổ chức ăn bán trú, thiếu phòng học, nhà công vụ cho giáo viên, bếp ăn theo quy định, thiếu thiết bị mầm non ngoài trời ở các điểm lẻ, thiết bị dạy học, đồ dùng trong lớp chỉ được đầu tư với lớp mẫu giáo 5 tuổi. Hệ thống trường PTDTBT khó khăn về cơ sở vật chất, nơi ở của học sinh chật chội, thiếu phòng học, phòng ở; thiếu  giường tầng, bàn ghế học sinh, nhà bếp, nhà ăn, công trình vệ sinh nước sạch…

Vì vậy để nâng cao chất lượng, hiệu quả hệ thống trường PTDTBT, trường mầm non thuộc vùng có điều kiện kinh tế xã hội ĐBKK, tại Kỳ họp thứ 15 Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVIII đã thông qua Nghị quyết về Đề án “Nâng cao chất lượng, hiệu quả hệ thống trường PTDTBT, trường mầm non thuộc vùng có điều kiện kinh tế xã hội ĐBKK tỉnh Yên Bái giai đoạn 2016-2020”. Mục tiêu của đề án là phát triển giáo dục mầm non vùng ĐBKK với quy mô trường, lớp đội ngũ giáo viên, nhân viên phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, tạo điều kiện thuận lợi nhất để đảm bảo thu hút trẻ trong độ tuổi đến lớp; xây dựng môi trường giáo dục thân thiện; nâng cao chất lượng chăm sóc nuôi dưỡng, giáo dục trẻ; duy trì phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi.

Tiếp tục củng cố, phát triển hệ thống trường PTDTBT nhằm huy động tối đa trẻ trong độ tuổi ra lớp góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh. Tích cực huy động các nguồn lực, phấn đấu đến năm 2020 đảm bảo đủ phòng học cho học sinh bán trú theo quy định, đủ bếp ăn, công trình vệ sinh nước sạch cho học sinh bán trú…

Để đạt được mục tiêu trên, tỉnh Yên Bái tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho các cấp, các ngành, gia đình và cộng đồng về chủ trương phát triển giáo dục mầm non, hệ thống trường PTDTBT, tạo sự quan tâm, phối hợp trong tổ chức triển khai thực hiện đề án.

Xây dựng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản tý, giáo viên và nhân viên. Trong đó tập trung xây dựng và triển khai có hiệu quả kế hoạch phát triển giai đoạn 2015-2020; quy hoạch đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên giai đoạn 2015-2020; thực hiện nghiêm các quy định của Nhà nước và UBND tỉnh về quản lý, sử dụng, tuyển dụng viên chức; việc tuyển dụng, tiếp nhận cần thực hiện đồng bộ sau khi đã điều động, biệt phái, luân chuyển giáo viên, nhân viên từ nơi thừa đến nơi thiếu. Kịp thời bổ sung, kiện toàn cán bộ quản lý trường học còn thiếu để đáp ứng yêu cầu công tác quản lý trường học. Tập trung bồi dưỡng phương pháp dạy các nhóm, lớp ghép các độ tuổi cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, mở các lớp bồi dưỡng tiếng dân tộc ( Mông, Dao, Thái) theo nhu cầu của từng địa phương trong tỉnh đảm bảo đến năm 2020 có 100% cán bộ quản lý, giáo viên biết một thứ tiếng dân tộc.

Chỉ đạo trường CĐSP Yên Bái, Trung tâm GDTX tỉnh chủ động phối hợp với các trường, học viện có uy tín xây dựng kế hoạch triển khai liên kết đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cán bộ quản lý, giáo viên mầm non, giáo viên Tiểu học, THCS các đơn vị thuộc đề án.

Hàng năm căn cứ vào nhu cầu đầu tư thực tế của các trường, UBND tỉnh sẽ cân đối bố trí nguồn vốn đầu tư. Tập trung đầu tư và nâng cao hiệu quả đầu tư; ưu tiên đầu tư xây dựng phòng học, phòng ở cho học sinh bán trú, nhà bếp, nhà công vụ cho giáo viên, hệ thống nước hợp vệ sinh; thiết bị phục vụ hoạt động dạy học, thiết bị phục vụ hoạt động sinh hoạt của học sinh bán trú.

Các cấp, các ngành có kế hoạch bố trí đủ diện tích đất phục vụ đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn ở những vị trí thuận lợi phù hợp với yêu cầu phát triển và quy định tại Điều lệ trường mầm non, quy chế tổ chức hoạt động của trường PTDTBT.

Tiếp tục đầu tư kinh phí, tăng cường quản lý, sử dụng có hiệu quả cơ sở vât chất trang thiết bị dạy và học, sử dụng có hiệu quả nguồn ngân sách của chương trình mục tiêu về giáo dục, đề án kiên cố hóa trường lớp học, ngân sách tỉnh, chi sự nghiệp giáo dục và đào tạo và các nguồn vốn đầu tư khác nhằm hoàn thành mục tiêu về cơ sở vật chất.

Đối với những điểm trường lẻ thiếu phòng học đang sử dụng phòng học nhờ từng bước sẽ được đầu tư xây dựng phòng học bán kiên cố đáp ứng nhu cầu dạy và học. Đầu tư thiết bị ngoài trời cho các trường mầm non khi đảm bảo điều kiện có đủ sân bê tông, tường rào; những điểm trường lẻ đầu tư danh mục thiết bị tối đa đạt 70% so với điểm trường chính.

Tiếp tục hoàn thiện hệ thống quản lý, chỉ đạo công tác giáo dục dân tộc ở các huyện có đông học sinh dân tộc thiểu số; bảo đảm mỗi phòng Giáo dục và Đào tạo có bộ phận đầu mối quản lý, chỉ đạo về giáo dục dân tộc của địa phương.

Ban hành quy định một số nội dung công tác giáo dục đặc thù trong trường PTDTBT. Thực hiện tốt công tác quản lý học sinh ở nội trú và học sinh bán trú trọ ngoài nhà trường; tăng cường giáo dục kỹ năng sống cho học sinh với các nội dung thiết thực, phù họp tâm, sinh lí lứa tuổi và đặc điểm văn hóa dân tộc thiểu số; thực hiện tốt công tác nuôi dưỡng, chăm sóc sức khỏe cho học sinh ...

Đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục, khuyến khích các địa phương xây dựng quỹ khuyến học, kho thóc khuyến học để hỗ trợ bữa ăn trưa cho học sinh có hộ khẩu ở  vùng đặc biệt khó khăn, học ở các trường PTDTBT nhưng chưa đủ điều kiện được hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước. Huy động các tổ chức, cá nhân hỗ trợ kinh phí xây dựng cơ sở vật chất cho các trường, hạng mục xây dựng cơ bản như sân bê tông, công trình vệ sinh, nhà bếp, hệ thống nước hợp vệ sinh. Nâng cao vai trò trách nhiệm của các cấp, các ngành trong chỉ đạo thực hiện công tác xã hội hóa giáo dục.

Phấn đấu đến năm 2020:

- Tỷ lệ huy động  trẻ nhà trẻ 15%, trẻ mẫu giáo 87%, trẻ 5 tuổi 99% trở lên

- Tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng: Thể nhẹ cân dưới 7%; thể thấp còi dưới 10%.

- Có 59 trường phổ thông dân tộc bán trú; dự kiến huy động tổng số 19.000 học sinh hưởng chính sách hỗ trợ theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.

- 100% cán bộ quản lý, giáo viên đạt chuẩn (trong đó có 85% cán bộ quản lý, giáo viên mầm non; 78% cán bộ quản lý, giáo viên tiểu học và THCS đạt trình độ đào tạo trên chuẩn trở lên)

- 100% cán bộ, giáo viên các trường PTDTBT, trường mầm non đặc biệt khó khăn biết một thứ tiếng dân tộc để giáo dục và giao tiếp với học sinh.

- Bố trí đủ giáo viên cho các trường PTDTBT, trường mầm non vùng đặc biệt khó khăn theo quy định của Trung ương; thực hiện có hiệu quả các chính sách đối với cán bộ, giáo viên và học sinh.

- 100% lớp mẫu giáo 4, 5 tuổi của các trường mầm non được đầu tư đủ đồ dùng thiết bị dạy học tổi thiểu trong lớp; 30% các điểm trường lẻ của trường mầm non có thiết bị mầm non ngoài trời.

- Trên 40% phòng học của trường mầm non, vùng đặc biệt khó khăn, 70% phòng học của trường PTDT bán trú đạt kiên cố; 100% điểm chính của trường PTDTBT, trường mầm non vùng đặc biệt khó khăn có bếp ăn, công trình nước hợp vệ sinh và hệ thống cấp thoát nước; phấn đấu giảm dần tỷ lệ học sinh bán trú/phòng ở; phấn đấu 100% học sinh bán trú được ở trong trường. Đủ giường tầng, bàn ghế học sinh, bàn ghế ăn cho phục vụ hoạt động ăn ở, học tập của học sinh các trường PTDTBT, trường có học sinh bán trú.

- Duy trì phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi, phổ cập giáo dục trung học cơ sở tại 100% xã đặc biệt khó khăn theo hướng bền vững.

- Giảm tối đa các lớp mẫu giáo, lớp ghép ở cấp tiểu học, đặc biệt lớp mẫu giáo có học sinh 5 tuổi; giảm các điểm trường lẻ của cấp tiểu học phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, phấn đấu giảm 50 điểm trường lẻ.


700 lượt xem
Nguyễn Hiên

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h