Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Văn hóa - Xã hội

Yên Bái tham dự Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác y tế năm 2015, kế hoạch năm 2016 và nhiệm vụ giai đoạn 2016 - 2020

15/01/2016 13:48:14 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Ngày 15/1, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến với trên 100 điểm cầu trong cả nước tổng kết công tác y tế năm 2015, kế hoạch năm 2016 và nhiệm vụ giai đoạn 2016 - 2020.

các đại biểu tham dự Hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Yên Bái

Dự Hội nghị có đồng chí Nguyễn Tấn Dũng - Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; Lãnh đạo Bộ Y tế, lãnh đạo một số bộ, ban, ngành Trung ương.

Dự Hội nghị tại điểm cầu Yên Bái có Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, lãnh đạo Sở Y tế, lãnh đạo một số sở ngành, các cơ quan, đơn vị, phòng ban chuyên môn thuộc sở Y tế.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, trong năm 2015 ngành Y tế đã nỗ lực phấn đấu và đạt được nhiều kết quả quan trọng trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân; ngành Y tế đã nỗ lực phấn đấu để thực hiện quyết liệt, có hiệu quả các đột phá chiến lược, các chương trình, đề án, chính sách, các nhiệm vụ chủ yếu trong Kế hoạch bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân 5 năm và hàng năm, 7 nhiệm vụ trọng tâm của ngành Y tế nhiệm kỳ 2011 - 2016 .

Trong giai đoạn 2011 - 2015, tình trạng sức khỏe của người dân có những cải thiện đáng kể thể hiện qua các chỉ số sức khỏe cơ bản như tuổi thọ trung bình tăng từ 72,9 tuổi năm 2010 lên 73,3 tuổi năm 2015;  tỷ số tử vong mẹ giảm từ 68 trên 100.000 trẻ đẻ sống năm 2010 xuống khoảng 58,3 trên 100.000 trẻ đẻ sống năm 2015; tỷ suất tử vong trẻ em dưới 1 tuổi giảm từ 15,8‰ năm 2010 xuống còn 14,73‰ năm 2015; tỷ suất tử vong trẻ em dưới 5 tuổi giảm từ 23,8‰ năm 2010 xuống còn 22,12‰ năm 2015; tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể nhẹ cân giảm từ 17,5% năm 2010 xuống khoảng 14,1% năm 2015. Hầu hết các chỉ tiêu đề ra trong Kế hoạch 5 năm 2011-2015 và các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ liên quan đến y tế đã đạt và vượt mức kế hoạch.

Trong thời gian qua, công tác xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách đã được xây dựng và ban hành tạo tiền đề cho việc triển khai các hoạt động; bộ máy tổ chức từ Trung ương đến địa phương tiếp tục được củng cố và kiện toàn; chất lượng đào tạo nguồn nhân lực y tế ngày càng tăng cao. Công tác cải cách hành chính tiếp tục được đẩy mạnh, đến nay đã triển khai việc xử lý văn bản điện tử tới tất cả các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế, công bố 20 dịch vụ công trực tuyến, trong đó có 10 dịch vụ công mức độ 4 thuộc các lĩnh vực an toàn thực phẩm, quản lý trang thiết bị y tế, quản lý dược, quản lý môi trường y tế. Đã kết nối qua hệ thống một cửa quốc gia và kết nối kỹ thuật cơ chế một cửa ASEAN. Hiện nay đã có 410 thủ tục hành chính thực hiện tại cơ quan Bộ Y tế, 100% các dịch vụ hành chính công mức độ 2 của Bộ đều được cung cấp trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế.

Về công tác y tế dự phòng được tăng cường, năm 2015, ngành Y tế tiếp tục chỉ đạo quyết liệt, ngăn chặn kịp thời bệnh dịch ở trong nước, kiểm soát không để các dịch bệnh mới nổi: Ebola, H7N9, Mers-CoV,... xâm nhập vào Việt Nam trong điều kiện các nước trong khu vực có dịch, không để dịch lớn xảy ra. Công tác khám chữa bệnh có những chuyển biến rõ rệt, được người dân đánh giá cao. Các chỉ tiêu tổng hợp như số lần khám bệnh, số người bệnh điều trị nội trú, ngoại trú; số ngày điều trị nội, ngoại trú, số phẫu thuật, thủ thuật năm sau tăng hơn so với năm trước, đạt bình quân 2,34 lượt khám/người/năm. Số giường bệnh trên vạn dân tăng từ 21,5 giường năm 2011 lên 24 giường năm 2015 (nếu tính số giường bệnh thực kê thì tăng từ 24,7 lên 31,4 giường bệnh trên vạn dân). Quy trình khám bệnh đã giảm từ 12-14 bước xuống còn 4-8 bước tùy theo loại hình khám bệnh, so với năm 2012 thời gian khám bệnh giảm trung bình 48,5 phút trên 1 lượt khám bệnh. Hoạt động hiệu quả của mô hình bệnh viện vệ tinh giúp giảm tỷ lệ chuyển tuyến đạt từ 65-100% số ca chuyển tuyến ở những chuyên khoa thực hiện chuyển giao kỹ thuật tại các bệnh viện vệ tinh.  Công suất sử dụng giường bệnh tại 25% số bệnh viện tuyến huyện tăng lên.

Trong 5 năm qua, số lượng các loại hình nhân lực y tế tăng đáng kể qua các năm, số bác sỹ trên vạn dân tăng từ 7,2 năm 2010 lên khoảng 8,0 năm 2015, số dược sỹ đại học trên vạn dân tăng từ 1,76 năm 2010 lên khoảng 2,2 năm 2015.

Trong giai đoạn 2016 - 2020, ngành Y tế đã xác định những nhiệm vụ trọng tâm tập trung thực hiện đó là: Tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp để giảm quá tải, nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh theo lộ trình quy định tại Quyết định số 92/QĐ-TTg của Chính phủ. Phát triển đồng thời y tế phổ cập và y tế chuyên sâu, kỹ thuật cao; hiện đại hóa và kết hợp chặt chẽ giữa y học cổ truyền y học hiện đại, giữa phòng bệnh và chữa bệnh.

Tập trung, ưu tiên đầu tư để tạo bước chuyển biến toàn diện về tổ chức, nhân lực, tài chính, cơ sở vật chất, trang thiết bị và cơ chế hoạt động của mạng lưới y tế cơ sở, nâng cao chất lượng và hiệu quả chăm sóc sức khỏe ban đầu; phát triển đội ngũ bác sỹ gia đình và lồng ghép mô hình bác sỹ gia đình vào y tế tuyến cơ sở.

Đẩy mạnh các hoạt động y tế dự phòng, chăm sóc sức khỏe ban đầu phù hợp với tình hình mới, đảm bảo mọi người dân được tiếp cận với các dịch vụ CSSK cơ bản có chất lượng; chủ động phòng chống các bệnh dịch xâm nhập từ bên ngoài, tăng cường công tác giám sát, phát hiện sớm, dập dịch kịp thời không để dịch bệnh lớn xảy ra; từng bước kiểm soát các yếu tố có hại đến sức khỏe, phòng chống các bệnh không lây nhiễm có hiệu quả.

Tăng cường công tác nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, kỹ thuật tiên tiến trong công tác phòng bệnh và khám, phát hiện và điều trị. Đổi mới công tác đào tạo cán bộ y tế, phát triển nguồn nhân lực cả về số lượng và chất lượng; tăng cường nhân lực y tế cho nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo và một số chuyên khoa; bảo đảm cân đối trong phân bổ nguồn nhân lực y tế giữa các vùng, các tuyến, giữa đào tạo và sử dụng nhân lực y tế.

Tiếp tục đổi mới toàn diện thái độ, phong cách phục vụ của cán bộ y tế, lấy người bệnh làm trung tâm và hướng tới sự hài lòng của người bệnh. Thực hiện tốt quy tắc ứng xử và nâng cao đạo đức nghề nghiệp, học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh của cán bộ, viên chức, người lao động trong các cơ sở y tế.

Tiếp tục đổi mới cơ chế tài chính y tế, hoàn thành việc chuyển ngân sách cấp cho các bệnh viện sang hỗ trợ người dân tham gia BHYT gắn với lộ trình tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế, ưu tiên ngân sách cho y tế dự phòng, đổi mới phương thức phân bổ ngân sách theo kết quả đầu ra nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng ngân sách nhà nước. Tiếp tục hỗ trợ các đối tượng chính sách xã hội, trẻ em dưới 6 tuổi, người nghèo, cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, người dân sinh sống ở vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn tham gia BHYT, thực hiện BHYT theo hộ gia đình nhằm tăng độ bao phủ, thực hiện lộ trình BHYT toàn dân,  giảm tỷ trọng chi tiêu tiền túi xuống dưới 40% tổng chi cho y tế vào năm 2020.

Đổi mới mô hình tổ chức, quản lý an toàn thực phẩm, dược, vắc-xin, sinh phẩm và trang thiết bị y tế. Phát triển công nghiệp dược, bảo đảm đủ thuốc, sử dụng có hiệu quả nguồn dược liệu trong nước cho công tác CSSK nhân dân và phát triển kinh tế xã hội. Tăng cường đầu tư, nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao kỹ thuật để sản xuất thuốc, vắc xin, sinh phẩm y tế, trang thiết bị trong nước có chất lượng với giá cả hợp lý, đáp ứng nhu cầu phòng bệnh, chữa bệnh của nhân dân; quản lý, sử dụng thuốc và trang thiết bị hợp lý, an toàn và hiệu quả.

Tập trung đổi mới, củng cố và hoàn thiện hệ thống y tế từ trung ương đến địa phương theo Quy hoạch phát triển hệ thống y tế Việt Nam đến năm 2025 và định hướng đến năm 2035 đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo hướng giảm đầu mối, phù hợp với hội nhập quốc tế nhằm sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực các tuyến.

Xây dựng cơ chế phối hợp và xác định trách nhiệm cụ thể trong công tác truyền thông y tế giữa ngành y tế và các bộ, ngành, chính quyền các cấp, các cơ quan báo chí. Nâng cao hiệu quả, tính chủ động của công tác truyền thông cung cấp thông tin, giáo dục sức khỏe để tạo được sự đồng thuận, ủng hộ và thu hút sự vào cuộc của các cấp ủy, đảng, chính quyền, các cơ quan truyền thông, dư luận và mỗi người dân. Nâng cao kiến thức về chăm sóc sức khỏe cho người dân trong việc chủ động bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe của bản thân và cộng đồng.

Tại Hội nghị đại diện các đơn vị thuộc Bộ Y tế, đại diện các địa phương nhiều ý kiến tham luận về giải pháp nâng cao hiệu quả mạng lưới y tế cơ sở, y tế dự phòng, các giải pháp để giảm quá tải, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế…

Đối với Yên Bái, năm 2015, ngành Y tế  luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, sáng tạo, khắc phục mọi khó khăn về nhân lực y tế, cơ sở vật chất, trang thiết bị hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu kế hoạch được giao. Hệ thống tổ chức bộ máy ngành y tế tiếp tục được củng cố và kiện toàn. Ngành Y tế Yên Bái đã triển khai thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh, đã khống chế thành công dịch Sởi. Các dịch bệnh có số mắc giảm như: Lỵ a míp giảm 2,9%, tiêu chảy giảm 17,5%, viêm gan vi rút giảm 7,25%, thủy đậu giảm 20,5% , Liệt mềm cấp nghi bại liệt giảm 66,7%, sởi (nghi ngờ sởi) giảm 97,3%, cúm giảm 32,4%, Adeno vi rút giảm 85,9%, Rubella giảm 96,07%, Tay-chân-miệng giảm 7,7%...

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã đánh giá cao và ghi nhận, biểu dương những kết quả mà ngành Y tế đạt được trong thời gian qua. Ngành Y tế đã nỗ lực vượt qua nhiều khó khăn để hoàn thành tốt các nhiệm vụ trên từng lĩnh vực và có bước tiến dài trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân đã đạt được nhiều tiến bộ đáng vui mừng và trân trọng.

Thủ tướng Chính phủ đánh giá cao những kết quả trong công tác y tế dự phòng, đồng thời lưu ý ngành Y tế cũng không được thỏa mãn với kết quả đạt được mà trong thời gian tới cần phải tiếp tục khắc phục những hạn chế tồn tại, tập trung chỉ đạo để làm tốt hơn nữa công tác y tế dự phòng và bảo vệ, chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Không được lơ là, chủ quan để xảy ra dịch bệnh lan tràn. Từ bộ ngành Trung ương đến các địa phương phải tập trung chỉ đạo thường xuyên công tác này. Bên cạnh đó, tăng cường quản lý môi trường y tế, việc xử lý chất thải y tế, huy động mọi nguồn lực đầu tư xử lý rác thải y tế; Tăng cường giám sát phát hiện, quản lý ô nhiễm thực phẩm, cảnh báo nguy cơ, kiểm soát ngộ độc thực phẩm, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đề nghị, trong những năm tới phải tập trung chỉ đạo để nâng cao năng lực, chất lượng, hiệu quả công tác khám chữa bệnh. Trước hết phải quan tâm, chăm lo đào tạo đội ngũ cán bộ thầy thuốc vừa hồng vừa chuyên, có năng lực, trình độ chuyên môn cao, có đạo đức, tận tụy với công việc. Tiếp tục nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý nhà nước của Bộ Y tế, Sở Y tế; đồng thời phải rà soát lại cơ chế chính sách, nếu không phù hợp thì phải đề nghị sửa đổi bổ sung; sắp xếp lại hệ thống y tế huyện. Quan tâm đến đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong cải cách hành chính; Bên cạnh đó, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để kịp thời biểu dương cái tốt và phát hiện, xử lý kịp thời những sai phạm.

Đối với công tác Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, Thủ tướng yêu cầu ngành Y tế cần nghiêm túc đánh giá về những thành tựu, hạn chế của chiến lược Dân số - Kế hoạch hóa gia đình, tiếp tục quan tâm làm tốt hơn nữa công tác dân số, nâng cao chất lượng dân số.

538 lượt xem
Tiến Lập

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h