Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Văn hóa - Xã hội

Vùng cao Yên Bái phát triển nhờ chương trình 135

21/01/2016 08:06:42 Xem cỡ chữ Google
Các xã, thôn, bản đặc biệt khó khăn (ĐBKK) trên địa bàn Yên Bái đã có những bước phát triển khá toàn diện. Kết cấu hạ tầng nông thôn mở rộng; cơ cấu kinh tế nông nghiệp phát triển sản xuất hàng hóa theo quy hoạch; đời sống vật chất, tinh thần của người dân đã nâng lên; bản sắc văn hóa dân tộc được bảo tồn và phát huy...

Đưa cơ giới hóa vào thu hoạch ngô ở vùng cao.

Kết quả đó có sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, sự nỗ lực của người dân và đóng góp không nhỏ từ Chương trình 135 của Chính phủ.

Chương trình 135 là một trong những chương trình được Đảng và Nhà nước quan tâm đầu tư cho các xã, thôn bản ĐBKK, là nguồn lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Chương trình 135 giai đoạn 2011 - 2015 Yên Bái được hỗ trợ trên 597 tỷ đồng.

Trong đó, vốn hỗ trợ phát triển sản xuất trên 95 tỷ đồng (733 con đại gia súc, trên 143 ngàn gia súc, gia cầm, 132 tấn giống cây lương thực, trên 22 ngàn cây ăn quả, 90 triệu cây công nghiệp), hỗ trợ làm gần 2 ngàn chuồng trại chăn nuôi, hỗ trợ mua máy, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và xây dựng 15 mô hình phát triển sản xuất. Vốn hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trên 505 tỷ đồng.

Trong đó, tại các xã ĐBKK đã đầu tư xây dựng 109 công trình cầu, cống, sửa chữa, nâng cấp mở mới trên 98 km đường; sửa chữa, nâng cấp, xây mới 59 công trình thủy lợi, bảo đảm nước tưới cho 2.347 ha, ngoài ra còn xây dựng nhiều công trình điện sinh hoạt, nhà cộng đồng, công trình giáo dục, chợ, công trình cấp nước tập trung tại các thôn, bản ĐBKK với tổng nguồn vốn 161 tỷ đồng, xây dựng 250 công trình đường, 27 công trình thủy lợi và nhiều công trình giáo dục, công trình cấp nước...

Qua đó cho thấy, Chương trình 135 được triển khai với nhiều hạng mục và số lượng người dân được thụ hưởng rất lớn.

Đối với lĩnh vực sản xuất nông - lâm nghiệp, đại bộ phận người dân vùng ĐBKK được cải thiện phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển từ sản xuất 1 vụ sang 2 vụ, thậm chí 3 vụ, ổn định đời sống nhân dân, góp phần xoá đói giảm nghèo cho đồng bào các dân tộc.

Cái khó nhất của người vùng cao là tư duy sản xuất manh mún, lạc hậu thì nay bà con đã biết ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đặc biệt là việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất như: máy tuốt lúa liên hoàn, máy tẽ ngô, máy cày bừa, máy xay xát, máy bơm nước..., giảm sức lao động, nâng cao giá trị kinh tế, chuyển từ sản xuất thuần nông sang sản xuất thâm canh, tăng vụ, tăng năng suất cây trồng, vật nuôi.

Hàng ngàn héc-ta lúa nương nay đã chuyển sang trồng ngô đồi, ngô hàng hóa ở vùng cao Trạm Tấu, Mù Cang Chải là minh chứng rõ nhất. Xã Trạm Tấu, huyện Trạm Tấu là xã điển hình trong việc trồng và phát triển ngô đồi. Hàng trăm héc-ta ngô mỗi năm cũng đem về cho người dân hàng tỷ đồng. Nhiều gia đình đã trở thành triệu phú ở vùng cao này như gia đình Giàng Sấu Giang, Giàng Thị Mo, Giàng Nhà Lử...

Ở vùng cao, vùng ĐBKK, giao thông gần như bị cô lập, nay đường đã rộng mở, đi lại thuận lợi hơn, hầu hết các xã đều có đường ô tô đến trung tâm xã, thôn, bản. Giao thông thuận tiện, hàng hóa nông sản làm ra đến đâu tư thương, doanh nghiệp thu mua hết đến đó.

Có thể nói, việc đầu tư, hỗ trợ từ Chương trình 135 và cùng với việc lồng ghép các nguồn vốn đã góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội các xã 135. Quan trọng hơn là tạo sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, bước đầu hình thành vùng sản xuất hàng hoá như: vùng lúa, vùng chè, vùng rừng nguyên liệu, vùng sắn cao sản, vùng cây ăn quả. Cơ sở hạ tầng được xây dựng rộng mở, nhận thức của đồng bào các dân tộc về tập quán sản xuất dần thay đổi, đời sống nhân nâng lên là nền tảng quan trọng cho vùng ĐBKK phát triển.

Hiệu quả đã rõ, tuy nhiên, nhìn từ thực tế vẫn còn một số tồn tại như: vốn đầu tư, hỗ trợ là khá lớn nhưng với đặc thù vùng cao vẫn còn rất nhiều thiếu thốn; đường giao thông chưa liền mạch, công trình thủy lợi chưa đáp ứng cho sản xuất.

Đặc biệt, vấn đề chất lượng công trình cũng như việc duy tu, bảo dưỡng các công trình đã được đầu tư xây dựng còn hạn chế. Đó là những khó khăn cần tháo gỡ để Chương trình 135 phát huy hiệu quả rõ nét hơn nữa ở vùng cao.

522 lượt xem
Theo Thanh Phúc/Báo Yên Bái

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h