Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Văn hóa - Xã hội

Cảnh giác cao với dịch cúm gia cầm H5N6

22/01/2016 08:00:01 Xem cỡ chữ Google
Đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh Yên Bái chưa xuất hiện dịch cúm gia cầm nhưng trước diễn biến phức tạp của dịch cúm gia cầm H5N6 thì nguy cơ dịch bùng phát trong và sau tết sẽ không là ngoại lệ với bất cứ địa phương nào.

Cơ sở chăn nuôi của chị Nguyễn Thị Thu - thôn Cường Bắc, phường Nam Cường (thành phố Yên Bái) thường xuyên phun thuốc tiêu độc khử trùng để phòng chống dịch bệnh.

Theo thông tin từ Cục Thú Y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì tính đến ngày 18/1/2016 cả nước có 5 ổ dịch cúm gia cầm A/H5N6  xảy ra tại 5 huyện của 4 tỉnh chưa qua 21 ngày. Cụ thể: tỉnh Quảng Ngãi có 1 ổ dịch xảy ra tại xã Tịnh Trà, huyện Sơn Tịnh (đã qua 10 ngày); tỉnh Kon Tum có 2 ổ dịch xảy ra tại huyện Ngọc Hồi, trong đó 1 ổ dịch tại xã Đăk Kan (đã qua 8 ngày) và huyện Đắk Hà có 1 ổ dịch tại xã Đắk Ngọc (đã qua 5 ngày); tỉnh Tuyên Quang có 1 ổ dịch xảy ra tại xã Đức Ninh, huyện Hàm Yên (đã qua 7 ngày); tỉnh Lạng Sơn có 1 ổ dịch tại xã Bằng Hữu, huyện Chi Lăng (đã qua 7 ngày).

Đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh chưa xuất hiện dịch cúm gia cầm nhưng trước diễn biến phức tạp của dịch cúm gia cầm H5N6 thì nguy cơ dịch bùng phát trong và sau tết sẽ không là ngoại lệ với bất cứ địa phương nào. Đặc biệt, tại tỉnh Tuyên Quang giáp ranh với tỉnh Yên Bái đã xuất hiện ổ dịch nên tỉnh cần chủ động trong công tác phòng, chống dịch.

Cùng với đó thị thường buôn bán, giết mổ gia cầm diễn ra khá sôi động, nhất là ở các chợ đầu mối như chợ: Bách Lẫm (phường Yên Ninh), chợ Hồng Hà, chợ Yên Thịnh (Km6)… Không kể lực lượng buôn bán gia cầm thường xuyên, việc người dân nuôi được gà đem vài con đi bán lấy tiền sắm tết cũng khá phổ biến. Tình trạng này không chỉ tại các chợ mà kể cả nhà mặt phố người dân nhốt 5 - 7 con gà trong một cái lồng sắt hoặc bu gà với biển hiệu gà “quê”, gà “sạch” và nhận mổ thuê ngay trên vỉa hè.

Người dân chỉ chọn gia cầm theo cảm quan chứ không chắc chắn có phải là gia cầm an toàn không.

Theo khảo sát của phóng viên thì giá mặt hàng gia cầm thời điểm này không tăng so với dịp tết Ất Mùi. Tùy thuộc vào chất lượng sản phẩm (gà ta, gà nuôi thả hay gà nuôi 100% cám công nghiệp…) mà có nhiều mức giá khác nhau, từ 60.000 đồng đến 110.000 đồng/kg. Càng cận tết việc mua bán thứ thực phẩm tươi sống này càng sôi động, người bán thì khẳng định gà có nguồn gốc, đảm bảo an toàn còn người mua thì chọn theo kiểu tù mù may thì được con ngon chứ cũng không biết gà nào an toàn. Điều đáng lo ngại là phần lớn những người bán rong trên các tuyến đường hay ven chợ đều kinh doanh nhỏ lẻ, không thường xuyên, gia cầm thì thường được vận chuyển từ nơi khác về và hầu như chưa qua kiểm dịch nên cơ quan chức năng khó có thể kiểm soát nguồn gốc.

Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thời gian qua Chi cục Thú y đã thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc Trạm thú y các huyện, thị, thành phố, triển khai thực hiện các văn bản của cấp trên, tham mưu tốt cho UBND huyện, thành phố, thị xã về công tác thú y trên địa bàn. Chi cục Thú y cũng chủ động phối hợp với các tổ chức, cá nhân thực hiện công tác kiểm dịch tại gốc, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển, buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm trên địa bàn tỉnh.

Đặc biệt, chỉ đạo quyết liệt trong công tác phun tiêu độc khử trùng đợt II năm 2015 vào cuối tháng 12 vừa qua với tổng số thôn, bản, cơ sở chăn nuôi gia cầm, cơ sở ấp nở, chợ, điểm bán, điểm giết mổ gia cầm, nhà hàng thực hiện tiêu độc khử trùng được thực hiện là 2.217 cơ sở với 6.194 lít thuốc. Để ngăn ngừa dịch bệnh xuất hiện, công tác kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y cũng là khâu vô cùng quan trọng. Chi cục Thú y đã thường xuyên nhắc nhở, chấn chỉnh các Trạm Thú y thực hiện công tác kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm tại các cơ sở giết mổ, chợ trung tâm…

Thời gian từ nay đến tết Nguyên đán Bính Thân, một lượng lớn gia cầm đang đổ về thành phố, chợ trung tâm các huyện, thị xã nên để chủ động phòng, chống dịch cúm gia cầm xâm nhập, giúp người dân đón tết Nguyên đán Bính Thân 2016 an toàn, các địa phương cần chủ động trong công tác phòng, chống cúm gia cầm độc lực cao H5N1, H5N6 và một số chủng vi rút cúm có thể lây sang người như vi rút H7N9; tăng cường kiểm soát và xử lý nghiêm việc nhập lậu gia cầm, giám sát chặt địa bàn để phát hiện và xử lý ổ dịch kịp thời; vận động người chăn nuôi áp dụng các biện pháp an toàn sinh học, vệ sinh thú y; khuyến cáo người tiêu dùng chọn lựa sản phẩm an toàn, bảo đảm có nguồn gốc, đã qua kiểm dịch. Các ngành chức năng hơn lúc nào hết cần tăng cường gắt gao công tác kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, vận chuyển. Trạm Thú y thường xuyên cử cán bộ xuống cơ sở để tuyên truyền, hướng dẫn người dân cách phòng chống dịch bệnh.

Đến nay, tại Việt Nam chưa có ghi nhận trường hợp mắc cúm H5N6 trên người, nhưng trước đó chủng virus này đã gây tử vong trên người tại tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc), vì vậy người dân cần hết sức cảnh giác, chỉ ăn thịt, trứng và các sản phẩm khác của gia cầm khi được nấu chín kỹ, không ăn tiết canh, không làm thịt và ăn các loại gia cầm ốm, chết...

Khi thấy các biểu biện sốt cao trên 38oC ở người kèm theo ho, đau ngực, khó thở, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi... thì không tự ý mua thuốc điều trị ở nhà mà phải đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị kịp thời.

Gia cầm bị cúm H5N6 thường có những triệu chứng: chết đột ngột, hàng loạt với một số biểu hiện  như: chảy nước mắt, nước dãi, đứng tụm với nhau, lông xù, uể oải, ít đi lại, đầu gật gù gục xuống đất, khó thở, mào tím tái, phù và có thể có điểm xuất huyết, gà mái đẻ trứng non, ỉa chảy và có biểu hiện thần kinh như xù lông, vẹo cổ...


523 lượt xem
(Theo Báo Yên Bái)

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h