Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Văn hóa - Xã hội

Đền Gò Chùa - Điểm đến của văn hóa tâm linh

22/02/2016 11:29:45 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Từ xa xưa, vùng đất An Thịnh gồm có người Kinh, người Tày, người Cao Lan cùng sinh sống, các dân tộc sống đoàn kết gắn bó với nhau chống giặc ngoại xâm, xây dựng làng bản trù phú, cuộc sống yên lành. Tuy mỗi dân tộc có bản sắc văn hóa riêng biệt, phong tục, tập quán khác nhau, nhưng trong cuộc sống sinh hoạt và trong lao động sản xuất hoàn toàn phụ thuộc vào thiên nhiên, nên tín ngưỡng thờ thánh, thần, thờ thành hoàng. Đặc biệt tín ngưỡng thờ Mẫu là một tín ngưỡng dân gian thuần Việt, với ước vọng sức khỏe, tài lộc, may mắn, là một nhu cầu trong đời sống tâm linh của người Việt nói chung, người dân vùng An Thịnh nói riêng; cầu mong mang lại cho họ sức mạnh, niềm tin và có sức thu hút mọi tầng lớp trong xã hội.

Đền Gò Chùa - Điểm đến của văn hóa tâm linh.

Từ đó, người dân xã Đại Phác xưa (nay là xã An Thịnh) đã xây dựng đền Gò Chùa. Theo các cụ già trong xã cho biết: Đền Gò Chùa xây dựng từ lâu đời, có thể khoảng thế kỷ XIX, đền thờ Công chúa La Bình. Trên đỉnh đồi có đền và chùa nên nhân dân gọi là “Gò Chùa”. Theo đó nhân dân gọi là “đền Gò Chùa”. Đối chiếu với lịch sử văn hóa, xã hội huyện Trấn Yên cuối thế kỷ XIX, đền Gò Chùa rất có thể xây dựng khoảng thời gian từ năm Tự Đức thứ 23 (1870) đến năm Thành Thái thứ 6 ([1894), vì thời gian này cuộc sống của nhân dân Trấn Yên rất ổn định, an lành, ấm no, giặc dã không có, trong khi đó Quan tri huyện Trấn Yên Lê Huy Chiêu rất quan tâm đến việc xây dựng đền, đình để tạo phúc và giúp dân có nơi sinh hoạt văn hóa, tâm linh, cầu đảo.

Theo truyền thuyết Công chúa La Bình là con của Sơn Tinh và Mỵ Nương, cháu ngoại của Vua Hùng thứ 18. Nàng là cô gái tuyệt sắc, có nhiều tài nghệ, thường theo cha đi chu du khắp rừng núi, hang động. Đi tới đâu nàng cũng quyến luyến với phong cảnh, làm bạn với cây cỏ, chim thú. Các vị sơn thần ở các núi non đều rất quý mến Nàng và được Nàng bảo ban giúp đỡ và dạy dân biết khai phá đất, trồng lúa nước, dạy dân dệt vải, biết chữa bệnh…. Dân lành trong vùng vì thế cũng được sống yên ổn, ấm no. Hay tin đó, Ngọc Hoàng rất khen ngợi Tản Viên và La Bình, phong Nàng là Bà Chúa Thượng Ngàn (Thượng Ngàn Công Chúa), cai quản 81 cửa rừng cõi An Nam. Ngọc Hoàng Thượng đế còn ban tặng cho bà thêm nhiều phép thuật thần thông, đi mây về gió, và trở thành vị Thánh bất tử để luôn luôn gần gũi, gắn bó với cõi trần, vĩnh viễn ở miền trung du và núi non hùng vĩ. 

Đền Gò Chùa tọa lạc trên đỉnh đồi, dân làng thường gọi là “đền Gò Chùa” thuộc thôn Chè Vè, xã Đại Phác, tổng Yên Phú, huyện Trấn Yên, (nay là xã An Thịnh, Huyện Văn Yên). Đền có kiến trúc hình chữ đinh hay còn gọi là chuôi vồ; cột gỗ, 4 hàng chân cột; mái lợp cọ, lịa ván gỗ xung quanh; 3 gian đại bái, hậu cung; diện tích khoảng 50-60m2. Câu đầu, đầu xà, nhang án… trạm trổ hình rồng và các hoa văn cầu kỳ, đẹp, tinh xảo mang đậm dấu ấn kiến trúc và nghệ thuật thời Nguyễn. Hàng năm cứ vào ngày 15 tháng giêng là ngày hội đầu năm theo phong tục tập quán, lễ hội được diễn ra trong một ngày để đón các du khách thập phương đến tham quan và dâng hương cầu cho mưa thuận, gió hoà, quốc thái, dân an.

Năm 1948-1949, sau khi bộ đội đánh chiếm đồn Đại Bục, Đại Phác, đồn Gióm, giặc Pháp điên cuồng ném bom xuống làng bản, khu dân cư, những trận ném bom đó đền Gò Chùa bị cháy, sập mái. Sau đó nhân dân tu sửa, nhưng một số cột, xà bị cháy xẹm. Từ năm 1950-1952, tập trung sức người, sức của chuẩn bị chiến dịch Tây Bắc, nên nhân dân không tổ chức sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng, đền không có người trông coi, mưa bão làm mái dột, sau đó đền bị sập đổ, hư hỏng, đồ thờ, sắc phong bị thất tán. Từ đó, đền Gò Chùa không được phục dựng, để có nơi thờ Thánh Mẫu, cầu cúng trong mỗi dịp lễ tết, nhân dân trong làng Chè Vè, xã An Thịnh dựng một ban thờ nhỏ trên nền đền xưa. Năm 2012, do nhu cầu sinh hoạt, tín ngưỡng của nhân dân trong và ngoài địa phương ngày càng lớn, đền đã được nhân dân xây dựng mới như hiện nay. Hiện vật xưa của đền chỉ còn lại bia đá, nhưng đã bị vỡ nhiều mảnh, một số mảnh bị mất.

Đền Gò Chùa có từ lâu đời, gắn với nền văn minh sông Hồng, góp phần tạo nên vùng đất “Linh thiêng”, luôn đồng hành với dòng chảy văn hóa của dân tộc Việt Nam ngàn năm văn hiến. Trải qua những thăng trầm, biến cố của lịch sử, đền không còn kiến trúc nguyên gốc, tín ngưỡng thờ Mẫu có lúc suy, lúc thịnh nhưng đền Gò Chùa luôn gắn bó với đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân và lịch sử hình thành, phát triển vùng đất An Thịnh từ xa xưa và có ý nghĩa quan trọng đối với đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân. Xuân thu nhị kỳ đền Gò Chùa diễn ra nhiều lễ hội như lễ Thượng Nguyên (ngày 15 tháng Giêng), Lễ giỗ Mẫu (ngày 18/3); lễ giỗ Cha (ngày 20/3), lễ mừng cơm mới (tháng 10), lễ Tất niên (ngày 23 tháng Chạp) thu hút nhiều khách thập phương đến chiêm bái, hành lễ, nghiên cứu. Đền Gò Chùa đã được các đời vua nhà Nguyễn sắc phong. Tuy nhiên do nhiều nguyên nhân khác nhau, sắc phong đã thất tán hoặc bị mất.

Với giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học của di tích, Năm 2014 Đền Gò Chùa đã được cấp bằng Di tích lịch sử văn hoá cấp tỉnh. Nhằm tôn vinh giá trị di tích lịch sử văn hóa, tỏ lòng thành kính và truyền thống “Uống nước nhớ nguồn - Đền ơn đáp nghĩa”. Trên cơ sở đó vận động nhân dân tổ chức tốt đời sống văn hóa ở cơ sở, đặc biệt là phát triển du lịch văn hoá tâm linh ở địa phương. Hiện nay UBND xã An Thịnh đang chuẩn bị tổ chức hội Đền Gò Chùa vào 2 ngày 23 và 24/2/2016 (tức ngày  16 và 17 tháng Giêng năm Bính Thân). Theo kế hoạch, phần lễ bao gồm Lễ dâng hương, Lễ đón Bằng, lễ cúng đại tiệc. Phần hội gồm các chương trình giao lưu văn nghệ, thể thao Mừng Đảng, Mừng Xuân Bính Thân. Lễ hội Đền Gò Chùa là dịp để xã An Thịnh  tuyên truyền, giáo dục lý tưởng cách mạng, truyền thống văn hoá trong các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thanh thiếu niên, từ đó nâng cao ý thức tôn trọng, gìn giữ, phát huy giá trị di sản văn hoá dân tộc. Đồng thời giới thiệu, khơi dậy những những nét đẹp truyền thống văn hoá đặc sắc, tiêu biểu của dân tộc; biến các di sản văn hoá thành nguồn lực vật chất, tinh thần phục vụ nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương; trước hết là phục vụ phát triển du lịch văn hoá-tâm linh; góp phần nâng cao đời sống văn hoá tinh thần cho nhân dân các dân tộc trong huyện và của tỉnh. Qua đó mời gọi các tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội, doanh nghiệp, cá nhân trong và ngoài địa phương tham gia đóng góp nguồn vốn đầu tư, tu bổ, tôn tạo di tích.

Với công tác chuẩn bị chu đáo và tấm lòng thành kính hướng về cội nguồn, tin tưởng ràng, lễ hội Đền Gò Chùa, xã An Thịnh Xuân Bính Thân năm 2016 sẽ thành công tốt đẹp, là điểm đến trong hành trình du lịch tâm linh của du khách trong và ngoài huyện với khát vọng trở về nguồn cội và cầu cho cuộc sống ấm no, an bình và hạnh phúc./.

644 lượt xem
(Theo Trang TTĐT huyện Văn Yên)

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h