Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Văn hóa - Xã hội

Lãnh đạo Sở Y tế giải đáp về Chính sách hỗ trợ công tác dân số KHHGĐ tại 72 xã đặc biệt khó khăn của tỉnh giai đoạn 2016 - 2020

17/03/2016 08:01:08 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Tại kỳ họp thứ 15, HĐND tỉnh Yên Bái đã ban hành Nghị quyết phê duyệt Đề án về công tác Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tại 72 xã ĐBKK của tỉnh giai đoạn 2016 - 2020. Mục tiêu của Đề án là thực hiện giảm sinh nhanh, giảm thiểu tình trạng tảo hôn, không còn hôn nhân cận huyết thống tại 72 xã ĐBKK nhằm góp phần duy trì mức sinh thấp, nâng cao chất lượng dân số. Trong chuyên mục “Giải đáp chính sách” trên Cổng Thông tin điện tử Yên Bái, Lãnh đạo Sở Y tế đã trực tiếp giải đáp về những nội dung liên quan đến việc triển khai thực hiện Đề án.

Lãnh đạo Sở Y tế tham gia Chuyên mục Giải đáp chính sách trên Cổng Thông tin điện tử tỉnh

BTV: Xin ông cho biết thực trạng công tác DS-KHHGĐ tại các xã đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh hiện nay và sự cần thiết phải ban hành Đề án về công tác DS-KHHGĐ tại 72 xã ĐBKK của tỉnh giai đoạn 2016-2020.

Ông Lương Kim Đức – Phó Giám đốc Sở Y tế, Chi cục trưởng Chi cục Dân số-KHHGĐ:

Trong những năm qua, công tác Dân số - Kế hoạch hoá gia đình (DS-KHHGĐ) của tỉnh Yên Bái đã đạt được một số kết quả quan trọng từ một tỉnh có mức sinh cao so với cả nước, năm 2012 đã đạt mức sinh thay thế, tổng tỷ suất sinh (số con bình quân của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ) là 2,08; các vấn đề về chất lượng dân số đã bước đầu được đề cập và triển khai thực hiện.

- Trong khi đó vùng cao, vùng khó khăn số con trung bình của một phụ nữ trong tuổi sinh đẻ vẫn ở mức cao trên 3 con,  tỷ suất sinh thô và tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên tại vùng đặc biệt khó khăn còn cao, mức độ giảm hàng năm chậm so với toàn tỉnh. Ví dụ: năm 2014 - 2015 tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên 17% (toàn tỉnh dưới 9,7%), riêng hai huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải tỷ lệ sinh con thứ ba trở lên luôn ở mức trên 20% .

- Tỷ lệ các cặp vợ chồng thực hiện các biện pháp tránh thai đạt 58% thấp hơn nhiều so với tỷ lệ chung của cả tỉnh (75%),.

- Tỷ lệ tảo hôn tại vùng cao, vùng dân tộc thiểu số còn ở mức cao đặc biệt là đối với đồng bào thiểu số tại huyện Trạm Tấu: 39%, Mù Cang Chải 27,9%,  tình trạng hôn nhân cận huyết thống còn rải rác ở các xã vùng cao (Năm 2011 có 10 cặp, năm 2014 có 04 cặp tại  huyện Mù Cang và Trạm Tấu).

- Tỷ lệ đẻ tại nhà ở các xã vùng cao, đặc biệt khó khăn khoảng 50%, riêng các xã của hai huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải tỷ lệ đẻ tại nhà trên 70%.

Thực trạng đó đã ảnh hưởng rất nhiều tới chất lượng dân số, đời sống của đồng bào dân tộc vùng cao, ảnh hưởng tới công cuộc xóa đói giảm nghèo của tỉnh. Vì vậy Hội đồng nhân dân tỉnh đã phê duyệt Đề án về công tác DS -KHHGĐ tại 72 xã ĐBKK của tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 nhằm thực hiện giảm sinh nhanh và bền vững; giảm thiểu tình trạng tảo hôn góp phần ổn định quy mô dân số và nâng cao cao chất lượng dân số của vùng đặc biệt khó khăn nói riêng và của toàn tỉnh nói chung.

BTV: Vậy những đối tượng nào được hưởng lợi từ Đề án, thưa ông:

* Ông Lương Kim Đức – Phó Giám đốc Sở Y tế, Chi cục trưởng Chi cục Dân số-KHHGĐ:

Đối tượng được hưởng lợi từ Đề án là nhân dân các dân tộc trên địa bàn 72 xã vùng đặc biệt khó khăn; người thực hiện và người vận động biện pháp tránh thai lâm sàng (triệt sản, đặt dụng cụ tử cung) thường trú trên địa bàn; cộng tác viên DS-KHHGĐ và cô đỡ thôn bản thuộc 72 xã đặc biệt khó khăn;

BTV: Xin ông cho biết các chính sách cụ thể thực hiện Đề án và các nguồn lực thực hiện Đề án:

* Ông Lương Kim Đức – Phó Giám đốc Sở Y tế, Chi cục trưởng Chi cục Dân số-KHHGĐ:

Có 4 nhóm chính sách chủ yếu là:

1. Nhóm các chính sách về hỗ trợ thực hiện dịch vụ KHHGĐ như:

(1) Mua thuốc thiết yếu và chi phí dịch vụ thực hiện triệt sản, đặt vòng, tiêm thuốc tránh thai.

(2)  Bồi dưỡng đối tượng thực hiện các biện pháp tránh thai.

Bồi dưỡng người đặt dụng cụ tử cung 200.000đồng.

Bồi dưỡng người triệt sản 1.000.000đồng.

(3) Hỗ trợ người vận động đối tượng thực hiện các biện pháp tránh thai.

Hỗ trợ người vận động đặt dụng cụ tử cung  50.000đồng/ca.

Hỗ trợ người vận động triệt sản 100.000đồng/ca. 

2. Nhóm các chính sách về truyền thông

(1) Hỗ trợ  Tổ chức chiến dịch truyền thông. 

(2) Trang bị loa tay  phục vụ truyền thông

(3) Hỗ trợ hoạt động tuyên truyền làm giảm tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại 24 xã của  hai huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải

- Truyền thông tại cộng đồng lồng ghép với các cuộc họp thôn bản, sinh hoạt các câu lạc bộ phụ nữ, thanh niên , hội người cao tuổi, hội cựu chiến binh

- Truyền thông cho các đối tượng có uy tín trong cộng đồng (già làng, trưởng bản, trưởng dòng họ, chức sắc tôn giáo) và nhóm đối tượng có nguy cơ cao về tảo hôn và hôn nhân cận huyết (các bậc cha mẹ, vị thành niên)

3. Chính sách Hỗ trợ cán bộ cơ sở  Cộng tác viên dân số  và cô đỡ thôn, bản:

-  Thù lao cho Cộng tác viên dân số - kế hoạch hóa gia đình 100.000đ/tháng

-  Thù lao cho cô đỡ thôn, bản ( tại các thôn, bản có mức sinh cao và tỷ lệ đẻ tại nhà trên 50%) 300.000 đồng/người /tháng

4.  Chính sách thưởng xã không sinh con thứ 3 trở lên và xã giảm trên 50% tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên so với năm trước 

- Định mức thưởng đối với 72 xã đặc biệt khó khăn đạt chỉ tiêu không có người sinh con thứ 3 trở lên và không có tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống như sau:

- 1 năm được: 2.500.000 đồng.

- 2 năm liên tục được: 4.000.000 đồng.

- 3 năm liên tục được: 6.000.000 đồng.

- 4 năm liên tục được: 8.000.000 đồng. 

- 5 năm liên tục được: 10.000.000 đồng.

-  Định mức thưởng 72 xã đặc biệt khó khăn giảm tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên từ trên 50% so với năm trước, và không có tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống như sau :

- 1 năm được: 1.500.000 đồng.

- 2 năm liên tục được: 2.500.000 đồng.

- 3 năm liên tục được: 4.000.000 đồng.

- 4 năm liên tục được: 6.000.000 đồng.

- 5 năm liên tục được: 8.000.000 đồng.

Tổng kinh phí thực hiện 5 năm: 100.000.000 đồng

d) Đối với thôn, bản không có người sinh con thứ ba trở lên và không có tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống được Ủy ban ND huyện, thị xã khen thưởng, mức thưởng bằng 30% so với mức thưởng cho cấp xã vùng tiêu chí

Về Nguồn lực thực hiện Đề án bao gồm:

-          Nguồn lực của tỉnh

-          Nguồn lực của CTMT ( Nguồn TW)

-          Nguồn lực của các địa phương: huy động thêm huyện, xã

BTV: Để triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án, theo ông các ngành và các địa phương cần làm gì? Đối với ngành Y tế xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện Đề án như thế nào?

* Ông Lương Kim Đức – Phó Giám đốc Sở Y tế, Chi cục trưởng Chi cục Dân số-KHHGĐ:

1. Đối với các ngành và các địa phương:

- Tăng cường sự lãnh đạo của chính quyền các cấp đối với công tác DS -KHHGĐ, xây dựng kế hoạch tổ chức triển khai thực hiện Đề án hiệu qu;, Nâng cao trách nhiệm và tăng cường phối hợp của các cấp, các ngành và tổ chức đoàn thể trong việc tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện công tác dân số.

- Tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức, bộ máy và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ dân số, nhất là cấp cơ sở, năm 2016 bổ sung 22 biên chế cho 22 xã đặc biệt khó khăn.

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền các chủ trương, chính sách pháp luật về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, nâng cao hiệu quả chiến dịch truyền thông lồng ghép cung cấp dịch vụ KHHGĐ và các hoạt động tư vấn, hoạt động nhóm, tuyên truyền tại hộ gia đình.

- Cụ thể hóa việc thực hiện các mục tiêu, chính sách DS - KHHGĐ vào trong công tác thi đua, khen thưởng và công tác cán bộ, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm chính sách DS - KHHGĐ.

- Huy động và tranh thủ những nguồn lực, đáp ứng phương tiện phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản KHHGĐ. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát.

1. Đối với Sở Y tế

- Chủ trì phối hợp với Cục Thống kê, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh trong việc xây dựng kế hoạch và giao chỉ tiêu kế hoạch công tác DS-KHHGĐ; phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thị, chỉ đạo thực hiện Đề án.

- Phối hợp với các sở, ngành và các tổ chức đoàn thể liên quan tuyên truyền phổ biến, tổ chức thực hiện và theo dõi, kiểm tra, giám sát thực hiện các chính sách của tỉnh.

- Chỉ đạo cung cấp dịch vụ KHHGĐ an toàn, thuận tiện. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ y tế, đảm bảo cơ sở vật chất, trang thiết bị để người dân 72 xã đặc biệt khó khăn dễ dàng tiếp cận với dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ.

- Chủ trì, phối hợp tổ chức giám sát đánh giá và công bố kết quả thực hiện chỉ tiêu, mục tiêu hàng năm.

* BTV: Vâng xin cảm ơn ông Lương Kim Đức – Phó Giám đốc Sở Y tế, Chi cục trưởng Chi cục Dân số-KHHGĐ.

Có thể nói việc ban hành Nghị quyết về chính sách hỗ trợ công tác Dân số - KHHGĐ tại 72 xã đặc biệt khó khăn của tỉnh giai đoạn 2016 - 2020 là rất cần thiết. Đây là cơ hội quý cho người dân vùng khó khăn thực hiện tốt công tác dân số, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Cũng là cơ hội để người dân được cải thiện đời sống vật chất, tinh thần, được hưởng thụ kiến thức, biết  tự chăm sóc sức khỏe bản thân, gia đình, được tiếp cận với các dịch vụ y tế xã hội cơ bản...

Các câu hỏi, ý kiến của quý vị và các bạn cần chuyển đến các cơ quan chức năng xin mời gửi đến mục “Giải đáp chính sách” trên Cổng Thông tin điện tử tỉnh Yên Bái qua địa chỉ thư điện tử banbientapcong@yenbai.gov.vn.

Xem video lãnh đạo Sở Y tế giải đáp chính sách tại đây .

557 lượt xem
Tiến Lập - Lan Hương

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h