Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Kinh tế

Văn Chấn xây dựng vùng chè an toàn, bền vững

26/04/2016 16:18:34 Xem cỡ chữ Google
Được coi là thủ phủ chè của tỉnh Yên Bái, huyện Văn Chấn có tổng diện tích 4.950 ha chè trong đó chè kinh doanh trên 4.450 ha, chè kiến thiết cơ bản 500 ha.

Nhân dân xã Sơn Thịnh chăm sóc diện tích chè trồng mới.

Bằng những chương trình cụ thể, vùng nguyên liệu chè trên địa bàn huyện đã không ngừng được cải tạo, nâng cao chất lượng, từng bước giúp người dân ổn định cuộc sống và làm giàu bằng chính cây chè.

Là một trong những địa phương có diện tích chè tương đối nhiều, xã Sơn Thịnh có hơn 400 ha, rải rác ở 13/16 thôn, gần 60% số hộ dân trong xã sống bằng cây chè. Xác định chè là cây trồng mũi nhọn và là cây chủ lực của địa phương nên trong những năm qua, xã Sơn Thịnh đã tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân đẩy mạnh thâm canh chè, thay thế dần những giống chè trung du già cỗi, năng suất thấp bằng giống chè lai, chè cành năng suất, chất lượng cao, thực hiện việc sản xuất theo quy trình VietGAP, đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất, kinh doanh chè.

Nhờ vậy, cây chè đã dần khẳng định được vị thế của mình. Đến nay, diện tích chè trồng mới của Sơn Thịnh đạt trên 70%. Cùng với đó, các nhóm hộ sản xuất chè theo quy trình VietGAP cũng đã góp phần nâng cao chất lượng chè cho địa phương.

Dẫn chúng tôi đến thôn Thác Hoa 3, thôn có diện tích chè nhiều nhất của xã với gần 100 ha chè, đồng chí Lê Gia Thuần – Phó chủ tịch UBND xã Sơn Thịnh cho biết: “Toàn bộ diện tích này trước đây đều là giống chè trung du thuộc quyền quản lý của Công ty cổ phần Chè Nghĩa Lộ. Nhiều năm, tuổi chè đã già cỗi, năng suất và chất lượng thấp. Thực hiện chủ trương của huyện về việc cải tạo diện tích chè già cỗi đồng thời chuyển sang giao khoán cho người dân thì hiệu quả đã rõ rệt hẳn. Với việc hình thành các nhóm hộ sản xuất theo quy trình VietGAP có thể coi như cánh đồng mẫu trong việc sản xuất, kinh doanh chè của địa phương”.

Từ việc cải tạo, tập trung chuyên canh sản xuất chè, nhiều hộ đã trở nên khá giả, cây chè đã thực sự đem lại cuộc sống ấm no cho nhiều gia đình. Nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo và làm giàu từ cây chè. Hộ gia đình chị Nguyễn Thị Hương, thôn Thác Hoa 3 là một điển hình như vậy. Vốn là công nhân của Công ty cổ phần Chè Nghĩa Lộ, sau khi chuyển sang cổ phần hóa, gia đình chị đã nhận khoán diện tích gần 2 ha chè của Công ty để làm.

Toàn bộ diện tích chè già cỗi, gia đình chị đã thuê nhân công phá bỏ, trồng mới bằng giống chè lai và thực hiện theo quy trình VietGAP. Chỉ sau 3 năm, chè đã cho thu hái. Năm 2015, gia đình chị thu hái được trên 40 tấn chè, trừ chi phí thu lãi trên 100 triệu đồng.

Gia đình ông Nguyễn Đức Hiển, thôn Thác Hoa 3 cũng vậy. Sau khi nhận khoán hơn 1,5 ha chè của Công ty cổ phần Chè Nghĩa Lộ, gia đình ông đã tập trung cải tạo và trồng mới toàn bộ diện tích bằng giống chè lai, nhờ vậy mà năng suất chè đã tăng lên đáng kể. Chỉ sau 3 năm tập trung chuyên canh vào cây chè, cuộc sống gia đình ông đã trở nên khá giả. Năm 2015, gia đình ông thu lãi khoảng 100 triệu đồng, dự tính trong năm nay sẽ thu trên 100 triệu đồng.

Không chỉ có gia đình chị Hương, ông Hiển mà nhiều hộ khác trong thôn Thác Hoa 3 cũng khá lên nhờ việc tập trung chuyên canh cải tạo chè bằng giống mới như gia đình bà Vũ Thị Hoan, bà Trần Thị Yên… với mức thu nhập từ 100 – 300 triệu đồng/năm.

Cũng như Sơn Thịnh, thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ được đánh giá là địa phương có diện tích chè nhiều nhất, nhì của huyện với 533 ha. Hơn nửa số hộ dân của thị trấn sống bằng cây chè. Xác định được lợi thế của cây chè trong phát triển kinh tế địa phương, từ năm 2004, thị trấn thực hiện chủ trương cải tạo chè giống mới như LDP1, LDP2, bình quân mỗi năm cải tạo được 50 ha chè. Đến nay, diện tích chè được cải tạo của thị trấn đạt trên 93%, cây chè giống mới đã cho thu hái. Việc thay thế chè giống mới đã giúp thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ có thêm những nương chè cho năng suất đạt 18 tấn/ha.

Đồng chí Lê Ngọc Long – Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND thị trấn Nông trường Nghĩa Lộ cho biết: “Để nâng cao giá trị cây chè cũng như  bảo đảm cuộc sống cho người làm chè, địa phương đang vận động nhân dân tiếp tục đầu tư thâm canh, đẩy mạnh việc sản xuất chè theo quy trình VietGAP bằng việc hình thành các nhóm hộ bởi khi đó sẽ tạo cho người dân có ý thức cộng đồng trách nhiệm hơn đồng thời cũng nâng cao giá trị kinh tế cây chè”.

Văn Chấn là huyện có diện tích, sản lượng chè cũng như cơ sở chế biến chè lớn nhất tỉnh. Cây chè trực tiếp giải quyết công ăn việc làm cho gần 5 vạn lao động, tương đương với hơn một nửa số dân của huyện. Để thực hiện mục tiêu phấn đấu mỗi năm sản lượng đạt 45.000 tấn, tổng sản lượng chè khô đạt 12.000 tấn, lấy cải tạo chất lượng búp đáp ứng chế biến xuất khẩu, nâng cao giá trị, xây dựng thương hiệu chè, huyện Văn Chấn đã có nhiều giải pháp và cơ chế đầu tư, xây dựng vùng nguyên liệu chè có năng suất, chất lượng, đáp ứng cho chế biến chè chất lượng cao. Đối với các xã vùng cao như: Nậm Lành, Suối Giàng, Sùng Đô, Nậm Mười, Suối Quyền... tập trung trồng mới bằng giống chè Shan với mật độ cao.

Đối với 8 xã vùng ngoài, tập trung trồng mới, trồng cải tạo, trồng thay thế giống chè trung du già cỗi bằng giống chè lai, chè nhập nội. Bên cạnh đó, huyện vận động nhân dân tích cực đầu tư thâm canh, tăng năng suất, chất lượng thu hái. Cùng với cơ chế hỗ trợ của tỉnh, huyện cũng hỗ trợ tìm nguồn giống, hướng dẫn kỹ thuật, hỗ trợ phân bón... giúp người dân trồng cải tạo ngày một nhiều. Bình quân, mỗi năm Văn Chấn trồng cải tạo từ 100 – 300 ha chè bằng giống chè lai, chè nhập nội và chè Shan tuyết giâm cành.

Chỉ tính 5 năm trở lại đây, huyện đã trồng cải tạo thay thế trên 1.200 ha, đưa diện tích chè giống mới lên gần 2.000 ha, chiếm gần 50% tổng diện tích chè toàn huyện. Bên cạnh đó, huyện tiếp tục vận động bà con nhân dân tích cực đầu tư chăm sóc và áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP để giúp các hộ dân thay đổi nhận thức trong việc chăm sóc, thu hái và bảo quản sản phẩm chè búp tươi, góp phần nâng cao dần chất lượng và giá trị sản phẩm chè.

Công tác chăm sóc, thâm canh, thu hái được các doanh nghiệp, các hộ dân chú trọng đầu tư đồng bộ; nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật được áp dụng vào sản xuất; mối quan hệ giữa người sản xuất và các doanh nghiệp, cơ sở chế biến chè được cải thiện và ràng buộc chặt chẽ hơn; một số doanh nghiệp đã thực hiện tái đầu tư vào vùng nguyên liệu bằng phương thức ứng trước phân bón, hỗ trợ mua máy hái chè, đốn chè...

Qua đó, giúp cho các hộ trồng chè tăng năng suất, nâng cao hiệu quả lao động, bảo đảm đáp ứng đủ nguyên liệu cho các nhà máy, triển khai xây dựng, hoàn thiện và chuẩn hóa quy trình canh tác nhằm tạo ra vùng nguyên liệu an toàn, năng suất cao, chất lượng tốt và bền vững.

 

535 lượt xem
Theo Báo Yên Bái

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h