Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Kinh tế

Cây xóa nghèo ở Đại Sơn

18/05/2016 15:30:58 Xem cỡ chữ Google
Nằm trong vùng quy hoạch nguyên liệu quế của huyện, những năm qua, xã Đại Sơn, huyện Văn Yên đã có nhiều chủ trương khuyến khích nhân dân mở rộng diện tích cây quế.

Những ngôi nhà tiền tỷ xuất hiện ngày càng nhiều ở Đại Sơn nhờ cây quế.

Đặc biệt, trong số những chỉ tiêu được thông qua tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ X, nhiệm kỳ 2015 - 2020 thì việc mở rộng diện tích quế cũng như nâng cao giá trị kinh tế của cây quế là một trong những mục tiêu chủ yếu.

Đồng chí Lý Văn Minh - Chủ tịch UBND xã cho biết: “Với đặc thù của xã vùng cao đặc biệt khó khăn, diện tích lúa 2 vụ ít, Đại Sơn có chưa đầy 100 ha lúa, song có lợi thế về đồi rừng, lại nằm trong vùng quy hoạch nguyên liệu quế của huyện. Xác định quế là cây trồng chủ lực trong công cuộc xóa đói giảm nghèo và làm giàu cho người dân, nhiều năm qua, xã đã vận động nhân dân mở rộng diện tích trồng quế, đưa tổng diện tích quế lên 3.000 ha, tập trung ở 4/8 thôn. Giá trị kinh tế cây quế mang lại đã làm cho cuộc sống của người dân ngày một khá hơn. Bình quân mỗi năm, nhân dân khai thác trên 700 tấn vỏ quế  khô, thu về gần 4 tỷ đồng. Cùng với 8 xã trong vùng quy hoạch nguyên liệu quế của huyện, quế ở Đại Sơn đã khẳng định vị thế, có chỉ dẫn địa lý rõ ràng”.

Hiện nay, xã có 1 nhà máy chiết xuất tinh dầu quế, 6 cơ sở thu mua và sơ chế quế, mỗi năm giải quyết việc làm cho không dưới 150 lao động nông nhàn. Nhờ cây quế mà nhiều hộ dân trong xã đã vươn lên thoát nghèo và làm giàu. Học hành, xây dựng nhà cửa, dựng vợ gả chồng cũng từ cây quế mà ra. Quế đã góp phần quan trọng trong việc giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn xã xuống còn 42,3%.

Dẫn chúng tôi đi một vòng quanh xã, chỉ vào những ngôi nhà xây khang trang trị giá không dưới 1 tỷ đồng, Chủ tịch UBND xã Lý Văn Minh cho biết, tất cả đều nhờ cây quế. Gia đình ông Hoàng Văn Minh, thôn Khe Giang, một điển hình về trồng quế của địa phương cũng là một trong những hộ thoát nghèo và làm giàu từ cây quế.

Ông Minh chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi nghèo lắm. Nhà đông con, mặc dù diện tích đồi rừng nhiều song chủ yếu là trồng ngô, sắn nên hiệu quả kinh tế không cao. Khi có chủ trương phát triển cây quế, gia đình tôi đã mạnh dạn chuyển toàn bộ diện tích sang trồng quế, nhờ vậy cuộc sống khá dần lên”.

Từ 5 ha rồi mở rộng lên 10 ha quế, hiện nay, gia đình ông Minh đã có trên 10 ha quế từ 1 – 20 năm tuổi, khai thác đến đâu lại tiếp tục trồng mới đến đó. Khi những diện tích quế còn nhỏ, gia đình ông lại trồng xen canh thêm ngô, sắn lấy lương thực để chăn nuôi. Bình quân mỗi năm, gia đình ông cũng thu về trên 100 triệu đồng từ tiền bán quế.

Gia đình ông Đặng Nguyên Tài, thôn Khe Tày cũng vậy. Mặc dù diện tích đồi rừng nhiều song việc phát triển manh mún, chỗ thì trồng sắn, chỗ lại trồng ngô, chỗ thì gieo lúa nương nên hiệu quả kinh tế mang lại cho gia đình không cao. Từ khi chuyển sang chuyên canh trồng quế, gia đình ông đã khá lên trông thấy. Với 20 ha quế từ 1 - 20 năm tuổi, mỗi năm bán tỉa, gia đình ông cũng thu về trên 150 triệu đồng.

Ông Tài chia sẻ: “So với các loại cây lâm nghiệp khác thì quế là cây có giá trị kinh tế cao hơn hẳn, có thể tận dụng được tất cả, cành lá bán cho các cơ sở chế biến tinh dầu quế, vỏ bán tươi, khô đều được, thân cây bán cho các cơ sở chế biến nguyên liệu gỗ. Chỉ từ năm thứ 3 trở đi là có thể tỉa bán được, còn để lâu quế có giá trị hơn. Hơn nữa, quế cũng không làm đất bị bạc màu như các loại cây lâm nghiệp khác”.

Chỉ vào ngôi nhà mới xây trị giá cả tỷ đồng và những vật dụng sinh hoạt đắt tiền khác, ông Tài cho biết, tất cả đều nhờ cây quế. Gia đình ông Bàn Tiến Hiến, thôn Khe Trà cũng vậy. Sau khi có chủ trương phát triển cây quế của xã, ông đã mạnh dạn dồn vốn liếng mua thêm một số diện tích đồi rừng của những hộ dân trong thôn để trồng quế đồng thời mua một nồi chưng cất tinh dầu quế, đi thu gom mua quế tươi của dân về phơi khô bán lại cho các cơ sở thu mua quế trên huyện kiếm chút lãi. Nhờ vậy mà gia đình ông đã trở nên khá giả. Với 10 ha quế từ 1 - 20 năm tuổi, cộng với việc chế biến tinh dầu quế và mua quế khô, mỗi năm trừ chi phí ông cũng thu về gần 250 triệu đồng.

Với những ưu thế vượt trội đem lại, cây quế tiếp tục được xác định là cây trồng chủ lực để phát triển kinh tế ở Đại Sơn. Tiếp tục nâng cao vị thế cây quế nhằm thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo và làm giàu cho người dân, ngoài việc duy trì ổn định diện tích quế hiện có, xã vận động nhân dân tiếp tục duy trì và bảo tồn 30 cây quế giống để lưu giữ nguồn gen quế phục vụ cho nhu cầu phát triển cây giống và 5 ha phục vụ cho việc phát triển du lịch của địa phương.

 

679 lượt xem
Theo Báo Yên Bái

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h