Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Kinh tế

Cây Sơn tra - Cơ hội giảm nghèo và tiến tới làm giàu ở vùng cao Yên Bái

29/05/2016 10:15:24 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Từ một cây mọc tự nhiên ở các triền núi giờ đây cây Sơn tra đã trở thành một cây trồng chính, cây xóa đói giảm nghèo của đồng bào dân tộc 2 huyện vùng cao Mù Cang Chải và Trạm Tấu. Cây Sơn tra không chỉ là vị thuốc quý mà hiện nay đã trở thành cây chủ lực trong trồng rừng ở vùng cao Yên Bái.

Sơn tra với tên gọi dân dã là Táo mèo đã dần trở thành thương hiệu, một thứ đặc sản của Yên Bái.(Ảnh Báo Yên Bái)

Sơn tra - vị thuốc quý

Cây Sơn tra có quả màu xanh nhạt, khi chín có màu vàng, ửng đỏ, vị chua dịu, chát, ngọt nhẹ, mùi thơm đặc biệt quyến rũ, hấp dẫn. Sơn tra là một loài cây đa tác dụng, vừa có tác dụng phòng hộ, phủ xanh đất trống đồi núi trọc vừa cho thu hoạch quả có giá trị kinh tế cao. Đồng thời, trong đông y, Sơn Tra là một vị thuốc quý có tác dụng tiêu thực, chữa đầy bụng, ợ chua, cầm tiêu chảy, cải thiện sức co bóp của tim, giảm béo, hạ huyết áp, an thần cân bằng sinh lý và phòng chống tích cực các biến chứng do tăng huyết áp gây ra (Đỗ Tất Lợi, 2004). Nhóm nghiên cứu của viện Dược liệu thuộc Dự án Nông Lâm kết hợp cho sinh kế nông hộ nhỏ tại Tây Bắc Việt Nam (AFLI) do Cơ quan nghiên cứu Nông nghiệp Úc (ACIAR) tài trợ và Trung tâm Nghiên cứu Nông lâm Quốc tế (ICRAF) thực hiện tại Tây Bắc đã tiến hành nghiên cứu sâu về thành phần hóa học và bước đầu phân lập được 6 hợp chất (daucosterol, acid ursolic, acid oleanolic, Octacosanol, 3 - Tetracosen và βSitosterol), trong đó 3 hợp chất triterpenoid là acid ursolic, oleanolic, daucosterol chưa thấy công bố trong tài liệu nào trước đó đã chứng minh về mặt khoa học tác dụng dược lý của quả Táo mèo Docynia indica thu hái ở Việt Nam và phần nào giải thích được lợi ích của việc sử dụng chúng liên quan đến chống béo phì và hạ mỡ máu  (Nguyen Thi Bich Thu et al., 2015). Ngoài ra, Dự án còn nghiên cứu và chuyển giao để phát triển một số sản phẩm chế biến từ quả Sơn Tra đã tạo thêm cơ hội thị trường, nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm Sơn tra.

Lợi ích kép từ trồng cây Sơn tra

Ở tỉnh Yên Bái cây Sơn tra sống tự nhiên trên những cánh rừng ở những miền núi cao của huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải. Những năm trước đây, do chỉ thu hoạch quả Sơn tra trong tự nhiên và tình trạng thu hái quả non diễn ra phổ biến nên năng suất, chất lượng và thu nhập của người dân rất thấp.

Để phát triển kinh tế - xã hội bền vững tại 2 huyện Mù Cang Chải và Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái đã xác định cây Sơn Tra là một loại cây trồng truyền thống và là cây trồng mũi nhọn trong sản xuất nông lâm nghiệp của hai huyện, đồng thời đã xây dựng và ban hành nhiều chính sách để đầu tư cho phát triển sản xuất cây sơn tra.

Trong những năm gần đây, cây Sơn tra được đưa vào trồng hỗn giao trong rừng phòng hộ đã cho thu hoạch quả đem lại thu nhập cho người dân địa phương, từ đó cây Sơn tra được người dân quan tâm trồng, chăm sóc, bảo vệ phát triển. Theo kết quả điều tra, nghiên cứu, phân tích chuỗi giá trị các sản phẩm từ cây Sơn Tra tại tỉnh Yên Bái của Tiến sỹ Hồ Ngọc Sơn - Đại học Nông lâm Thái Nguyên năm 2015 cho thấy cây Sơn tra trồng đã cho trái ổn định sau 5-7 năm và thu nhập từ quả Sơn tra ngay tại vườn của người dân đạt tới 45 triệu/ha/năm.

Nhận thấy cây Sơn tra mang lại hiệu quả kinh tế cao nên những năm qua, huyện Mù Cang Chải và Trạm Tấu đã chỉ đạo các xã vận động nhân dân phát triển, mở rộng diện tích để vừa tăng thêm thu nhập vừa góp phần phủ xanh đất trống, bảo vệ môi trường sinh thái. Từ một cây mọc tự nhiên ở các triền núi giờ đây cây Sơn tra đã trở thành một cây trồng chính, cây xóa đói giảm nghèo của đồng bào dân tộc 2 huyện vùng cao này.

Trong thực tiễn trồng rừng những năm qua đã cho thấy khả năng phòng hộ, hạn chế cháy của cây Sơn tra tại huyện vùng cao Trạm Tấu và Mù Cang Chải. Ngoài là cơ cấu cây trồng quan trong trong lâm nghiệp, cây Sơn tra đã được Trung tâm Nghiên cứu Nông lâm Quốc tế (ICRAF) xác định là cây trồng quan trọng của hệ thống nông lâm kết hợp có tiềm năng lớn để phát triển tại các tỉnh Tây Bắc (Hoang Thi Lua et al., 2014). Mô hình Sơn tra - Cỏ chăn nuôi hay mô hình Sơn tra - Ngô - Cỏ chăn nuôi đã cho kết quả tốt tại Điện Biên, Sơn La và là một gợi ý hay, một giải pháp khả quan cho phát triển sản xuất nông nghiệp ở vùng cao Yên Bái, nhằm phát triển rừng gắn với phát triển kinh tế hộ gia đình bền vững.

Về tiềm năng phát triển cây Sơn tra trên địa bàn hai huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải là rất lớn. Sơn tra có thể trồng mới trên đất trống thuộc quy hoạch rừng phòng hộ và rừng sản xuất; có thể trồng bổ sung, cải tạo lại đối với diện tích rừng phòng hộ chất lượng thấp; có thể trồng lại và trồng bổ sung, làm giầu rừng đối với diện tích thiệt hại do cháy và do băng tuyết; trồng theo mô hình nông lâm kết hợp trên đất dốc để làm giảm sói mòn, rửa trôi.

Để phát huy tiềm năng, thế mạnh về rừng và đất lâm nghiệp, góp phần tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân tại vùng cao, nâng cao trách nhiệm quản lý bảo vệ rừng, hạn chế cháy rừng, những năm qua. Cùng với công tác đầu tư bảo vệ và phát triển vốn rừng, cây Sơn tra đã được tỉnh Yên Bái quan tâm đầu tư trồng bằng nhiều nguồn vốn khác nhau và bước đầu đã hình thành vùng trồng Sơn tra tương đối tập trung tại 2 huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải với tổng diện tích hiện có là 3.820 ha, diện tích đang cho thu hoạch quả là 980 ha, sản lượng bình quân trên 2.500 tấn quả/năm, mang lại thu nhập đáng kể cho người dân địa phương.

Phát triển bền vững và nâng cao giá trị cây Sơn tra

Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Yên Bái lần thứ XVIII và Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp tỉnh Yên Bái giai đoạn 2016 - 2020. Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng Đề án “Phát triển cây Sơn tra tại hai huyện vùng cao Trạm Tấu, Mù Cang Chải giai đoạn 2016 - 2020”, với mục tiêu trồng mới 6.200 ha Sơn tra để đến năm 2020 diện tích Sơn tra toàn tỉnh đạt 10.000 ha, sản lượng đạt 7.500 tấn (tăng 5.000 tấn so với năm 2015); góp phần bảo đảm an ninh môi trường, giảm nhẹ thiên tai, tăng khả năng sinh thuỷ, bảo tồn nguồn gen và tính đa dạng sinh học của động, thực vật rừng; tạo thêm việc làm cho người lao động, góp phần xoá đói giảm nghèo, nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong công tác nhận khoán bảo vệ rừng, hạn chế tối đa cháy rừng xảy ra trong mùa hanh khô hàng năm.

Để việc trồng Sơn tra đạt hiệu quả thì các cấp các ngành phải làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các quy định, quy trình kỹ thuật trong trồng, chăm sóc, bảo vệ rừng và thực hiện tốt các quy định của Nhà nước về rừng và đất lâm nghiệp như: Quy chế đầu tư xây dựng công trình lâm sinh, quy chế quản lý rừng... Và trước tiên phải chú trọng đến việc lựa chọn, sử dụng giống đảm bảo chất lượng; công tác lựa chọn nguồn giống và chế biến sản xuất cây giống thực hiện theo đúng quy trình kỹ thuật về chuỗi hành trình sản xuất giống cây trồng lâm nghiệp theo Quyết định số 89/2005/QĐ-BNN ngày 29/12/2005 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. 

Có như vậy trong tương lai, mô hình trồng Sơn Tra sẽ đem lại nguồn thu nhập cao, ổn định lâu dài, góp phần phát triển kinh tế vùng cao, nâng cao đời sống, ổn định tình hình kinh tế chính trị tại địa phương.

884 lượt xem
Nguyễn Tư Khoa: Sở NN&PTNT Yên Bái

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h