Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Chính trị

Giới trẻ “Nghĩ tích cực - Nói điều hay - Làm việc tốt”: Yếu tố quan trọng góp phần làm sạch môi trường mạng, tạo thành trì vững chắc bảo vệ đảng, bảo vệ chế độ, xây dựng đất nước văn minh, hạnh phúc

04/09/2024 17:29:54 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước, giữ nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, các thế hệ thanh niên Việt Nam đã phát huy vai trò, sứ mệnh, xứng đáng là những chủ nhân tương lai của đất nước. Song, thực tế hiện nay, do tác động của mặt trái cơ chế thị trường và mạng xã hội, có tình trạng một bộ phận giới trẻ suy thoái về đạo đức, lối sống; phai nhạt lý tưởng cách mạng, chạy theo chủ nghĩa cá nhân, không có tư tưởng cống hiến và phấn đấu vươn lên; thiếu ý thức chấp hành pháp luật; không quan tâm đến các giá trị tinh thần và truyền thống văn hoá tốt đẹp của dân tộc...

Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu luôn dành tình cảm, sự quan tâm, chăm lo giáo dục, bồi dưỡng các thế hệ thanh niên Việt Nam

Trong suốt chiều dài lịch sử dựng nước, giữ nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, các thế hệ thanh niên Việt Nam đã phát huy vai trò, sứ mệnh, xứng đáng là những chủ nhân tương lai của đất nước. Song, thực tế hiện nay, do tác động của mặt trái cơ chế thị trường và mạng xã hội, có tình trạng một bộ phận giới trẻ suy thoái về đạo đức, lối sống; phai nhạt lý tưởng cách mạng, chạy theo chủ nghĩa cá nhân, không có tư tưởng cống hiến và phấn đấu vươn lên; thiếu ý thức chấp hành pháp luật; không quan tâm đến các giá trị tinh thần và truyền thống văn hoá tốt đẹp của dân tộc...

Tình trạng thanh thiếu niên hư; tội phạm, tệ nạn xã hội trong giới trẻ hiện nay đã và đang diễn biến khá phức tạp.

Trong gia đình, có tình trạng con cái vô lễ, sống đòi hỏi, hưởng thụ, không tôn trọng, gắn bó, yêu thương cha mẹ.

Trong môi trường học đường, có tình trạng học sinh chán học, ham chơi; sa vào thói hư tật xấu (hút thuốc lá điện tử, sử dụng tiền chất ma túy/ma túy núp bóng đồ ăn thức uống...); vi phạm luật giao thông, trộm cắp, cờ bạc, bạo lực học đường (đánh nhau hội đồng; hành hung thầy, cô giáo...).

Những án mạng đau lòng; những cái chết “lãng xẹt” từ những cuộc bỏ nhà đi bụi chỉ vì “thích như thế”, do giận hờn vô cớ hoặc do bế tắc trong các mối quan hệ thầy - trò, bạn bè...

Những “tay cờ bạc gạo” mới ở lứa tuổi thiếu niên. Những con nợ “tín dụng đen” đang ngồi trên ghế nhà trường vì nghiện game, tài xỉu, cá độ trên mạng.

Những mối tình học sinh trong đồng phục Trung học cơ sở, Trung học phổ thông dập dìu sóng đôi vào nhà nghỉ, vô tư thể hiện tình cảm, thậm chí làm chuyện người lớn nơi công cộng...

Nhiều thanh thiếu niên, nhi đồng nghiện điện thoại, thể hiện mình là “anh hùng bàn phím”; trẻ em thì coi những “giang hồ mạng” là Idol (thần tượng) và rất hứng khởi, thích thú a dua, học theo những lời nói thiếu văn hóa, hành vi phản cảm... gây ra những hậu quả và hệ lụy khôn lường đối với chính bản thân cuộc đời các em, ảnh hưởng đến gia đình và môi trường văn hóa lành mạnh của nhà trường và xã hội.

Nguy hiểm hơn cả là một bộ phận giới trẻ suy thoái về đạo đức, lối sống; phai nhạt lý tưởng cách mạng, sống thực dụng, vô cảm, chạy theo chủ nghĩa cá nhân, dễ bị lợi dụng, lôi kéo, dao động, dễ dàng tin, cổ súy những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch... gây ảnh hưởng lớn đến tư tưởng chính trị, đời sống tâm lý của giới trẻ Việt Nam và bức xúc trong dư luận.

 Với tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, Đảng, Nhà nước ta đã phân tích, đánh giá một cách toàn diện, sâu sắc thực trạng và nguyên nhân trong nhiều văn kiện, chỉ thị, nghị quyết về công tác thanh niên và thế hệ trẻ.

Đảng ta đã nhận định: Công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hoá cho thế hệ trẻ còn những hạn chế, yếu kém. Tình trạng một bộ phận giới trẻ suy thoái đạo đức, lối sống, tội phạm, tệ nạn xã hội diễn biến phức tạp do nhiều nguyên nhân. Một trong những nguyên nhân là do các cấp uỷ Đảng, chính quyền, đoàn thể, cán bộ, đảng viên chưa làm tốt trách nhiệm chăm lo, bồi dưỡng, giáo dục và phát huy thế hệ trẻ; nội dung, hình thức dạy và học các môn lý luận chính trị, đạo đức, lối sống chưa thực sự phù hợp với từng đối tượng thế hệ trẻ” (Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24/3/2015 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015-2030).

Cùng với đó, “mặt trái của nền kinh tế thị trường; hành vi bạo lực xuất hiện ngày càng nhiều trong đời sống xã hội, trên phim, ảnh, Internet, sách, báo... (Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 04/12/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường, giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên) là những yếu tố đã trực tiếp tác động đến quá trình hình thành nhân cách, đạo đức, lối sống của giới trẻ hiện nay. Xét về cả chủ quan và khách quan, có những nguyên nhân đến từ đặc thù tâm lý lứa tuổi. Nhiều vụ việc hậu quả đáng tiếc đã xảy ra vì giới trẻ không được tư vấn, hỗ trợ kịp thời, dẫn đến bế tắc trong giải quyết những khó khăn, vướng mắc trong học tập và điều chỉnh tích cực các mối quan hệ xã hội.

Một thủ đoạn dễ nhận thấy nhất là: Phủ nhận những thành tựu đạt được của giáo dục và đào tạo Việt Nam; bịa đặt, bôi nhọ, xuyên tạc về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước để thông qua đó thực hiện âm mưu, thủ đoạn, mưu đồ thâm độc, xấu xa, phủ nhận những thành quả của đất nước, của dân tộc Việt Nam trong quá khứ, hiện tại và những thành tựu to lớn của công cuộc đổi mới đất nước do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng, lãnh đạo; phủ nhận vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế...

Họ cho rằng: Giáo dục Việt Nam là nền giáo dục áp đặt, chạy theo thành tích, một nền giáo dục với những áp lực học đường, không giống như nền giáo dục của các nước tiên tiến, văn minh trên thế giới.

Họ phiếm chỉ: Nền giáo dục như vậy sẽ chỉ tạo ra các thế hệ học sinh giống như “gà công nghiệp” bởi chương trình, kiến thức cồng kềnh, nặng nề, mang tính hình thức, nặng về thành tích, tính ứng dụng chưa cao, không chú trọng đào tạo đạo đức, kỹ năng, lối sống cho học sinh, để rồi dẫn đến tình trạng giới trẻ suy thoái về đạo đức, bạo lực học đường, những vụ án mà thủ phạm và nạn nhân đều chỉ đang ở tuổi thanh, thiếu niên.

Để “chứng minh”, họ lợi dụng, thổi phồng những hiện tượng, vụ việc tiêu cực, hạn chế, tồn tại, yếu kém trong giáo dục nước ta, thông tin sai lệch nhằm câu like, tăng sự hiếu kỳ; triệt để sử dụng mạng xã hội, ra sức tuyên truyền, tô vẽ, khuếch trương về một số nền giáo dục ở nước ngoài, lôi kéo tư tưởng “sùng ngoại, bài nội”.

Đáng nực cười, thậm chí có người chưa hề biết, chưa được trải nghiệm về giáo dục ở nước ngoài nhưng lại hết lời khen ngợi, tung hô đó là điểm đến lý tưởng, con đường tươi sáng để thế hệ trẻ Việt Nam có “điều kiện và cơ hội” làm “rạng rỡ tương lai, mở mang tiền đồ của đất nước”. Từ đó cổ súy cho tư tưởng muốn ra nước ngoài của giới trẻ; lôi kéo, mua chuộc, kích động tâm lý, tư tưởng, tình cảm để thanh niên Việt Nam học tập ở nước ngoài không trở về quê hương cống hiến, thậm chí phát ngôn nói xấu, chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ ta.

Một thủ đoạn rất thường gặp, là các thế lực cực đoan, thù địch, phản động luôn xác định đối tượng chủ yếu cần mua chuộc, lôi kéo, nhất là trên phương diện tư tưởng, tâm lý chính là giới trẻ. Từ đó điên cuồng chống phá, đặc biệt là lợi các dịp diễn ra các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước (nhất là các kỳ đại hội Đảng, đại hội Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh các cấp), những diễn biến đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội để tuyên truyền kích động...

Hình thức chủ yếu là tạo ra các diễn đàn trên mạng rất tinh vi, khó phân biệt đúng - sai, thật - giả, tác động trực tiếp vào tâm lý lứa tuổi là tò mò, thích khám phá, thích thể hiện nhằm thu hút nhiều người trẻ truy cập; đăng tải các tài liệu có nội dung phản động, thông tin lập lờ, suy diễn, không đúng bản chất, tung tin đồn nhảm, nêu vấn đề và định hướng bình luận theo hướng tiêu cực, gieo rắc tâm lý hoài nghi, chán nản, dẫn tới mất phương hướng chính trị.

Cùng với đó, một thủ đoạn nữa cũng khá phổ biến là hành vi tán phát, lan truyền ấn phẩm đồi trụy, bạo lực, cổ xúy lối sống thực dụng, hưởng thụ, xa hoa làm tha hóa con người, kích động ham muốn bản năng của giới trẻ dẫn đến lười học tập, làm việc, không nỗ lực vươn lên, ý chí tự lực, tự cường bị thui chột, khát vọng cống hiến mờ nhạt, thậm chí không xuất hiện trong tư duy, tình cảm của người trẻ tuổi ...

Khoa học công nghệ phát triển như vũ bão và bùng nổ thông tin đã làm thay đổi mạnh mẽ phương thức giao tiếp của con người. Bên cạnh tiện ích, mặt trái của mạng xã hội như con dao hai lưỡi tiềm ẩn những nguy hiểm, được các thế lực thù địch sử dụng là một phương tiện hữu hiệu để lôi kéo, tác động xấu đến tư duy, nhận thức, tâm lý giới trẻ, như “bóng ma vô hình” làm hoen ố tâm hồn, suy đồi đạo đức. Trong khi không phải ai cũng có đủ kỹ năng, kinh nghiệm, bản lĩnh và tỉnh táo để phân biệt được tốt - xấu, đúng - sai khi tiếp cận thông tin trên mạng xã hội. Vô hình chung, đã tạo điều kiện, cơ hội cho các phần tử cực đoan, phản động lợi dụng để xuyên tạc về nền giáo dục nước nhà, phủ nhận sự quan tâm, chăm lo của Đảng, Nhà nước, toàn xã hội giành cho giới trẻ.

Vấn đề đặt ra của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội và mỗi người dân là cần phải hết sức tinh tế, chủ động nắm bắt, dự báo tình hình tư tưởng, tâm trạng trong thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên, coi đây vừa là nhiệm vụ quan trọng, vừa là trách nhiệm, tình cảm và tâm huyết đối với thế hệ trẻ, để từ đó kịp thời phát hiện những lệch lạc để uốn nắn, tuyên truyền để giới trẻ hiểu bản chất những luận điệu sai trái và tích cực tham gia đấu tranh chống lại những âm mưu “diễn biến hoà bình” của các thế lực thù địch...

Trong khi các phần tử phản động, cực đoan và thế lực thù địch luôn lợi dụng, kích động, chống phá bằng cách nói xấu, xuyên tạc về nền giáo dục và thế hệ trẻ Việt Nam; cho rằng ở Việt Nam, nền giáo dục chương trình, kiến thức cồng kềnh, nặng nề, mang tính hình thức, nặng về thành tích, tính ứng dụng chưa cao, không chú trọng đào tạo đạo đức, kỹ năng, lối sống cho học sinh, từ đó dẫn đến tình trạng giới trẻ suy thoái về đạo đức, lối sống, bạo lực học đường và những tiêu cực trong xã hội...

Thì thực tế chứng minh ngược lại:

Ở Việt Nam, giáo dục và đào tạo luôn luôn được xác định là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của Đảng, Nhà nước và của toàn dân. Trong đó, giáo dục đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ là nhiệm vụ có tầm quan trọng đặc biệt. Trước hết, Trung ương đã ban hành một hệ thống văn bản hết sức đầy đủ với những quan điểm nhất quán, mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ, vừa mang tính cấp thiết, vừa mang tính lâu dài về phát triển giáo dục, đào tạo, về công tác thanh niên, về giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên, thế hệ trẻ, ở từng cấp học, ngành học. Những nội dung này đã được xác định rất rõ trong Nghị quyết Trung ương 8 khóa XI (Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 04/11/2013) của Đảng ta “về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”.

 

 

Đảng, Nhà nước ta luôn dành sự quan tâm sâu sắc, đặc biệt tới thanh niên và công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ.

Công tác thanh niên luôn được xác định là nhiệm vụ ưu tiên đặc biệt của cả hệ thống chính trị. Luôn đánh giá đúng vị trí, vai trò quan trọng của giới trẻ, đặt niềm tin vào giới trẻ, thường xuyên chăm lo, giáo dục, bồi dưỡng và tạo điều kiện thuận lợi cho thanh niên phấn đấu để hình thành một thế hệ con người mới có lý tưởng cao đẹp, có ý thức trách nhiệm công dân, có tri thức, có sức khỏe, lao động giỏi, sống có văn hóa và tình nghĩa, giàu lòng yêu nước và tinh thần quốc tế chân chính, giáo dục, bồi dưỡng tổ chức thanh niên thành lực lượng hùng hậu, trung thành, kế tục sự nghiệp của Đảng và đất nước.

 

 

Công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ luôn được quan tâm đặc biệt, có nhiều văn bản quan trọng, như: Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 42 - CT/TW ngày 24/3/2015 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ giai đoạn 2015-2030.

Thủ tướng Chính phủ ban hành chỉ thị về tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên (Chỉ thị số 31/CT-TTg ngày 04/12/2019); Quyết định phê duyệt Chương trình "Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên, nhi đồng giai đoạn 2021-2030" (Quyết định số 1895/QĐ-TTg ngày 11/11/2021)...

 

Đảng, Nhà nước ta luôn dành sự quan tâm sâu sắc, đặc biệt tới thanh niên và công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thế hệ trẻ

 

Các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về công tác thanh niên và giáo dục thế hệ trẻ đã được triển khai nghiêm túc, đồng bộ trong các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương, các địa phương từ tỉnh đến cơ sở trên phạm vi cả nước, đạt nhiều kết quả và thành tựu đáng ghi nhận.

Cùng với đó, ngày càng hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao chất lượng công tác quản lý nhà nước về thanh thiếu nhi. Nội dung, hình thức, phương pháp giáo dục chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đạo đức, lối sống cho thế hệ trẻ thường xuyên được đổi mới, nhất là ở các địa phương.

Tăng cường và đổi mới nội dung, phương pháp các hoạt động giáo dục, các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước, tạo môi trường lành mạnh, động viên, khích lệ thế hệ trẻ không ngừng rèn luyện, trưởng thành, hình thành lý tưởng cách mạng, nhân cách, đạo đức cao đẹp, lối sống nghĩa tình, tuân thủ luật pháp.

 

 

Trong suốt quá trình lịch sử cách mạng Việt Nam, dù ở giai đoạn nào thì thế hệ trẻ vẫn luôn được xác định và bồi dưỡng để trở thành lực lượng xung kích, tiên phong, đặc biệt là trong sự nghiệp đổi mới và xây dựng Tổ quốc hôm nay.

Cụ thể hóa tư tưởng xuyên suốt ấy, trong nhiều năm qua, Đảng ta đã quan tâm giáo dục, nuôi dưỡng và chăm lo ngày càng tốt hơn cho lớp thế hệ trẻ Việt Nam. Giáo dục và hình thành được lối tư duy tích cực, cách sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình, và xã hội trong phần lớn thanh niên, thiếu niên, nhi đồng. Ở các bạn trẻ những ước mơ, hoài bão đã được hiện thực hóa và trau dồi bằng kiến thức sách vở cũng như kiến thức thực tế, kỹ năng sống; và còn rèn luyện cho mình được sức khỏe tốt, lối sống nhiệt huyết năng động; sáng tạo, đổi mới trong một tinh thần luôn lạc quan, yêu đời, khát vọng cống hiến, dấn thân trong môi trường học tập, lao động, công tác cũng như những hoạt động vì cộng đồng.

Để củng cố lực lượng, nguồn lực đảm bảo cho công cuộc kiến thiết, gìn giữ đất nước hôm nay, Đảng ta, Nhà nước ta, nhân dân ta lại càng dành sự quan tâm, tin tưởng và đặt nhiều kỳ vọng với thế hệ trẻ Việt Nam. Bản thân thế hệ trẻ Việt Nam cũng luôn xác định được trách nhiệm, sứ mệnh của mình, sẵn sàng cống hiến, dấn thân với vai trò tiên phong trong sự nghiệp cách mạng, đổi mới, kiến thiết đất nước hôm nay để xứng đáng với sự tin cậy, yêu quý của Đảng, Nhà nước và Nhân dân đã dành cho thế hệ trẻ khi hình thành được tư duy tích cực, sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình, có ước mơ, hoài bão, kiến thức, kỹ năng, năng động, sáng tạo, có sức khỏe tốt, lạc quan, tự tin, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Lịch sử dải đất hình chữ S anh hùng cũng đã ghi danh nhiều tấm gương, điển hình tiên tiến của giới trẻ anh hùng trong chiến đấu, nhiệt huyết trong lao động, đổi mới, sáng tạo và miệt mài trong học tập và công tác. Trong cuộc sống hôm nay, càng ngày càng xuất hiện nhiều tấm gương, điển hình tiên tiến là giới trẻ - những tấm gương bình dị hàng ngày nhưng cũng thật cao quý với những việc tử tế, góp phần làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn.

Luôn là lực lượng xung kích, hăng hái, tiền phong trong thực hiện các mục tiêu, chương trình hành động của sự nghiệp đổi mới, Thanh niên Việt Nam đã cụ thể hóa sứ mệnh của mình thông qua việc tổ chức và triển khai sáng tạo, hiệu quả 2 phong trào lớn trong thanh niên là phong trào "Thanh niên lập nghiệp" và phong trào "Tuổi trẻ giữ nước". Những phong trào này đã cụ thể hóa thông qua các chương trình hành động về lập thân, lập nghiệp, xây dựng đất nước, bảo vệ Tổ quốc, nâng cao dân trí, bồi dưỡng tài năng trẻ, phát triển văn hóa, thể thao, công tác xã hội và bảo vệ môi trường. Hàng triệu thanh niên đã tích cực tham gia và cống hiến cho Tổ quốc.

Trong khi các thế lực thù địch luôn lợi dụng giới trẻ là một mục tiêu chống phá, chúng cho rằng, nhiều người trẻ Việt Nam sống thờ ơ, vô cảm trước thời cuộc, “nhạt Đảng, khô Đoàn, phai nhạt lý tưởng” thì trên thực tế toàn toàn ngược lại.

Rất nhiều bạn trẻ đã được bồi đắp lý tưởng, phấn đấu rèn luyện để được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam từ khi còn ở trường phổ thông. Mặc dù trong thời bình, nhưng nhiều thanh niên vẫn tự nguyện lên đường nhập ngũ, thể hiện ý chí và trách nhiệm công dân đối với Tổ quốc.

Nhiều bạn trẻ mong muốn được rèn luyện kỹ năng, trưởng thành trong môi trường quân đội, qua đó cống hiến sức trẻ cho sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, thể hiện quyết tâm dấn thân, sẵn sàng cống hiến khi Tổ quốc cần đến sự phục vụ của mình. Nhiều bạn trẻ đã được kết nạp vào Đảng trước khi nhập ngũ, góp phần tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với lực lượng vũ trang, sẽ là nguồn cán bộ nòng cốt của lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên, bổ sung nguồn cán bộ đủ năng lực, trình độ, phẩm chất chính trị cho địa phương, cơ sở sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự. Tinh thần sẵn sàng phục vụ Tổ quốc của lớp trẻ hôm nay là niềm tự hào và động lực quan trọng để xây dựng nền quốc phòng toàn dân ngày càng vững mạnh.

Không phải tự nhiên mà ngày càng có nhiều bạn trẻ đã lựa chọn các ngành lý luận Mác - Lê nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, các chuyên ngành xây dựng Đảng, công tác tư tưởng của Đảng để đăng ký nguyện vọng thi đại học và theo học.

Thật trân quý những bạn trẻ xung phong đến công tác tại vùng biên giới, hải đảo, những công nhân, nông dân thời đại mới, những bác sỹ, kỹ sư, những nhà khoa học, nghệ sỹ và biết bao học sinh, sinh viên đã làm rạng danh đất nước, để Việt Nam “sánh vai với các cường quốc năm Châu” như Bác Hồ kính yêu hằng mong muốn.

Như đã đề cập ở phần đầu bài viết, hiện nay, tình trạng thanh thiếu niên hư; tội phạm và tệ nạn xã hội trong giới trẻ diễn biến khá phức tạp. Trong gia đình, có tình trạng con cái vô lễ, sống đòi hỏi, hưởng thụ, không tôn trọng, gắn bó, yêu thương cha mẹ. Nhiều thanh thiếu niên, nhi đồng nghiện điện thoại, thể hiện mình là “anh hùng bàn phím”; trẻ em thì coi những “giang hồ mạng” là Idol (thần tượng) và rất hứng khởi, thích thú a dua, học theo những lời nói thiếu văn hóa, hành vi phản cảm... gây ra những hậu quả và hệ lụy khôn lường đối với chính bản thân cuộc đời các em, ảnh hưởng đến gia đình và môi trường văn hóa lành mạnh của nhà trường, xã hội.

Những hành vi ấy đến từ những suy nghĩ, nhận thức, tư duy lệch lạc. Cho dù ở góc độ khách quan khi các em là nạn nhân hay chủ quan khi các em trở thành thủ phạm, thì đây vẫn là những đứa trẻ cần được bảo vệ, chăm sóc và giúp đỡ. Sự việc không chỉ gây ra nỗi đau cho bản thân gia đình các em, mà cũng là nỗi đau chung, niềm trăn trở trong cả cộng đồng.

Trẻ em cần được lớn lên trong một môi trường an toàn, được yêu thương và nuôi dưỡng, không phải chịu đựng những tổn thương tinh thần và thể xác. Điều đáng buồn hơn là trong nhiều trường hợp, chính những người thân trong gia đình, những người mà trẻ em tin tưởng và kỳ vọng, lại trở thành những kẻ gây ra những hành vi tàn ác. Thay vì là những người gương mẫu, ứng xử chuẩn mực, họ lại có những hành vi mà cả xã hội lên án, thậm chí trở thành những kẻ giết người. Điều này làm cho vết thương tinh thần của các nạn nhân càng trở nên sâu sắc.

Xã hội cần phải lên tiếng mạnh mẽ, kêu gọi gia đình phải là nơi bảo vệ, chăm sóc và nuôi dưỡng các em, không được trở thành môi trường gây ra những hành vi bạo lực, tội ác. Bảo vệ trẻ em khỏi bạo lực gia đình là trách nhiệm của cả xã hội, đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của các cơ quan, tổ chức và mỗi người dân.

Một lần nữa chúng ta cần có cái nhìn toàn diện về mối quan hệ Gia đình - Nhà trường - Xã hội. Vì trên thực tế, rất nhiều trường hợp có con hư đã không ngần ngại đổ lỗi cho nhà trường, cho xã hội, cho sự phát triển của công nghệ thông tin, cho sự bùng nổ của mạng xã hội... mà quên rằng, gia đình mới chính là nơi nuôi dưỡng, bồi đắp, giáo dục nhân cách, thái độ sống cho các con; phụ huynh học sinh phải gương mẫu, phải là người đầu tiên thay đổi tích cực, đồng thời, là người dẫn dắt con em mình để hằng ngày, con đường từ nhà đến trường thực sự là con đường hạnh phúc.

Trong một gia đình mà ở đó các thành viên luôn hòa thuận, tôn trọng, bình đẳng, yêu thường, chia sẻ; vợ chồng chung thủy, nghĩa tình; ông bà, cha mẹ luôn gương mẫu, yêu thương, gần gũi, quan tâm, chăm sóc con cháu; anh chị em hòa thuận; con cái luôn được dạy dỗ, uốn nắn về lòng hiếu thảo, lễ phép... thì chắc chắn rằng gia đình đó sẽ là môi trường lý tưởng, nuôi dưỡng, giáo dục nên những đứa trẻ ngoan.

Trong một ngôi trường mà ở đó yếu tố con người luôn được coi trọng và đặt lên hàng đầu, luôn có sự gắn kết chặt chẽ giữa gia đình - nhà trường - xã hội trong giáo dục, chăm sóc học sinh... thì chắc chắn rằng ngôi trường đó sẽ là môi trường lý tưởng giáo dục, nuôi dưỡng, bồi đắp nên thế hệ trẻ phát triển toàn diện về Đức - Trí - Thể - Mỹ.

Trong một xã hội mà mỗi người luôn nghĩ tích cực, nói điều hay, làm việc tốt; mỗi gia đình thực sự là tế bào khỏe mạnh thì chắc chắn sẽ làm cho xã hội ngày càng trong sạch và tốt đẹp. Khi hạn chế được những thông tin, hình ảnh tiêu cực về giới trẻ trên không gian mạng, sẽ không còn cơ hội cho các phần tử cực đoan, thế lực phản động lợi dụng, xuyên tạc về thế hệ trẻ và nền giáo dục Việt Nam.

 

 

Cùng với phát triển giáo dục, đào tạo, công tác thanh niên luôn được xác định là nhiệm vụ ưu tiên đặc biệt của cả hệ thống chính trị

 

Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, một thực tế không thể phủ nhận là chiếc điện thoại thông minh, Ipad... đã can thiệp và tác động quá sâu vào hạnh phúc gia đình, làm lỏng lẻo mối quan hệ giữa các thành viên, ảnh hưởng và thậm chí tác động tiêu cực đến quá trình hình thành nhân cách, lối sống của con người từ khi còn là đứa trẻ. Những vật dụng ấy không có lỗi. Lỗi là do chính người sử dụng nó.

Thật xót xa khi chứng kiến hình ảnh em bé chưa đầy 2 tuổi đã nghiện Smartphone (điện thoại thông minh) vô thức gạt gạt tay ngay cả khi không cầm điện thoại. Đó chỉ là một trong số rất ít những hệ lụy mà người lớn đã mang đến cho trẻ em khi dùng điện thoại thông minh, Ipad... để “mua” sự yên lặng, “mua” trật tự và sự rảnh rang cho mình... Hay trường hợp tại 1 tỉnh vùng cao Đông Bắc, thật đau lòng trước hình ảnh bé trai chưa đầy 5 tuổi vẫn bình thản xem điện thoại trong khi bố đang bạo hành dã man với người mẹ của mình ngay bên cạnh, clip này được lan truyền và chia sẻ rất nhiều trên mạng xã hội... Người lớn chúng ta nghĩ gì khi chứng kiến những điều đó, hay chỉ là thói quen lướt mạng để xem những tin tức giật gân, nóng hổi để thỏa mãn nhu cầu giải trí và tâm lý tò mò mà thôi?

Thật đáng buồn trước những trường hợp giới trẻ phát ngôn không chuẩn mực, lệch lạc trên mạng xã hội, gây phẫn nộ trong dư luận; tuy chỉ cá biệt, dù là vô tình, bột phát hay là cố ý hoặc bị xúi giục, lôi kéo nhưng những trường hợp như vậy vừa đáng giận, vừa đáng thương; hậu quả để lại hết sức nặng nề mà người gánh chịu đầu tiên lại chính là bản thân và gia đình các em.

Đã có rất nhiều giải pháp được nêu ra trong giáo dục đạo đức cho giới trẻ hiện nay, song qua bài viết này, chúng tôi chỉ muốn gửi một lời nhắn thiết tha tới các bậc phụ huynh và người lớn trong mỗi gia đình Việt về một thói quen:

Trong xu thế phát triển của công nghệ hiện đại, việc sử dụng các thiết bị điện tử như điện thoại thông minh (smart phone) hay, máy tính bảng (Ipad) đã trở thành một phần không thể tách rời trong cuộc sống hằng ngày. Tuy nhiên, các thiết bị này có thể trở thành "rào cản" trong việc xây dựng và duy trì các mối quan hệ lành mạnh trong gia đình nếu không được sử dụng một cách hợp lý. Nếu con người sử dụng quá độ và không kiểm soát có thể can thiệp thì chính các thiết bị này sẽ tác động quá sâu vào cuộc sống và hạnh phúc gia đình. Điều dễ nhận thấy nhất là chúng làm lỏng lẻo mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình, ảnh hưởng và thậm chí tác động tiêu cực đến quá trình hình thành nhân cách, lối sống của con người từ khi còn là đứa trẻ.

Những vật dụng ấy tự thân không có lỗi, có chăng lỗi là do chính những người sử dụng. Vậy nên, người lớn chúng ta cần có ý thức và trách nhiệm trong việc quản lý, giám sát, hướng dẫn con em sử dụng các thiết bị công nghệ một cách hợp lý.

Hãy dành thời gian chất lượng để tương tác, giao tiếp, xây dựng tình cảm gia đình. Chỉ khi đó, các thiết bị công nghệ mới thực sự trở thành công cụ hỗ trợ tích cực, chứ không phải là "rào cản" cản trở sự phát triển lành mạnh của trẻ em.

Hãy thực sự thông minh khi sử dụng điện thoại thông minh, để đây là một công cụ chúng ta khai thác và sử dụng vì một cuộc sống thông minh hơn theo đúng nghĩa của nó.

Hãy dành thời gian hiếm hoi sau những giờ làm việc mệt nhọc để vợ chồng, con cái, người thân trong gia đình gần gũi, gắn kết, yêu thương, chia sẻ.

Hãy cất điện thoại vào một chỗ, để dành đôi mắt mình trao ánh nhìn yêu thương; để dành đôi tay mình chăm sóc cho con cái, người thân; để dành tâm trí mình cho những điều tốt đẹp, quý giá trong mái ấm gia đình.

Mỗi một gia đình hạnh phúc, bình yên với những cá nhân luôn nghĩ tích cực, nói điều hay, làm việc tốt sẽ góp một viên gạch xây nên nền tảng vững chãi của một xã hội bình yên, tốt đẹp, tạo thành trì đạo đức bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ, xây dựng đất nước văn minh, hạnh phúc./.

Hồng Thanh Tâm - Thanh Bình

14677 lượt xem

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h