Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Chính trị

Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên huấn Trung ương, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương Đảng nhân dân cách mạng Lào thăm một số mô hình phát triển nông nghiệp theo chuỗi giá trị tại huyện Trấn Yên

13/11/2024 17:16:16 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Tiếp tục chương trình công tác tại tỉnh Yên Bái, chiều 13/11, Đoàn công tác của đồng chí Khăm Phăn Phởi Nha Vông - Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên huấn Trung ương, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương Đảng nhân dân Cách mạng Lào đã đi tham quan, khảo sát một số mô hình phát triển nông nghiệp theo chuỗi giá trị tại huyện Trấn Yên.

Đoàn công tác thăm dây chuyền chế biến kén tằm của Công ty dâu tằm tơ Yên Bái tại xã Báo Đáp, huyện Trấn Yên.

Cùng đi với đoàn có đồng chí Trần Huy Tuấn - Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái; lãnh đạo sở Sở Kế hoạch Đầu tư, Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng HĐND tỉnh và huyện Trấn Yên.

 

Đoàn công tác thăm quan Hợp tác xã Dâu tằm Hạnh Lê và Hợp tác xã Dâu tằm Việt Thành ở thôn Trúc Đình, xã Việt Thành.

Đồng chí Khăm Phăn Phởi Nha Vông -  Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên huấn Trung ương, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương Đảng nhân dân Cách mạng Lào cùng Đoàn công tác đã đi thăm cánh đồng dâu tại thôn Lan Đình và Hợp tác xã Dâu tằm Hạnh Lê và Hợp tác xã Dâu tằm Việt Thành ở thôn Trúc Đình, xã Việt Thành. Toàn xã Việt Thành hiện có 230 ha dâu, trong đó vùng sản xuất tập trung 200 ha, tại khu vực sản xuất của thôn Lan Đình và thôn Trúc Đình. Xã có 252 hộ trồng dâu, nuôi tằm, 3 hợp tác xã dâu tằm, 40 tổ hợp tác, 3 chuỗi liên kết sản xuất với Công ty Cổ phần Dâu tằm tơ Yên Bái; sản lượng kén tằm đạt gần 500 tấn/năm, doanh thu mỗi năm  gần 100 tỷ đồng. Được hỗ trợ thực hiện chuỗi liên kết sản xuất theo Nghị quyết 69 của HĐND tỉnh giai đoạn 2021-2025, chính sách hỗ trợ sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản, HTX Dâu tằm Hạnh Lê ở thôn Trúc Đình đã mở rộng diện tích trồng dâu kinh doanh 2,5 ha; cơ sở nuôi tằm con có diện tích 150m2, xây dựng đầu năm 2023. Mỗi năm, thu nhập từ tằm khoảng trên 600 triệu đồng, trừ chi phí đầu tư, công, trứng tằm… còn lợi nhuận 300 triệu đồng.

Tiếp đó, đồng chí Khăm Phăn Phởi Nha Vông cùng Đoàn công tác đã đến điểm tham quan mô hình dệt thủ công và giới thiệu các sản phẩm chủ lực, sản phẩm OCOP tại thôn Lan Đình, xã Việt Thành, huyện Trấn Yên. Thăm Nhà máy chế biến kén tằm của Công ty Dâu tằm tơ Yên Bái tại xã Báo Đáp. Hiện nhà máy đã hoạt động hai dây chuyền ươm tơ với công suất 150 tấn/năm. Sản phẩm tơ tằm sau chế biến sẽ được xuất khẩu sang thị trường Ấn Độ, Nhật Bản và các nước Châu Âu. Công ty đã đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho gần 100 lao động địa phương. Nguồn nguyên liệu kén để sản xuất chủ yếu thu mua tại huyện Trấn Yên và các huyện trong tỉnh. Với quy mô thiết kế, Nhà máy có thể thu mua toàn bộ số lượng kén của các hộ nuôi tằm trong huyện thông qua việc ký hợp đồng với các HTX và thương lái với giá ổn định.

 

Công ty Dâu tằm tơ Yên Bái tạo việc làm cho 100 lao động địa phương. 

Ngoài ra, Công ty cũng là đơn vị kết nối, giới thiệu các đơn vị cung ứng trứng tằm giống, vật tư nuôi tằm cho các HTX và các hộ nuôi tằm trong huyện; hướng dẫn kỹ thuật cho người nuôi tằm để nâng cao chất lượng kén. Hiện nay, Công ty đã ký hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm với 8 HTX ở các địa phương, ký kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm bà con làm ra. 

Toàn huyện Trấn Yên hiện có gần 1.000 ha dâu, sản lượng kén tằm 1.500 tấn/năm, giá trị trên 300 tỷ đồng.Về mô hình liên kết chế biến tiêu thụ sản phẩm, huyện Trấn Yên hiện có 15 hợp tác xã, 100 tổ hợp tác với trên 1.000 thành viên. Các Hợp tác xã, tổ hợp tác tham gia 12 chuỗi liên kết với Công ty Dâu tằm tơ Yên Bái sản xuất ươm tơ tự động với 6 giàn máy, công suất 150 tấn sản phẩm/năm. Giá trị bình quân đạt từ 300 - 330 triệu đồng/ha/năm. Huyện phấn đấu đến năm 2025 quy mô vùng trồng dâu nuôi tằm găn với liên kết chuỗi bền vững 1.200 ha, sản lượng kén tằm trên 2.000 tấn, giá trị thu trên 360 tỷ đồng. Tập trung phát triển nghề trồng dâu gắn với mô hình du lịch nông thôn, mô hình di lịch trải nghiệm trồng dâu nuôi tằm - ươm tơ dệt lụa, tạo ra các sản phẩm lụa, khăn tơ tằm.

Qua đi thăm, kiểm tra các mô hình phát triển kinh tế tại huyện Trấn Yên, đồng chí Khăm Phăn Phởi Nha Vông ghi nhận, đánh giá cao các doanh nghiệp, Hợp tác xã và các hộ gia đình của huyện Trấn Yên đã rất năng động trong phát triển kinh tế; chủ động đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật; thực hiện chuỗi liên kết trong sản xuất, đầu ra cho các sản phẩm hàng hóa mang lại giá trị kinh tế cao, góp phần đóng góp cho ngân sách cũng như giải quyết lao động việc làm cho người dân địa phương.

Đồng chí tin tưởng các doanh nghiệp, HTX và các hộ gia đình sẽ vượt qua được những khó khăn do cơn bão số 3 gây ra và tiếp tục phương thức sản xuất, kinh doanh, tiếp cận thị trường trong nước và nước ngoài nhằm thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa hiệu quả hoạt động.

Đồng chí đánh giá cao tỉnh Yên Bái đã ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ giúp người nông dân trong phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản; tạo điều kiệu giúp các doanh nghiệp thúc đẩy phát triển mở rộng sản xuất, kinh doanh. Tỉnh đã có nhiều chính sách tăng cường mời gọi thu hút nhà đầu tư triển khai các dự án, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế, góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân. Những kinh nghiệm từ việc thực hiện các mô hình liên kế chuỗi trong sản xuất nông nghiệp tại huyện Trấn Yên và tỉnh Yên Bái sẽ được Đoàn công tác tiếp thu và triển khai tại một số địa phương ở Lào trong thời gian tới.

475 lượt xem
Thanh Thủy

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h