Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin Sở, Ngành, Địa phương >> Kinh tế

Trạm Tấu mùa thơm khoai sọ

24/09/2021 07:32:10 Xem cỡ chữ Google
Anh Giàng A Cho - thôn Khấu Ly, xã Bản Mù chia sẻ: "Trước đây nghe cán bộ nói trồng khoai sọ để làm giàu thì buồn cười lắm, vì nghĩ cây khoai sọ ở đây trồng bao đời rồi, giàu được chả đến lượt mình...". Bây giờ thì "... Mở điện thoại ra thấy người người ở phố huyện mình đăng bán khoai sọ trên Zalo, Facebook. Bảo sao mấy năm nay khoai sọ Bản Mù làm đến đâu hết đến đấy, lại được giá cao. Vậy là, năm nay mình cứ yên tâm trồng...".

Lãnh đạo huyện Trạm Tấu kiểm tra mô hình trồng khoai sọ ở xã Bản Mù.

Trước đây, Bản Mù cũng như nhiều những bản làng vùng cao khác của huyện Trạm Tấu, người dân sản xuất nông nghiệp mang nặng tính tự cung tự cấp, làm chỉ cần đủ ăn nên khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới với nhiều thành tựu đáng tự hào thì Bản Mù nói riêng, huyện Trạm Tấu nói chung vẫn có chỉ số hộ nghèo rất cao, thậm chí có thời điểm lên đến trên 70%.

Với quyết tâm đánh thức tài nguyên và để người dân có cuộc sống ấm no hạnh phúc hơn, thực hiện sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Huyện ủy, Đảng ủy, chính quyền xã Bản Mù đã vận động nhân dân chuyển đổi sản xuất, đưa cây trồng có năng suất, chất lượng cao lên nương ruộng biến sản phẩm nông nghiệp thành hàng hóa, giúp người dân thoát nghèo bền vững, trong đó có cây khoai sọ, một loại cây trồng vốn rất thân thuộc với nương ruộng Bản Mù nay là sản phẩm OCOP mang thương hiệu riêng của Trạm Tấu.

Anh Giàng A Cho - thôn Khấu Ly, xã Bản Mù chia sẻ: "Trước đây nghe cán bộ nói trồng khoai sọ để làm giàu thì buồn cười lắm, vì nghĩ cây khoai sọ ở đây trồng bao đời rồi, giàu được chả đến lượt mình, nhưng năm ngoái gia đình trồng được khoảng 350 m2 khoai sọ đến khi thu hoạch thấy tư thương lên tận bản mua với giá 15.000 đồng/1kg, tổng thu được 7 triệu đồng. So với diện tích trồng lúa nương trước đây thì cây khoai sọ tăng gấp 4 lần, vì vậy năm nay gia đình mình đã mạnh dạn trồng 2.500 m2 khoai sọ nương, đến nay khoai sinh trưởng và phát triển tốt nếu khí hậu thuận lợi thì gia đình có thể thu nhập từ 55 - 60 triệu đồng”. 

Anh Cho kể về cái duyên với cây khoai sọ rồi cười lớn. Thực tế, trước đây gia đình anh Cho trồng khoai sọ chỉ để phục vụ cho bữa ăn gia đình, thi thoảng mang xuống chợ huyện bán, tự định giá chỉ 10.000 đồng/kg. 

Vài năm trở lại đây, thấy mọi người lên bản mua khoai sọ anh cũng chả để tâm, nghĩ người ta thích ăn của lạ chắc được vài bữa, nhưng khi nghe cán bộ huyện, xã về tận thôn bản tuyên truyền khoai sọ Trạm Tấu đã có thương hiệu là sản phẩm OCOP được nhiều người trong và ngoài tỉnh ưa chuộng, thậm chí các siêu thị còn đặt hàng thì anh Cho bất ngờ lắm. 

"Đúng là thời đại của công nghệ bốn chấm không, năm chấm không gì gì đó, mở điện thoại ra thấy người người ở phố huyện mình đăng bán khoai sọ trên Zalo, Facebook. Bảo sao mấy năm nay khoai sọ Bản Mù làm đến đâu hết đến đấy, lại được giá cao. Vậy là, năm nay mình cứ yên tâm trồng, hy vọng có nguồn thu nhập bền vững từ khoai sọ” - anh Cho giãi bày.

Chung niềm vui với gia đình anh Giàng A Cho, đồng bào Mông xã Bản Mù năm nay đã trồng 28ha khoai sọ trên đất nương ruộng - con số vượt 3 lần so với thời điểm những năm trước. Nghe có vẻ như rất mạo hiểm, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hoành hành hiện nay, nhưng mọi chuyện dường như được dự liệu trước. 

Đồng chí Hoàng Văn Đông - Bí thư Đảng ủy xã Bản Mù chia sẻ: "Khí hậu Bản Mù lạnh, thích hợp trồng khoai sọ; đồng bào Bản Mù có kinh nghiệm thu hoạch và bảo quản, thời gian thu hoạch bắt đầu từ tháng 9 và có thể kết thúc sau 1 đến 2 tháng nhưng cũng có thể tùy vào số lượng thu mua để thu hoạch dần dần. Hiện, dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp nhưng ở các tỉnh miền Bắc hàng hóa vẫn lưu thông, Yên Bái mình vẫn là vùng an toàn nên chúng tôi cũng yên tâm!”.

Cũng như ở Bản Mù, năm 2021 xã Xà Hồ đưa vào trồng 37 ha khoai sọ, vượt 4ha so với kế hoạch giao. Một "cuộc chơi” mạo hiểm trên "sàn kinh tế” như cách nói của Bí thư Chi bộ thôn Trống Khua, xã Xà Hồ - Hờ A Lử là rất dễ phải tổ chức "lễ hội ném khoai” nếu không có đầu ra bền vững. Cũng vì trăn trở này mà những ngày đầu năm khi thấy chỉ tiêu giao diện tích trồng khoai sọ của Trống Khua, Bí thư Lử không tránh khỏi hoang mang: "Vận động dân trồng nhiều sợ lúc không bán được, dân sẽ trách Bí thư Chi bộ đầu tiên và quan trọng là sau này nói thì ai nghe!”. 

Có lẽ cũng bởi vậy mà chính anh và đảng viên trong Chi bộ lúc đầu còn rụt rè không dám đăng ký. Về nhà giãi bày âu lo cùng vợ, vợ anh thông tin mùa năm ngoái hết khoai rồi mà vẫn nhiều người dưới phố huyện tìm mua. Vừa rồi đi chợ đã thấy có người dặn nhau vào mùa nhớ để phần khoai sọ… Có thông tin từ vợ cũng như tìm hiểu lại thực tế việc trồng khoai sọ trên địa bàn những năm qua, Bí thư Lử và đảng viên trong Chi bộ cùng quyết tâm triển khai thực hiện. Kế hoạch đã được đông đảo người dân ủng hộ. 

Sự phát triển của mạng xã hội đã đóng góp rất lớn cho sự phát triển các thương hiệu nông sản vùng cao, trước đây nhiều người chưa biết đến các sản vật của Trạm Tấu nhưng giờ đã khác. Ngày nay sự phát triển của truyền thông cộng hệ thống bán hàng online đã giúp nông sản Trạm Tấu vươn xa. 

Người dân xã Xà Hồ thu hoạch khoai sọ. 

Sau khi khoai sọ Trạm Tấu được chứng nhận là sản phẩm OCOP, huyện đã quyết định nâng tầm thương hiệu sản phẩm, trước hết là yêu cầu Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Hỗ trợ dịch vụ nông nghiệp huyện hướng dẫn đồng bào lựa chọn những khu đất, thửa ruộng thích hợp với cây khoai sọ; lựa chọn vùng đất rộng để thâm canh với diện tích lớn, tạo điều kiện thuận lợi cho chăm sóc và thu hoạch. 

Bên cạnh đó, các ngành chức năng hướng dẫn người dân áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, đảm bảo năng suất đi đôi với chất lượng, vận động người dân thu hoạch lúc khoai đạt tiêu chuẩn để đảm bảo chất lượng cao nhất. 

Ông Vũ  Lê Chung Anh - Chủ tịch UBND huyện Trạm Tấu cho biết: "Khoai sọ Trạm Tấu đã được xác lập quyền bảo hộ sở hữu trí tuệ, vì vậy huyện tiếp tục rà soát việc mở rộng diện tích trồng khoai sọ nương tại các xã: Bản Mù, Bản Công, Xà Hồ, Trạm Tấu, Túc Đán, phấn đấu đến năm 2025 đạt trên 1.000ha/ năm; xây dựng chuỗi tiêu thụ sản phẩm và khoai sọ nương được xếp hạng sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên”.

Mùa khoai sọ năm 2021 ở Trạm Tấu đang bắt đầu vào vụ thu hoạch. Hiện nay, giá dao động từ 16.000 đồng đến 18.000 đồng/kg. Hợp tác xã Hưng Thùy là đầu mối thu mua lớn nhất huyện, những ngày này tấp nập bán mua từ sáng đến tối. 

Chị Nguyễn Thị Thùy - Chủ nhiệm HTX Hưng Thùy cho biết: "Khoai sọ Trạm Tấu hiện nay rất dễ tiêu thụ trên thị trường, mỗi ngày HTX tiêu thụ khoảng 10 tấn. Tuy nhiên, để đảm bảo lợi ích cho người dân thì chính quyền địa phương cần vận động nhân dân thu hoạch khoai đúng tuổi và lựa chọn những ngày thời tiết nắng ráo để thu hoạch cũng như vận động người dân sơ chế nhặt rễ, sạch đất, phân loại khoai có chất lượng, đều củ để mang xuống bán, vừa đảm bảo giá cao vừa giúp tư thương chúng tôi tiết kiệm được rất nhiều thời gian, đem lại sự hài lòng cho khách hàng. Hiện nay HTX đang hoàn thiện giấy tờ cung cấp khoai sọ cho chuỗi siêu thị, tuy nhiên do dịch bệnh Covid-19 nên thủ tục chưa xong”. 

Cũng theo lãnh đạo HTX, với diện tích khoai 300ha như hiện nay thì các xã cần định hướng giúp người dân có kế hoạch thu hoạch, tránh tình trạng thu hoạch ồ ạt không tiêu thụ kịp sẽ bị rớt giá, hoặc khó khăn trong khâu bảo quản.

Với mục tiêu đẩy mạnh phát triển nông sản, giúp người dân xóa đói giảm nghèo, vì thế không chỉ có cây khoai sọ, Trạm Tấu đã và đang có nhiều giải pháp mang tính chiến lược trong việc đẩy mạnh quảng bá các sản phẩm đặc thù như măng ớt, chè Shan Phình Hồ, gà đen, lợn bản địa… Thực tế, nhiều hộ gia đình với tư duy và cách làm sáng tạo đã có nguồn thu nhập bền vững từ việc phát triển nông sản, các mặt hàng nông sản của huyện cũng ngày càng khẳng định thương hiệu trên thị trường. Đây là tín hiệu vui những "mùa thơm" để đồng bào tiếp tục phát huy, đẩy mạnh sản xuất, xây dựng cuộc sống ấm no.

 

1173 lượt xem
Theo Báo Yên Bái

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h