Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin trong tỉnh >> Chính trị

Bộ Lao động thương binh và Xã hội trả lời các ý kiến, kiến nghị của cử tri Yên Bái

29/04/2015 08:14:48 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Vừa qua Bộ Lao động thương binh và Xã hội đã trả lời một số ý kiến, kiến nghị của cử tri Yên Bái. Cổng TTĐT tỉnh tổng hợp đăng tải cụ thể như sau:

Ảnh minh hoạ

1.  Kiến nghị chính sách cho người cao tuổi vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới hải đảo.

 Về hạ độ tuổi được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, cấp thẻ bảo hiểm y tế đối với người cao tuổi là người dân tộc thiểu số, sống ở vùng cao, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo, Bộ Lao động thương binh và xã hội xin tiếp thu ý kiến của cử tri để phối hợp với các Bộ, ngành nghiên cứu, đề xuất chính phủ trong thời gian tới.

2. Kiến nghị liên quan đến chính sách giảm nghèo: Cử tri phản ánh Chính phủ ban hành nhiều chính sách giảm nghèo, nguồn vốn lớn, nhưng manh mún, dàn trải, mang tính bình quân nên hiệu quả mang lại chưa cao, chưa giải quyết căn cơ, các hộ nghèo chưa thoát nghèo bền vững, tỷ lệ thoát nghèo chưa đạt chỉ tiêu đề ra. Đề nghị cần điều tra, rà soát, thống kê lại chính sách, nhằm có sự điều chỉnh, sửa đổi phù hợp và tập trung nguồn lực. Đồng thời, trong công tác đánh giá hộ nghèo cần đa chiều, điều chỉnh cho phù hợp, để có giải pháp thực hiện các chính sách thoát nghèo bền vững. Đề nghị Bộ Lao động thương binh và Xã hội phối hợp với các Bộ liên quan trong thời gian tới nghiên cứu, đề xuất Chính phủ xem xét theo hướng hỗ trợ, khuyến khích hộ nghèo, hộ cận nghèo tích cực và chủ động hơn trong sản xuất, phát triển kinh tế, tránh tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào nhà nước, góp phần giảm nghèo nhanh, bền vững, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các vùng, miền, nhóm dân cư. Đồng thời, cử tri kiến nghị không đưa các đối tượng là người già yếu, neo đơn, người tàn tật thuộc diện xét người nghèo để có chính sách bảo trợ phù hợp hơn. Đề nghị tách bạch chính sách an sinh xã hội và chính sách giảm nghèo. Hiện nay, việc thực hiện hai chính sách này trong cùng một chương trình chưa tạo động lực cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo, người dân có tư tưởng chờ Nhà nước hỗ trợ.

Trả lời:

Để tiếp tục đẩy mạnh công tác giảm nghèo trong giai đoạn tới, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 76/2014/QH13 ngày 24 tháng 6 năm 2014 về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo đến năm 2020, trong đó chỉ đạo năm 2015 tập trung hoàn thành việc rà soát các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến chính sách giảm nghèo và sắp xếp, điều chỉnh theo hướng tập trung chính sách, nguồn lực khắc phục sự chồng chéo, trùng lắp; xây dựng chuẩn nghèo mới theo phương pháp tiếp cận đa chiều nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản; hoàn thiện tiêu chí phân loại và quy trình xác định đối tượng, địa bàn nghèo. Điều tra phân loại và công bố tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo theo tiêu chuẩn nghèo mới…

Hiện nay, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đã phối hợp với các Bộ, ngành rà soát, đề xuất sửa đổi cơ chế, chính sách giảm nghèo theo hướng bền vững; nghiên cứu xây dựng chuẩn nghèo mới theo phương pháp tiếp cận đa chiều; dự kiến trong Quý I/2015 trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án tổng thể đổi mới phương pháp tiếp cận nghèo đói từ đơn chiều sang đa chiều ở Việt nam. Đồng thời, Bộ cũng tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 2324/QĐ-TTg về kế hoạch hành động triển khai Nghị Quyết số 76/2014/QH13 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững đến năm 2020 trong đó có quy định rõ nhiệm vụ của các Bộ, ngành trong việc rà soát, sửa đổi, bổ sung các chính sách giảm nghèo do Bộ, ngành quản lý.

Định hướng các chính sách giảm nghèo giai đoạn tới sẽ tập trung tác động đến đối tượng là người nghèo, người cận nghèo; hộ nghèo, hộ cận nghèo; hộ có thu nhập trung bình; cộng đồng. Trong đó, ưu tiên đối tượng hộ nghèo dân tộc thiểu số rất ít người đặc biệt khó khăn, hộ nghèo dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn, hộ nghèo chung, hộ cận nghèo. Từ việc phân loại chi tiết các đối tượng này để có chính sách tác động phù hợp giữa chính sách an sinh xã hội và chính sách giảm nghèo (đối với hộ nghèo mà trong hộ không có thành viên còn khả năng lao động sẽ sử dụng chính sách bảo trợ xã hội để tác động)… Hướng tới xây dựng các chính sách hỗ trợ gắn với điều kiện, giảm dần chính sách hỗ trợ cho không, tránh tư tưởng ỷ lại vào chính sách hỗ trợ của nhà nước, khuyến khích người nghèo, vùng nghèo chủ động vươn lên thoát nghèo.

Bên cạnh đó, chính sách giảm nghèo sẽ mở rộng ra cho các đối tượng hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, tạo điều kiện cho hộ thoát nghèo bền vững (chính sách y tế, giáo dục, tín dụng…).

3. Cử tri đề nghị nhà nước xem xét mở rộng đối tượng các hộ thuộc diện trung bình ở vùng đặc biệt khó khăn được hưởng chính sách đối với hộ nghèo, hộ cận nghèo như: hỗ trợ lãi suất cho vay vốn sản xuất, kinh doanh… Vì trên thực tế khoảng cách chênh lệch về thu nhập trung bình với hộ nghèo và hộ cận nghèo không nhiều. Qua đó hạn chế những thắc mắc, so bì trong nhân dân.

Trả lời:

Do nguồn lực có hạn nên hiện nay nhóm hộ nông, lâm, ngư, diêm nghiệp có mức sống trung bình mới được nhà nước hỗ trợ tham gia Bảo hiểm y tế theo Quyết định số 32/2004/QĐ-TTg ngày 27/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ về tiêu chí hộ gia đình làm nông nghiệp, lâm nghiệp, ngư nghiệp và diêm nghiệp có mức sống trung bình giai đoạn 2014-2015 để làm cơ sở hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế theo quy định của Luật Bảo hiểm Y tế.

Định hướng chính sách giảm nghèo giai đoạn 2016-2020 sẽ tập trung các giải pháp tác động đến đối tượng là hộ nghèo, hộ cận nghèo; hộ mới thoát nghèo; Bộ Lao động thương binh và Xã hội xin tiếp thu ý kiến của cử tri để cùng các Bộ, ngành nghiên cứu các chính sách hỗ trợ hộ có mức sống trung bình phù hợp với quy định của pháp luật và khả năng cân đối ngân sách trong thời gian tới.

2653 lượt xem
Ban biên tập Cổng TTĐT tỉnh (Tổng hợp)

15oC

Thấp nhất 13°C, cao nhất 17°C. Trời nhiều mây, . Áp suất không khí hPa.
Độ ẩm trung bình %. Tốc độ gió km/h