Trấn Yên là huyện đầu tiên của khu vực Tây Bắc được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM). Trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, toàn huyện có 17 xã đạt chuẩn NTM (mục tiêu 4 xã), nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM lên 20 xã; trong đó, 5 xã đã thoát diện đặc biệt khó khăn và đạt chuẩn NTM.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tặng quà huyện Trấn Yên - huyện đầu tiên đạt chuẩn nông thôn mới khu vực Tây Bắc. (Ảnh: Hoài Văn)
Đến thăm mô hình trồng dâu nuôi tằm của gia đình ông Nguyễn Văn Thân - người tiên phong trồng dâu nuôi tằm đầu tiên tại thôn Đồng Sâm, ông Thân cho chúng tôi biết: "Gắn bó với nghề trồng dâu nuôi tằm gần chục năm nay, hiện gia đình tôi có gần 2 mẫu dâu nguyên liệu, 2 nhà nuôi tằm, hàng năm cho thu nhập từ 100 triệu đồng trở lên, góp phần giải quyết việc làm cho các hộ khác trong thôn”.
Vinh dự được xã Báo Đáp chọn làm điểm xây dựng NTM kiểu mẫu, Chi bộ thôn Đồng Sâm xác định, phát triển kinh tế phải gắn liền với xây dựng và bảo vệ môi trường dựa trên thế mạnh đồng đất phù hợp với cây dâu, con tằm.
Đến nay, diện tích trồng dâu tằm của thôn Đồng Sâm đã tăng lên 20 ha, trên 70% số hộ tham gia; thôn thành lập được 1 tổ hợp tác trồng dâu nuôi tằm với 24 thành viên, liên kết với Công ty cổ phần Dâu tằm tơ Miền Bắc trong hỗ trợ, cung ứng vật tư, bao tiêu sản phẩm kén tằm cho nhân dân. Thu nhập từ trồng dâu nuôi tằm đạt trên 1,2 tỷ đồng/năm, nhiều hộ có thu nhập từ 70 - 100 triệu đồng/năm.
Sau hơn 1 năm triển khai thực hiện xây dựng thôn NTM kiểu mẫu, Đồng Sâm đã huy động được tổng nguồn lực trên 8,7 tỷ đồng. Trong đó, nhân dân đóng góp trên 7,3 tỷ đồng, ngân sách Nhà nước hỗ trợ trên 1,3 tỷ đồng, các tổ chức khác gần 27 triệu đồng đầu tư xây dựng các công trình kết cấu hạ tầng như: đường giao thông nông thôn (GTNT), nâng cấp nhà văn hóa thôn, lắp hệ thống đường điện chiếu sáng, chỉnh trang nhà ở dân cư.
Hiện nay, các tuyến đường trục thôn, nội thôn và nội đồng đã được kiên cố hóa 100%. Trong đó, có 3 km đường đảm bảo tiêu chí sáng xanh, sạch, đẹp, hệ thống thủy lợi đạt chuẩn; thu nhập bình quân đầu người đạt gần 40 triệu đồng, chỉ còn 2 hộ nghèo; 97% người dân tham gia bảo hiểm y tế; 100% hộ được sử dụng nước hợp vệ sinh; 95% hộ có đủ công trình vệ sinh; gần 90% hộ có nhà xây kiên cố; công tác vệ sinh môi trường đã thực hiện tốt việc thu gom, xử lý rác thải; hệ thống đường GTNT có rãnh thoát nước tốt…
Đối với xã Quy Mông, những năm qua, dựa vào tiềm năng thế mạnh sẵn có của địa phương, xã đã vận động nhân dân bám đất, bám rừng, lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế, năng suất cao đưa vào sản xuất, tổ chức quy hoạch thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung.
Nhờ đó, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, xã hình thành các vùng phát triển kinh tế như: trồng rừng trên 927 ha, chiếm 40% cơ cấu kinh tế tập trung chủ yếu ở các thôn: Tân Việt, Tân Cường, Tân Thịnh và Hợp Thành; vùng trồng dâu nuôi tằm mở rộng lên 25 ha tại thôn Thịnh Hưng, Thịnh Vượng; vùng trồng đao riềng 43 ha tại các thôn: Thịnh Bình, Thịnh An, Thịnh Hưng; vùng trồng cây ăn quả 70,9 ha tại các thôn: Tân Thành, Tân Việt, Tân Cường, Tân Thịnh. Nhằm thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương tiếp tục phát triển, tạo đà nâng cao chất lượng các tiêu chí NTM, hướng tới xây dựng xã NTM nâng cao và NTM kiểu mẫu.
Đồng chí Phùng Tiến Hiển - Phó Chủ tịch UBND xã Quy Mông cho biết: "Quy Mông đã thành lập Hợp tác xã Dâu tằm và 9 tổ hợp tác liên kết với doanh nghiệp và các cơ sở tư nhân trong đầu tư nuôi tằm và tiêu thụ sản phẩm kén tằm; thành lập Hợp tác xã Việt Hải Đăng sản xuất và xây dựng thương hiệu sản phẩm miến đao Quy Mông và 4 cơ sở chế biến bột đao. Trong chăn nuôi, người dân đã chuyển đổi phương thức chăn nuôi nhỏ lẻ sang tập trung quy mô lớn như: duy trì 120 mô hình nuôi gà từ 2.000 đến 12.000 con”.
Đến nay, xã đã hình thành vùng chăn nuôi hàng hóa tại thôn Tân Việt, Tân Cường với 87 cơ sở; các mô hình VACR tại thôn Tân Thành, Tân Thịnh, Tân Việt...; thành lập 2 tổ hợp tác chăn nuôi liên kết, hỗ trợ giúp đỡ cung ứng con giống, thức ăn chăn nuôi và phòng bệnh trên đàn vật nuôi, sản lượng thịt hơi xuất chuồng hàng năm đạt 1.261 tấn.
Qua đó, xuất hiện nhiều điển hình kinh tế, đời sống nhân dân từng bước nâng cao; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 34 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 5,5%. Nhờ phát triển mạnh kinh tế nhân dân, xã Quy Mông đã có điều kiện đóng góp vào quá trình xây dựng NTM. Cụ thể, 5 năm qua, nhân dân đóng góp trên 30 tỷ đồng chiếm 20% tổng vốn đầu tư, hiến trên 3 ha đất và nhiều cây cối, hoa màu, vật dụng kiến trúc để làm đường GTNT và các công trình công cộng.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM, 5 năm qua, huyện Trấn Yên đã huy động được trên 5.466 tỷ đồng. Trong đó, nhân dân đóng góp 552 tỷ đồng, chiếm 10,1%, hiến trên 50 ha đất để làm đường giao thông và các công trình công cộng; lồng ghép, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn; trong đó, phát triển GTNT là khâu đột phá.
Đến nay, mạng lưới giao thông trên địa bàn huyện được đầu tư đồng bộ, kết nối với các tuyến quốc lộ, đường tỉnh lộ với đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai; nâng cấp, cải tạo 43,1 km đường quốc lộ, tỉnh lộ, 62 km đường do huyện quản lý, 7,8 km đường đô thị, 100% các tuyến đường đến trung tâm các thôn, bản được kiên cố hóa…
Đến nay, huyện đã kiên cố hóa được 252 km đường GTNT, mở mới 13,2 km; nhiều công trình trọng điểm được xây dựng, hoàn thành đưa vào sử dụng có ý nghĩa rất quan trọng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của huyện và đáp ứng nguyện vọng của nhân dân.
Thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đổi mới phương thức tổ chức sản xuất theo hướng liên kết gắn với tiêu thụ, nâng cao chất lượng sản phẩm chủ lực có giá trị, vận dụng linh hoạt, sáng tạo trong xây dựng NTM tại các thôn, xã đặc biệt khó khăn, huyện đã tập trung đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tạo dựng thương hiệu các sản phẩm nông nghiệp chủ lực: sản phẩm măng tre Bát độ ở xã Kiên Thành; cây ăn quả có múi ở xã Hưng Thịnh, Hồng Ca; dâu tằm ở xã Báo Đáp, Việt Thành; quế ở xã Đào Thịnh; chè chất lượng cao ở xã Bảo Hưng…
Cùng đó, huyện chủ động tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm, xây dựng, phát triển các chuỗi liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm hướng tới nền nông nghiệp bền vững với điểm nhấn là Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Đến nay, toàn huyện đã xây dựng được 10 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên.
Đồng chí Nguyễn Thế Phước - Bí thư Huyện ủy Trấn Yên khẳng định: "Xây dựng huyện Trấn Yên trở thành huyện đạt chuẩn NTM đầu tiên của tỉnh là thành tựu to lớn và vẻ vang của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Trấn Yên. Trấn Yên cũng đã trở thành điểm sáng NTM của tỉnh Yên Bái nói riêng và của khu vực Tây Bắc nói chung, được các địa phương, các tỉnh bạn đến tham quan học tập tìm hiểu kinh nghiệm hay, cách làm sáng tạo trong thực hiện Chương trình”.
Từ xây dựng NTM, diện mạo nông thôn huyện Trấn Yên thay đổi mạnh mẽ, cảnh quan môi trường từ xã vùng thấp đến xã vùng cao được cải thiện và ngày càng khang trang sạch đẹp; thiết chế văn hóa được đầu tư, bản sắc văn hóa tốt đẹp của đồng bào các dân tộc được giữ gìn và phát huy; thu nhập bình quân đầu người đạt 36,8 triệu đồng/người/năm, tăng 11,8 triệu đồng so với năm 2015; hệ thống chính trị được sắp xếp tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững...
1111 lượt xem
1