Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin hoạt động >> Văn hóa - Xã hội

Chè Shan tuyết Suối Giàng

30/09/2020 16:03:30 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Chè Shan tuyết cổ thụ của tỉnh Yên Bái xưa nay được xem là một trong những thức uống thơm ngon bậc nhất cả nước. Chè Shan Tuyết được trồng ở độ cao từ 1.000 - 1.800 m so với mặt nước biển, nơi có độ ẩm cao, thời tiết mát mẻ quanh năm. Trong đó, nổi tiếng nhất là chè shan tuyết Suối Giàng (xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn).

Người dân Văn Chấn thu hái Chè Suối Giàng

Hiện nay, Chè shan tuyết Suối Giàng - huyện Văn Chấn được công nhận sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên. Chè Shan tuyết Suối Giàng đã xây dựng và đăng ký được nhãn hiệu, nên thương hiệu chè Shan tuyết Suối Giàng không chỉ lan tỏa trong nước mà còn có mặt ở các thị trường khó tính như: Nhật Bản, Đài Loan, Hà Lan, Đức... Năm 2006, chè Shan tuyết Suối Giàng đã được Hiệp hội Chè Việt Nam vinh danh "Thương hiệu chè Việt”; năm 2016 được bình chọn là "Sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu”; năm 2017 được Tổ chức Kỷ lục Việt Nam - VietKings công bố là một trong 10 đặc sản quà tặng nổi tiếng Việt Nam...

Văn Chấn hiện có khoảng 423 ha chè shan tuyết. Cây mọc cách khoảng, cứ vài mét lại có một gốc mốc trắng. Cây cổ thụ nhất hơn 300 tuổi, cây non nhất cũng trên 100 năm. Chè Shan tuyết hợp với khí hậu, đất đai và nguồn nước suối Giàng nên xanh tốt quanh năm, mà không cần phải bón phân hay phun thuốc trừ sâu. Cây sinh trưởng tự nhiên giữa vùng khí hậu quanh năm mát mẻ, mây mù bao phủ. Búp non có hương vị chát dịu, sau có vị ngọt đậm đà và hương thơm khó quên.

(Những búp chè non được thu hái)

(Thợ phải cẩn thận sàng lọc, nhặt kỹ các lá sâu, sau đó sao chè, căn lửa phù hợp để búp chè vừa tới độ giòn)

Phương pháp chế biến chè trước đây được thực hiện thủ công, đòi hỏi kinh nghiệm của thợ làm chè. Sau khi hái những búp non, người thợ phải cẩn thận sàng lọc, nhặt kỹ các lá sâu. Củi sao chè phải ráo để giữ lửa cháy đều, căn lửa phù hợp để búp chè vừa tới độ giòn, cho hương vị thơm ngon nhất. Ngày nay, máy móc được đưa vào trong quá trình chế biến giúp tăng sản lượng, bảo quản chè tốt hơn, song lại càng đòi hỏi người thợ có kỹ thuật tốt, nắm vững quy trình biến đổi của chè khi chế biến.

Sau khi hái, búp chè sẽ được vận chuyển ngay tới khu vực xào men. Quá trình vận chuyển này không để quá 4 giờ đồng hồ nhằm đảm bảo búp chè còn tươi, chất lượng đảm bảo. Trong quá trình sao chè, muốn giữ được lớp tuyết trắng trên búp, người thợ phải càng kỳ công, khéo léo.  

Du khách đến Suối Giàng theo tour có thể tự mình trèo lên những cây chè cổ thụ hái những búp xanh non, tự pha và nếm hương vị tươi của giống chè quý vùng cao. Với sản lượng khoảng 400-500 tấn mỗi năm, chè shan tuyết Suối Giàng được tiêu thụ ở Yên Bái, Hà Nội và một số tỉnh lân cận.

(Sản phẩm chè khi được sao khô cho hương vị thơm ngon nhất)

Việc phát triển cây chè đã giúp người dân xóa đói giảm nghèo, có nhiều hộ vươn lên làm giàu. Cùng với việc yêu cầu các doanh nghiệp được cấp giấy nhãn hiệu đầu tư đổi mới công nghệ hiện đại để chế biến chè, người dân Suối Giàng cũng đã thu hái chè theo yêu cầu kỹ thuật đề ra. Cùng với đó, Yên Bái đã phê duyệt Dự án đầu tư phát triển khu du lịch sinh thái Suối Giàng, hoàn thiện hồ sơ để đăng ký cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý; thực hiện đề án bảo tồn và phát triển bền vững vùng chè cổ Suối Giàng, nhằm từng bước đưa sản phẩm chè Shan Tuyết đạt tiêu chuẩn quốc tế (ISO 22000) trong thời gian sớm nhất.

Sản xuất chè sạch, chè an toàn là hướng đi đúng, phù hợp với xu thế phát triển sản xuất hiện nay. Nó không chỉ giúp nâng cao giá trị, tăng thu nhập cho người trồng chè mà còn là "giấy thông hành" cho sản phẩm chè Yên Bái đến với các thị trường trong nước và quốc tế.

DOANH NGHIỆP SẢN XUẤT KINH DOANH CHÈ SUỐI GIÀNG

1. HỢP TÁC XÃ SUỐI GIÀNG

Địa chỉ: Xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn, Tỉnh Yên Bái

Điện thoại: 0983.505192

Giám đốc: Lâm Thị Kim Thoa

2. HỢP TÁC XÃ HỆ SINH THÁI DU LỊCH SUỐI GIÀNG

Địa chỉ: Thôn Pang Cáng, Xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn, Tỉnh Yên Bái

Điện thoại: 0989.331168

Giám đốc: Đào Đức Hiếu

4630 lượt xem
Ban Biên tập