CTTĐT - Xác định phát triển sản xuất gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm, góp phần quan trọng cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập bền vững cho người dân nông thôn trong xây dựng nông thôn mới, những năm qua nhiều địa phương đã đăng ký triển khai thực hiện được nhiều mô hình có hiệu quả cao. Điển hình như: Mô hình trồng lúa chất lượng cao, mô hình trồng rau an toàn, mô hình trồng tre măng Bát độ... những mô hình có hiệu quả kinh tế cao tại các địa phương tiếp tục được duy trì và nhân rộng.
Ảnh minh họa
Những năm qua, tỉnh đã ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, hỗ trợ và tạo điều kiện cho doanh nghiệp liên kết với người dân trong sản xuất và hiện nay đang triển khai thực hiện các nội dung của Đề án tái tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; trong đó có các đề án thành phần tập trung vào những sản phẩm chủ lực của tỉnh có lợi thế, có sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài tỉnh; đồng thời ban hành các cơ chế chính sách tạo điều kiện hỗ trợ người dân, tổ chức, doanh nghiệp tham gia vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Với mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững trên cơ sở phát huy tối đa lợi thế của vùng; duy trì tăng trưởng, nâng cao hiệu quả và khả năng cạnh tranh thông qua tăng năng suất, chất lượng.
Ngoài chính sách hỗ trợ của Trung ương, hàng năm tỉnh Yên Bái đã bố trí từ nguồn ngân sách tỉnh khoảng trên 43 tỷ đồng cho phát triển sản xuất nông nghiệp. Từ những chủ trương chính sách hiện tại, đời sống vật chất, tinh thần của hộ nông dân từng bước nâng cao, an ninh lương thực được đảm bảo, tỷ lệ hộ nghèo các năm đều giảm vượt mức kế hoạch đề ra; công tác đào tạo nghề cho người dân nông thôn được chú trọng; các hình thức sản xuất được quan tâm và phát triển mạnh mẽ.
Trong thời gian qua, tỉnh cũng đã chú trọng nhiều hơn đến các hoạt động xúc tiến đầu tư phát triển các vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, qua đó đã hút được nhiều doanh nghiệp lớn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn. Giai đoạn 2016 - 2020, trên địa bàn tỉnh đã triển khai 92 nhiệm vụ khoa học công nghệ (cả những nhiệm vụ cũ chuyển tiếp từ năm trước sang năm 2016) trong đó lĩnh vực nông lâm nghiệp có 61 nhiệm vụ với tổng ngân sách khoa học là 24,205 tỷ đồng. Những nhiệm vụ khoa học này tập trung chuyển giao, ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, hỗ trợ nhân rộng các mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật có hiệu quả ra diện rộng, đẩy mạnh đổi mới công nghệ chế biến nông lâm nghiệp, tăng giá trị, hiệu quả sản xuất, chất lượng sản phẩm nông lâm nghiệp, tăng giá trị, hiệu quả sản xuất, góp phần chuyển dịch cơ cấu sản xuất, nâng cao thu nhập cho nông dân.
Sau hơn 01 năm triển khai Chương trình OCOP, đến nay tỉnh Yên Bái đã ban hành Quyết định phê duyệt Đề án “Chương trình mỗi xã một sản phẩm tỉnh Yên Bái giai đoạn 2019 - 2020, định hướng đến năm 2030”. Năm 2019 có 08 sản phẩm xếp hạng ở cấp tỉnh (sản phẩm đạt 3 sao: 5 sản phẩm; sản phẩm đạt 4 sao: 3 sản phẩm). Trong năm 2020, dự kiến công nhận 70 sản phẩm OCOP cấp tỉnh.
Thu nhập bình quân khu vực nông thôn năm 2019 đạt khoảng 29,88 triệu đồng. Giai đoạn 2016 - 2017 tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm 10,24%, trong đó: Năm 2016 giảm 5,24%, năm 2017 giảm 5%. Tỷ lệ giảm nghèo bình quân là 5,12 % (kế hoạch giảm 4%). Riêng 2 huyện Trạm Tấu và Mù Cang Chải giảm 15,58%. Trong đó: Năm 2016 giảm 8,26%, năm 2017 giảm 7,32%, bình quân giảm 7,79%/năm (kế hoạch giảm 6,5%). Đến cuối năm 2017 tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh là 21,97%. Đến hết năm 2018, tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn đa chiều) là 17,68%; năm 2019 giảm 6,12%, còn 11,56%, dự kiến sẽ giảm còn 7,56% vào cuối năm 2020. Trên địa bàn tỉnh có 75/157 xã (chiếm 47,7% số xã) đạt Tiêu chí số 11 về Hộ nghèo. Năm 2020, phấn đấu đạt 85/150 xã chiếm 56,6%
Giai đoạn 2016 - 2020 toàn tỉnh sẽ giải quyết việc làm cho 93.764 người. Cơ cấu lao động trên địa bàn tỉnh tiếp tục có sự chuyển dịch theo hướng tích cực. Tỷ lệ lao động trong lĩnh vực nông nghiệp mỗi năm giảm 1-1,5%. Năm 2019, trên địa bàn tỉnh có 146 xã (chiếm 92,9% số xã), đạt Tiêu chí số 12 về lao động có việc làm thường xuyên. Năm 2020, phấn đấu đạt 147/150 xã chiếm 98%.
Về tổ chức sản xuất: Các loại hình tổ chức sản xuất được đổi mới phù hợp, hiệu quả hơn; kinh tế hộ tiếp tục được hỗ trợ và tổ chức theo hướng quy mô lớn hơn, dần thích nghi với cơ chế thị trường. Tổng số Hợp tác xã (HTX) trong toàn tỉnh hiện có là 415 HTX hoạt động trong các lĩnh vực: Nông, lâm, ngư nghiệp: 249 HTX; phi nông nghiệp 166 HTX. Năm 2019, số hợp tác xã thành lập mới tính đến thời điểm hiện tại là 95 HTX. So với Kế hoạch năm 2019 là 95/60 HTX đạt 158,3% chỉ tiêu được giao tại Chương trình hành động số 144-CTr/TU (60HTX). Đây là hướng chuyển dịch tích cực gắn chặt chẽ hoạt động của hợp tác xã với sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chuyên ngành theo chuỗi giá trị, giảm bớt các hợp tác xã tổng hợp chủ yếu thực hiện dịch vụ đầu vào như trước đây. Năm 2019, trên địa bàn tỉnh có 106/157 xã (chiếm 67,5% số xã). Năm 2020, phấn đấu đạt 118/150 xã chiếm 78,6%.
Trong thời gian tới, tỉnh tập trung ưu tiên thúc đẩy hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, nhất là sản xuất nông nghiệp sạch - an toàn, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu lao động và kinh tế nông thôn để tăng thu nhập người dân nông thôn một cách bền vững, trong đó: Tiếp tục đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất trong nông nghiệp và nâng cao hiệu quả hoạt động của các Hợp tác xã theo Luật năm 2012; Đổi mới phương thức thực hiện và nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo hướng gắn đào tạo nghề với triển khai các mô hình, dự án phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị cụ thể, theo nhu cầu hoặc dự án đầu tư ở nông thôn của doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế...
1907 lượt xem