Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin hoạt động >> Văn hóa - Xã hội

Kết quả thực hiện tiêu chí về phát triển giáo dục, y tế, văn hoá và bảo vệ môi trường trong xây dựng nông thôn mới

21/10/2020 09:01:08 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Xác định tiêu chí về phát triển giáo dục, y tế, văn hoá và bảo vệ môi trường là những nội dung quan trọng trong xây dựng nông thôn mới, Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh nên yêu cầu các ngành, các địa phương phải tập trung ưu tiên thực hiện và đã đạt được một số kết quả tích cực.

Điểm thu gom phế liệu tái chế

Lĩnh vực Giáo dục và Đào tạo có sự phát triển mạnh mẽ, cơ sở vật chất trường lớp, trang thiết bị dạy học được tập trung đầu tư theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa; chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý được nâng cao; các hoạt động giáo dục được triển khai có chất lượng, hiệu quả; công tác xã hội hóa từng bước được đẩy mạnh; môi trường sư phạm được cải thiện.

Giai đoạn 2016 - 2020 toàn tỉnh đào tạo nghề cho 80.923 người (theo Đề án 1956 là 20.874 người). Cuối năm 2019, tỷ lệ lao động qua đào tạo trên 60%, ước tính đến cuối năm 2020, tỷ lệ đào tạo nghề nghề trên địa bàn tỉnh đạt 63%, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 03 tháng trở lên có văn bằng, chứng chỉ công nhận trình độ đào tạo đạt 29,4%, giảm tỷ lệ lao động nông nghiệp toàn tỉnh còn 62,8%. Năm 2019, kết quả thực hiện Tiêu chí số 14 về Giáo dục và Đào tạo có 102/157 xã (chiếm 64,9% số xã) đạt. Năm 2020, phấn đấu đạt 104/150 xã chiếm 69,3%.

Về y tế: Việc khám chữa bệnh cho người dân nông thôn ngày càng được quan tâm, phục vụ tốt hơn, cơ sở vật chất y tế từng bước hiện đại hóa trang thiết bị. Tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế trên 96,7%; Tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi thể thấp còi tính chung trên toàn tỉnh là 27%. Tổng số xã trên địa bàn tỉnh năm 2019 đạt 103/157 xã (chiếm 65,6%) đạt Tiêu chí số 15 về Y tế. Năm 2020, phấn đấu đạt 127/150 xã chiếm 84,6%.

Về văn hóa: Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội tiếp tục được triển khai thực hiện có hiệu quả, các giá trị văn hóa, lễ hội truyền thống được quan tâm, bảo tồn và phát huy. Năm 2019, toàn tỉnh có 100 xã (chiếm 63,6% số xã) đạt Tiêu chí số 16 về văn hóa. Năm 2020, phấn đấu đạt 116/150 xã chiếm 77,3%.

Về Môi trường: Giai đoạn 2016 - 2019 bằng nguồn vốn của Chương trình toàn tỉnh đã xây mới 04 khu xử lý rác thải, 01 công trình nước sạch và 03 khu nghĩa trang; tỷ lệ dân số nông thôn được cung cấp nước hợp vệ sinh đạt 88,6% và có nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 71%%. Nhiều xã đã hình thành được các tổ đội, hợp tác xã thu gom rác thải sinh hoạt. Nhiều địa phương đã vận động được người dân tham gia cải tạo cảnh quan môi trường sống, nhân rộng các mô hình trồng cây xanh, hoa trước cửa nhà và hai bên đường giao thông, hình thành mô hình xử lý chất thải chăn nuôi; Tỷ lệ cơ sở sản xuất chế biến, kinh doanh thực phẩm được kiểm tra đạt yêu cầu trên 80%; 100% các hộ gia đình có chế biến sản xuất, kinh doanh thực phẩm đều cam kết tuân thủ các quy định về đảm bảo an toàn thực phẩm. Năm 2019, toàn tỉnh có 62/157 xã (chiếm 32,48,% số xã) đạt Tiêu chí số 17 về Môi trường và an toàn thực phẩm. Năm 2020, phấn đấu đạt 72/150 xã chiếm 48%.

Trong thời gian tới, tỉnh tập trung chỉ đạo đổi mới phương thức thực hiện và nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo hướng gắn đào tạo nghề với triển khai các mô hình, dự án phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị cụ thể, theo nhu cầu hoặc dự án đầu tư ở nông thôn của doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế...

Gắn xây dựng nông thôn mới với Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; Khuyến khích và thường xuyên tổ chức các hoạt động xã hội, văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, phòng chống tệ nạn xã hội thu hút số lượng lớn người dân tham gia; Tổ chức các hoạt động phát triển cộng đồng ở các thôn, bản, nhằm phát huy và bảo tồn những giá trị truyền thống tốt đẹp

Chú trọng bảo vệ môi trường và tạo cảnh quan nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp, hiện đại, hợp lý và giữ gìn được những đặc trưng và bản sắc nông thôn truyền thống xanh - sạch - đẹp, trong đó: Phát triển và nhân rộng các mô hình đường hoa - cây xanh (trồng hoa từ nhà ra ruộng) từ việc nhân rộng mô hình vườn mẫu - khu dân cư kiểu mẫu của tỉnh Hà Tĩnh, tạo môi trường nông thôn trong lành, không có các hoạt động gây ô nhiễm và suy thoái môi trường, thí điểm các mô hình phân loại rác và khuyến cáo không sử dụng túi nilon trong sinh hoạt, phát động các phong trào làm sạch làng quê; Đẩy mạnh xử lý môi trường ở những nơi gây ô nhiễm nghiêm trọng (Làng nghề, bãi tập trung chôn lấp, xử lý rác, nước thải...).

2460 lượt xem