Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin hoạt động >> Kinh tế

Hiệu quả tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới tại Yên Bái

12/11/2020 09:46:23 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Những năm qua, tỉnh Yên Bái đã tập trung thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới (NTM), đã đem lại những hiệu quả thiết thực.

Trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện ngày càng nhiều mô hình sản xuất rau an toàn

Thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, sau 5 năm triển khai thực hiện, đến nay tỉnh Yên Bái đã hình thành rõ nét các vùng sản xuất hàng hoá tập trung chuyên canh có quy mô lớn với 10 sản phẩm nông, lâm nghiệp chủ lực, gồm: Lương thực có hạt, chè, cây ăn quả, đàn gia súc chính, thuỷ sản, quế, sơn tra, tre măng Bát độ, dâu tằm, gỗ nguyên liệu.

Nhiều mặt hàng nông sản có giá trị xuất khẩu cao như: quế, chè, tinh bột sắn, măng và các sản phẩm từ gỗ rừng trồng với kim ngạch xuất khẩu đạt từ 30 - 40 triệu USD/năm (chiếm từ 30 - 40% giá trị kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh). Người dân đã thay đổi nhận thức từ sản xuất quảng canh, quy mô nhỏ, lẻ sang sản xuất thâm canh, quy mô lớn, tập trung, hình thành các vùng sản xuất sản phẩm hàng hóa lớn. Cùng với đó, các hình thức sản xuất nông nghiệp đã bắt đầu đi theo hướng liên doanh, liên kết theo chuỗi giá trị, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, áp dụng các quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn GAP cơ bản, VietGAP, GlobalGAP, Organic (hữu cơ)… đã được các tổ chức, cá nhân quan tâm, áp dụng ngày một nhiều.

Cùng với việc phát triển 10 nhóm sản phẩm chủ lực, tỉnh cũng ưu tiên phát triển 10 sản phẩm đặc sản: lúa nếp Tú Lệ, bưởi Đại Minh, cam sành Lục Yên, sơn tra, chè Shan hữu cơ, gà đen đặc sản vùng cao, lợn bản địa, vịt bầu Lâm Thượng, quế hữu cơ, cây dược liệu theo tiêu chuẩn "Mỗi xã một sản phẩm - OCOP”.

Trên cơ sở tiềm năng, lợi thế về những điều kiện sẵn có của địa phương, tỉnh Yên Bái đã tập trung thu hút đầu tư phát triển nông nghiệp công nghệ cao và bước đầu thu được kết quả khả quan. Tiêu biểu là Dự án chăn nuôi, chế biến thỏ công nghệ cao có vốn đầu tư 78,6 triệu USD (tương đương hơn 1.700 tỷ đồng) tại huyện Văn Chấn của Tập đoàn Nippon Zoki, Nhật Bản.

Trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện ngày càng nhiều mô hình sản xuất rau an toàn trong nhà lưới, trồng rau thủy canh; ghép cải tạo và áp dụng quy trình tưới nhỏ giọt, phun mưa đối với rau, chè, cam, quýt, bưởi... ; mô hình cải tạo đàn trâu, bò, lợn bằng phương pháp truyền tinh nhân tạo; nuôi cá lồng thâm canh trên hồ Thác Bà; sản xuất quế hữu cơ và công nghệ chế biến gỗ thành phẩm, chế biến tinh dầu quế.... đã được triển khai thực hiện đạt kết quả tốt.

Những kết quả bước đầu đã khẳng định tính đúng đắn của các chủ trương, chính sách, đề án hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp của tỉnh góp phần thúc đẩy sản xuất phát triển gia tăng về quy mô, số lượng các sản phẩm chủ lực, đặc sản của tỉnh để hình thành các vùng sản xuất hàng hóa tập trung liên huyện, liên xã... đảm bảo tính bền vững.

Nhờ xác định đúng tiềm năng, lợi thế và có những chính sách khuyến khích phát triển kịp thời đã tạo nên bức tranh kinh tế của tỉnh gắn với xây dựng nông thôn mới có nhiều khởi sắc, cơ cấu kinh tế nông nghiệp chuyển dịch theo hướng tích cực.

Tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2016 - 2020 ước đạt 6,64%/năm, cao hơn giai đoạn trước (5,71%/năm). GRDP bình quân đầu người năm 2020 ước đạt trên 42 triệu đồng, gấp 1,5 lần so với năm 2015.

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng giảm dần tỷ trọng nông nghiệp, tăng dần tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và dịch vụ. Ước tính năm 2020, tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản chiếm 21,13% (giảm 4,48% so với năm 2015); công nghiệp - xây dựng chiếm 26,88% (tăng 1,43%); dịch vụ chiếm 47,21%. Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được triển khai sâu rộng trên phạm vi toàn tỉnh và đạt kết quả tương đối toàn diện, trở thành điểm sáng trong số các tỉnh vùng Tây Bắc.

Hiện tại, toàn tỉnh Yên Bái có 67/150 xã được công nhận đạt chuẩn NTM, 3 xã đạt chuẩn nâng cao, 1 huyện Trấn Yên đạt chuẩn NTM, đây cũng là huyện đầu tiên của các tỉnh Tây Bắc đạt chuẩn NTM và công nhận hoàn thành xây dựng nông thôn mới đối với thành phố Yên Bái; phấn đấu đến hết năm 2020 công nhận hoàn thành xây dựng nông thôn mới đối với thị xã Nghĩa Lộ và công nhận được 10 xã đạt nông thôn mới nâng cao, 04 xã đạt nông thôn mới kiểu mẫu.

Việc phát triển sản xuất gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp góp phần nâng cao thu nhập cho người dân được tỉnh xác định là khâu then chốt trong hoàn thành các tiêu chí NTM. Thời gian tới, ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần làm tốt công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân về vị trí, vai trò của nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong phát triển kinh tế - xã hội; Tiếp tục cơ cấu lại ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới phù hợp với chủ trương, định hướng của Đảng, Nhà nước và yêu cầu đặt ra của thực tiễn sản xuất trong giai đoạn mới; Xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả các quy hoạch, kế hoạch phát triển các vùng sản xuất sản phẩm chủ lực tập trung, chuyên canh, đủ điều kiện cấp mã số vùng trồng, cấp chứng nhận chất lượng theo tiêu chuẩn và thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm; Ưu tiên đầu tư phát triển công nghiệp chế biến, đổi mới công nghệ, thiết bị tiên tiến, hiện đại. Gắn chặt sản xuất với chế biến, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị để nâng cao giá trị gia tăng đối với các sản phẩm nông sản chủ lực, sản phẩm đặc sản, hữu cơ của tỉnh; Tham mưu, ban hành khung cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất một cách đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả. Tập trung vào giải quyết các vấn đề tồn tại, hạn chế trong sản xuất hiện nay, đồng thời thúc đẩy phát triển sản xuất đáp ứng yêu cầu của giai đoạn mới, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững...

 

2075 lượt xem
BBT