CTTĐT - Sau một thời gian thực hiện, Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh đã có chuyển biến rõ nét về chất lượng, ngày càng đi vào chiều sâu, có tính lan tỏa; người dân và cộng đồng đã nhận thức rõ được lợi ích và tích cực tham gia phong trào xây dựng nông thôn mới ở địa phương, quê hương mình.
Tỉnh đã chủ động huy động, bố trí lồng ghép các nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng thủy lợi
Các ngành, các địa phương đã triển khai đồng bộ các giải pháp để xây dựng nông thôn mới; trong phát triển sản xuất đã tích cực triển khai các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, các mô hình sản xuất, phát triển kinh tế hộ; trong lĩnh vực phát triển hạ tầng đã chủ động huy động, bố trí lồng ghép các nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, hạ tầng thủy lợi; chủ động triển khai các tiêu chí xây dựng nông thôn mới mà không cần có sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước như: Tiêu chí Môi trường, tiêu chí về xóa đói giảm nghèo, tiêu chí về hỗ trợ nhà ở cho các hộ nghèo, tiêu chí về xây dựng thôn, bản văn hóa...
Công tác tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới tiếp tục phát huy hiệu quả. Không chỉ ở nông thôn mà cả ở khu vực thành thị, người dân đã hiểu rõ và nhiệt tình hưởng ứng Phong trào “Yên Bái chung sức xây dựng nông thôn mới”.
Các sở, ngành, địa phương đã chủ động, tập trung lồng ghép có hiệu quả vốn của các chương trình dự án khác với xây dựng nông thôn mới. Việc huy động người dân, cộng đồng dân cư, doanh nhiệp v.v... đóng góp xây dựng nông thôn mới được thực hiện dân chủ, công khai, minh bạch và không có tình trạng huy động quá sức dân. Các nguồn vốn nói chung được sử dụng có hiệu quả, mang lại những lợi ích thiết thực…
Trong 4 tháng năm 2018, có 1 xã được công nhận đạt tiêu chí nông thôn mới, lũy kế đến nay toàn tỉnh có 34 xã được công nhận đạt tiêu chí nông thôn mới. Đã xây dựng kế hoạch lựa chọn từ 3-5 xã thực hiện nông thôn mới kiểu mẫu giai đoạn 2017 - 2019.
Trong năm 2018, toàn tỉnh phấn đấu trong năm 2018, có thêm ít nhất 12 xã đạt tiêu chí nông thôn mới. Thực hiện Đề án xây dựng huyện Trấn Yên đạt tiêu chí huyện nông thôn mới giai đoạn 2017 - 2020.
Để đạt được mục tiêu trên, tỉnh rà soát, đánh giá các tiêu chí chưa đạt để có giải pháp, chỉ đạo khắc phục những khó khăn, hạn chế; tiến hành lồng ghép các nguồn vốn để phát triển sản xuất, xây dựng hạ tầng kinh tế xã hội với phương châm “nâng đầu, đỡ cuối” trong xây dựng nông thôn mới. Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền về nông thôn mới, triển khai sâu rộng và thiết thực Phong trào thi đua “Yên Bái chung sức xây dựng nông thôn mới” nhằm biểu dương, tôn vinh các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong xây dựng nông thôn mới, tạo sự lan toả lớn trong nhân dân, cộng đồng, xã hội; khuyến khích, thu hút doanh nghiệp, doanh nhân, nhất là thanh niên trí thức khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp ở nông thôn.
Tăng cường lồng ghép các chương trình, dự án trên địa bàn; trước mắt ưu tiên tập trung hỗ trợ vốn ngân sách nhà nước cho các xã điểm, xã đăng ký phấn đấu đạt chuẩn nông thôn mới và những xã dưới 5 tiêu chí. Thực hiện đồng bộ các giải pháp để xây dựng cấp ủy, chính quyền trong sạch, vững mạnh; quan tâm đào tạo đội ngũ cán bộ, công chức, quy hoạch đội ngũ kế cận và đề xuất việc tuyển dụng, bổ sung, thay thế công chức cấp xã còn thiếu, không đáp ứng yêu cầu. Tiếp tục đổi mới các hình thức tổ chức sản xuất trong nông nghiệp và nâng cao hiệu quả hoạt động của các Hợp tác xã theo Luật năm 2012; Đổi mới phương thức thực hiện và nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo hướng gắn đào tạo nghề với triển khai các mô hình, dự án phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị cụ thể, theo nhu cầu hoặc dự án đầu tư ở nông thôn của doanh nghiệp và các tổ chức kinh tế... Chú trọng bảo vệ môi trường và tạo cảnh quan nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp, hiện đại, hợp lý và giữ gìn được những đặc trưng và bản sắc nông thôn truyền thống xanh - sạch - đẹp; gắn xây dựng nông thôn mới với Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát trong xây dựng nông thôn mới…
1096 lượt xem
Nguyễn Hiên