Xác định nông thôn mới phải thực sự nâng cao mức sống của người dân cả về vật chất lẫn tinh thần, việc tổ chức thực hiện phải thực chất khách quan, tạo động lực thúc đẩy phong trào thi đua, không chạy theo thành tích, huyện Yên Bình tiếp tục đổi mới tư duy lãnh đạo, có những cách làm sáng tạo, khơi dậy mạnh mẽ ý chí tự lực tự cường và khát vọng vươn lên trong các tầng lớp nhân dân, tạo nên bức tranh nông thôn mới khá toàn diện...
Lãnh đạo huyện Yên Bình kiểm tra công tác quy hoạch tại các xã nông thôn mới của huyện. (Ảnh: Kiều Mười)
Đổi mới cách nghĩ, cách làm
Đã thành thông lệ, vào những ngày cuối tuần - sau khi đã hoàn tất mọi công việc được giao tại công sở, 100% số cán bộ, công chức xã Mỹ Gia lại đồng loạt tổ chức xuống các thôn cùng nhân dân ra quân tu sửa, vệ sinh đường làng ngõ xóm và giúp đỡ các hộ neo đơn dọn dẹp nhà cửa, đào hố xử lý rác thải, chia sẻ để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện chính sách của Đảng, Nhà nước ở địa phương.
Đồng chí Hà Văn Lĩnh - Chủ tịch UBND xã Mỹ Gia chia sẻ: "Khi mới tổ chức hoạt động này, nhiều người ngần ngại, chưa chủ động tham gia, nay đã trở thành việc làm thường xuyên, thu hút sự tham gia tích cực, tự giác của cán bộ, đảng viên và nhân dân. Nhờ đó mà Mỹ Gia đã thực hiện hoàn thành 19/19 tiêu chí nông thôn mới”.
Với gần 500 buổi được tổ chức, "Ngày cuối tuần cùng dân” ở Yên Bình đã thu hút trên 30.000 lượt cán bộ, công chức, viên chức tham gia. Các đồng chí lãnh đạo tỉnh, huyện trực tiếp xuống lao động cùng dân, giúp dân xóa đói, giảm nghèo đã trở thành động lực mạnh mẽ làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của cán bộ, đảng viên cũng như người dân trong xây dựng và giữ vững các tiêu chí nông thôn mới.
Là xã vùng 3, bắt tay vào xây dựng nông thôn mới, Xuân Lai gặp không ít khó khăn. Một phần do xuất phát điểm thấp, mặt khác do tư tưởng thụ động, trông chờ ỷ lại vào sự đầu tư của Nhà nước vẫn còn trong một bộ phận người dân, cán bộ, đảng viên. Xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động để người dân nhận thức được vai trò chủ thể của mình; phân công, phân nhiệm vụ cho từng cán bộ, đảng viên và các ban, ngành, đoàn thể vào cuộc một cách quyết liệt, phát huy vai trò tiền phong gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong mọi công việc, nhất là những việc khó. Giờ đây, phong trào thi đua "Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới” đang lan tỏa rộng khắp Xuân Lai.
Với tinh thần lao động hăng say, phấn khởi, bà con đã tự nguyện đóng góp hơn 7,1 tỷ đồng và hiến hàng nghìn m2 đất để xây dựng kết cấu hạ tầng quê hương.
Đồng chí An Hoàng Linh - Bí thư Huyện ủy, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới (XDNTM) huyện Yên Bình cho biết: "Xác định XDNTM là quyền lợi và nghĩa vụ trách nhiệm của người dân, chỉ có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc, mục tiêu cuối cùng là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, hạnh phúc cho nhân dân, huyện Yên Bình tiếp tục có nhiều đổi mới trong công tác chỉ đạo, điều hành, phát huy tinh thần trách nhiệm gương mẫu của cán bộ, đảng viên, sự đồng lòng của cộng đồng doanh nghiệp, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, được nhân dân tin tưởng, tích cực hưởng ứng làm theo trong mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân".
"Các đồng chí trong Thường trực Huyện ủy được phân công trực tiếp làm Trưởng, Phó trưởng Ban Chỉ đạo XDNTM của huyện đã tạo sự đồng thuận, thống nhất trong cả hệ thống chính trị, từ việc xây dựng chủ trương đến tổ chức triển khai thực hiện. Mỗi tiêu chí XDNTM đều lựa chọn nội dung cụ thể, có thời gian hoàn thành và gắn với trách nhiệm của tập thể, cá nhân. Qua đó, phát huy được tính chủ động, sáng tạo của cán bộ, đảng viên và người dân trong quá trình xây dựng, bảo vệ, duy trì các tiêu chí NTM”. Ông Linh nói.
Lãnh đạo và cán bộ, công chức huyện Yên Bình tham gia giúp gia đình hộ nghèo ở thôn Ngòi Sọng, xã Xuân Long.
Khơi sức dân làm lợi cho dân
Sự tâm huyết, trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, sự vất vả nhiệt tình của đội ngũ cán bộ, đảng viên từ huyện đến cơ sở đã khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, khát vọng vươn lên của người dân Yên Bình. Mặc dù đại dịch COVID-19 tác động không nhỏ đến sản xuất và việc huy động nguồn lực đầu tư phát triển nhưng phong trào XDNTM trên địa bàn huyện vẫn giữ được "lửa” và có sức lan tỏa rộng khắp.
Ông Đặng Hữu Tiên, dân tộc Dao ở thôn Ngòi Khương, xã Yên Thành không mảy may suy tính đã gác lại việc sửa sang ngôi nhà xuống cấp của mình, cho các hộ trong thôn vay 80 triệu đồng không tính lãi để bê tông hóa gần 1 km đường giao thông.
Sau một tuần thi công, con đường bê tông phẳng lì, thẳng tắp đã được hoàn thành, người dân Ngòi Khương ai cũng phấn khởi và tràn đầy hy vọng về cuộc sống khấm khá hơn đang dần hiện hữu. Phong trào "làm đường to đẹp” ở Ngòi Khương đã lan đến cả 6 thôn của xã Yên Thành, trong 9 tháng năm 2021, đồng bào Dao nơi đây đã hiến gần 1.000 m2 đất và đóng góp hơn 2 tỷ đồng, bê tông hóa 5 km đường giao thông nông thôn.
Ở thôn Lem, xã Phú Thịnh, ông Nguyễn Quang Liệu đã gần 80 tuổi. Khi thôn có chủ trương bê tông tuyến đường ngõ xóm qua nhà, ông đã bàn với vợ rút hết số tiền 30 triệu đồng tiết kiệm phòng khi trái gió, trở trời của hai vợ chồng để ủng hộ thôn làm đường.
Ở xã Cảm Nhân, bằng nguồn xã hội hóa và sức đóng góp của nhân dân, trong 6 tháng đầu năm 2021, xã đã khởi công xây dựng 9 nhà văn hóa thôn trị giá hơn 2 tỷ đồng, là địa phương điển hình trong phong trào làm nhà văn hóa thôn ở huyện. Gần dân, sâu sát trong thực tiễn, Yên Bình đã có cách khơi dậy sức dân linh hoạt, sáng tạo.
Trong 9 tháng năm 2021, với phương châm "Nhân dân làm, Nhà nước hỗ trợ”, toàn huyện đã bê tông hóa trên 112 km đường giao thông, xây mới sửa chữa 22 nhà văn hóa thôn và xóa trên 150 nhà dột nát cho hộ nghèo... với tổng trị giá gần 80 tỷ đồng, trong đó nhân dân đóng góp và nguồn xã hội hóa gần 40 tỷ đồng.
Năm 2021, huyện Yên Bình phấn đấu có thêm 5 xã đạt chuẩn NTM, tăng 2 xã so với kế hoạch tỉnh giao và 2 xã NTM nâng cao. Đến nay, cả 5 xã đã hoàn thành 19/19 tiêu chí, xã Hán Đà và Đại Minh đã được tỉnh công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao, huyện đã có 13 xã đạt chuẩn NTM.
Nông thôn mới - thật sự mới
Từ hộ có mức sống trung bình, nhờ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, phát triển kinh tế theo hướng hàng hóa mà gia đình ông Lê Văn Bạo ở thôn Cầu Mơ, xã Đại Minh đã có mức thu nhập trên 300 triệu đồng/năm từ trồng cây ăn quả.
Chị Trần Thị Nguyên - Trưởng thôn Cầu Mơ cho biết: "Thôn có 167 hộ dân, trên 60% số hộ có mức sống khá và giầu. Hiện tại, Cầu Mơ đã hoàn thành 10/10 tiêu chí NTM kiểu mẫu”.
Là xã đầu tiên của huyện Yên Bình đạt chuẩn NTM vào năm 2016, đến nay, hạ tầng kinh tế - xã hội của Đại Minh được xây dựng, đầu tư phù hợp với tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; thu nhập bình quân đầu người đạt 44 triệu đồng/năm, xã không còn hộ nghèo. Tháng 10 này, Đại Minh được UBND tỉnh công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao và đang phấn đấu để đạt chuẩn NTM kiểu mẫu vào năm 2022.
Với phương châm "Làm đâu chắc đó”, xây dựng NTM luôn được huyện Yên Bình gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đổi mới sản xuất theo hướng hàng hóa chất lượng cao, có sự liên kết với các doanh nghiệp để tìm kiếm thị trường bao tiêu sản phẩm cho nông dân. Đồng thời, tập trung huy động các nguồn lực để hoàn thiện cơ sở hạ tầng thiết yếu trên địa bàn.
Đồng chí Lê Công Trình - Bí thư Chi bộ thôn Nà Ta, xã NTM vùng cao Xuân Long bộc bạch: "Hai tháng nay, việc thôn nhiều hơn việc nhà. Nhà văn hóa thôn rộng 150 m2 được xây dựng trên nền đất tự nguyện hiến tặng của gia đình cựu chiến binh Vương Văn Phù. Bà con trong thôn ai cũng vui mừng, phấn khởi nên không ai nề hà việc đóng góp với số tiền hàng trăm triệu đồng để làm nhà văn hóa và nâng cấp, mở rộng các tuyến đường liên thôn.
"Xuân Long giờ đây đường làng, ngõ xóm phong quang sạch đẹp, nhà văn hóa khang trang, có sân chơi thể thao, đời sống nhân dân nâng cao, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi mới, đúng ý Đảng, hợp lòng dân”, bà Hoàng Thị Hoa - Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã nói.
Với cách làm bài bản, căn cơ, bền vững, không chạy theo thành tích, không nợ đọng xây dựng cơ bản đã tạo nên động lực và sức sống mới trong xây dựng NTM ở Yên Bình. Những miền quê đáng sống với một hệ thống điện, đường, trường trạm khang trang, sáng - xanh - sạch đẹp hiện hữu từ vùng thấp đến vùng sâu, vùng xa; đời sống vật chất tinh thần của người dân không ngừng được cải thiện nâng cao...
Có được kết quả đó, một trong những yếu tố quan trọng là ở Yên Bình, những người "đứng mũi, chịu sào” luôn gần dân, hiểu dân, kịp thời chia sẻ, tháo gỡ khó khăn, biến những mục tiêu nghị quyết của Đảng trở thành hiện thực.
1176 lượt xem
1