Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Chương trình xây dựng nông thôn mới Yên Bái >> Kinh tế

Yên Bái: Phấn đấu đến năm 2025, có thêm 46 xã đạt chuẩn nông thôn mới

30/09/2020 10:05:44 Xem cỡ chữ Google
Trong giai đoạn 2020 - 2025, tỉnh Yên Bái tiếp tục huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới của 76 xã đã đạt chuẩn gắn với đô thị hóa nông thôn; phấn đấu đến năm 2025, có thêm 46 xã đạt chuẩn nông thôn mới; huyện Văn Yên, huyện Yên Bình đạt tiêu chí huyện nông thôn mới; thị xã Nghĩa Lộ hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Sau 05 năm toàn tỉnh có thêm 70 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã nông thôn mới lên 76 xã, chiếm trên 50% số xã của tỉnh, gấp hơn 3 lần mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đề ra.

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đạt kết quả nổi bật, toàn diện, trở thành điểm sáng trong các tỉnh vùng Tây Bắc; với nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả, đã tạo thành phong trào thi đua sâu rộng, phát huy trách nhiệm cả hệ thống chính trị, huy động mọi nguồn lực xã hội  và vai trò chủ thể, trực tiếp của nhân dân ; thay đổi nhận thức của người dân về xây dựng nông thôn mới là của dân, do dân, vì dân và dân hưởng thụ; đổi mới phương thức tổ chức sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn theo hướng liên kết, gắn sản xuất với chế biến, tiêu thụ; tập trung nguồn lực, nhất là xã hội hóa để đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn mới; từ đó, diện mạo nông thôn đã thực sự khởi sắc, đời sống của người dân không ngừng được nâng lên, bản sắc văn hóa tốt đẹp của cộng đồng các dân tộc được phát huy.

Từ nguồn lực đầu tư giai đoạn 2016-2020 là trên 24.600 tỷ đồng, (trong đó ngân sách Nhà nước chỉ chiếm khoảng 32%) cùng sự nỗ lực của toàn hệ thống chính trị và người dân, sau 05 năm toàn tỉnh có thêm 70 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nâng tổng số xã nông thôn mới lên 76 xã, chiếm trên 50% số xã của tỉnh, gấp hơn 3 lần mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII đề ra; thành phố Yên Bái hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, huyện Trấn Yên trở thành huyện miền núi đầu tiên của khu vực Tây Bắc  đạt chuẩn nông thôn mới; thu nhập bình quân của người dân nông thôn đạt 32 triệu đồng/năm, gấp 2 lần so với năm 2015.

Trong giai đoạn 2016 - 2020, tốc độ tăng trưởng ngành Nông nghiệp của tỉnh đạt 4,5%/năm, cao hơn bình quân chung cả nước (3%/năm); đưa thu nhập bình quân người dân nông thôn đạt 32 triệu đồng/năm, gấp 2 lần so với năm 2015.

Qua chuyển đổi sản xuất từ xây dựng Nông thôn mới chính là nguyên nhân để cơ cấu nội ngành Nông nghiệp chuyển dịch theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trọng lâm nghiệp, thủy sản; giá trị sản xuất trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản bình quân tăng khá, nhiều diện tích canh tác cho thu nhập khá cao. Giá trị sản phẩm thu hoạch trên 1ha đất trồng trọt đạt trên 65 triệu đồng, tăng 15 triệu đồng/ha so với năm 2015, trong đó nhiều diện tích đạt từ 250 - 300 triệu đồng. Tỉnh đã hình thành rõ nét các vùng sản xuất tập trung chuyên canh, thâm canh cao sản có quy mô lớn với 10 sản phẩm nông, lâm nghiệp chủ lực, gồm: Vùng quế gần 78.000ha, măng tre Bát độ trên 6.600ha, Sơn tra gần 10.000ha, lúa đặc sản chất lượng cao 3.000ha, ngô 15.000ha, cây ăn quả gần 10.000ha, chè 8.000ha (chè Shan trên 1.700ha, chè giống tiến bộ kỹ thuật trên 3.500ha), dâu tằm gần 1.000ha, nguyên liệu gỗ rừng trồng sản xuất trên 220.000ha, đàn trâu, bò gần 130.000 con, vùng nuôi thủy sản trên 2.600ha và trên 2.000 lồng cá.

Phát triển, xây dựng nhãn hiệu hàng hóa cho 10 sản phẩm đặc sản, hữu cơ theo tiêu chuẩn OCOP là: Lúa nếp Tú Lệ, Sơn tra, chè Shan hữu cơ, gà đen, lợn bản địa, vịt bầu Lâm Thượng, quế hữu cơ, bưởi Đại Minh, cam sành, dược liệu. Xây dựng nông thôn mới cũng chính là nguyên nhân quan trọng góp phần thực hiện tốt công tác bảo vệ và phát triển rừng, hằng năm toàn tỉnh trồng trên 15.000ha rừng các loại, nâng tỷ lệ che phủ rừng từ 62% năm 2015, lên 63% năm 2020, xếp thứ tư cả nước.

Theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX, trong nhiệm kỳ tới, tỉnh Yên Bái tiếp tục thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới toàn diện, đồng bộ, vững chắc. Phát huy sức mạnh cộng đồng và đổi mới hệ thống chính trị để xây dựng nông thôn dân chủ, bình đẳng, ổn định, giàu bản sắc dân tộc, môi trường cảnh quan, không gian xanh, sạch, đẹp; quốc phòng, an ninh bảo đảm; lấy đổi mới phương thức và nâng cao hiệu quả sản xuất là chính, bảo đảm đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt. Đặc biệt đề cao vai trò chủ thể, tự nguyện, trực tiếp của nhân dân quản lý và xây dựng nông thôn mới; huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới của 76 xã đã đạt chuẩn gắn với đô thị hóa nông thôn; phấn đấu đến năm 2025, có thêm 46 xã đạt chuẩn nông thôn mới; huyện Văn Yên, huyện Yên Bình đạt tiêu chí huyện nông thôn mới; thị xã Nghĩa Lộ hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; thu nhập bình quân người dân nông thôn đạt trên 50 triệu đồng/người/năm.

1187 lượt xem
Ban Biên tập