Tân Nguyên là xã đặc biệt khó khăn của huyện Yên Bình. Sau nhiều năm nỗ lực, đến nay, xã đã hoàn thành 11/19 tiêu chí nông thôn mới (NTM). Năm 2022, Tân Nguyên là một trong 4 xã cuối cùng của huyện nằm trong lộ trình về đích NTM.
Lãnh đạo xã Tân Nguyên trao đổi với người dân thôn Đèo Thao về chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa.
Đồng chí Sạch Văn Mùi - Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã cho biết: "Xác định xây dựng NTM là cơ hội để thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương nên Đảng bộ, chính quyền xã tập trung chỉ đạo nhân dân nỗ lực thực hiện và đưa ra những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để hoàn thành các tiêu chí còn lại và quyết tâm đưa xã cán đích NTM vào cuối năm nay”.
Để đảm bảo hoàn thành kế hoạch, xã đang dồn lực hoàn thành các tiêu chí còn lại là giao thông, trường học, cơ sở vật chất văn hóa, cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, nhà ở dân cư, thu nhập, y tế, môi trường và an toàn thực phẩm.
Với tiêu chí cơ sở vật chất văn hóa, xã đề ra một số nhiệm vụ, giải pháp như: san tạo nâng cấp sân vận động của xã; xây mới nhà văn hóa thôn Khe Nhàn với kinh phí khoảng 300 triệu đồng; trong đó, kinh phí từ nguồn quỹ xây dựng cơ sở hạ tầng 100 triệu đồng, huy động sự ủng hộ của các doanh nghiệp, cán bộ, công chức xã và nhân dân khoảng 160 triệu đồng. Việc sửa chữa, nâng cấp nhà văn hóa thôn Khe Cọ, thôn Đèo Thao được thực hiện bằng nguồn xã hội hóa.
Tiêu chí môi trường được coi là tiêu chí khó và có khả năng biến động, nhưng xã thực hiện tốt việc tuyên truyền, vận động để các hộ nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm và cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm đăng ký tuân thủ các quy định về đảm bảo vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm.
Đảng ủy xã, tổ chức thực hiện tốt "Ngày cuối tuần cùng dân” nhằm huy động nhân dân tham gia vệ sinh môi trường, chỉnh trang đường làng ngõ xóm, giúp các hộ dân đào hố xử lý rác thải gia đình; thành lập tổ hợp tác thu gom rác thải để gom rác từ các hộ dọc tuyến quốc lộ 70 và phân loại rác thải ngay tại nguồn.
Để hoàn thành tiêu chí về giao thông, bên cạnh việc tranh thủ nguồn lực đầu tư của Nhà nước, xã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân hiến đất, đóng góp công, tiền, vật liệu để xây dựng đường; trong đó, năm 2022 phấn đấu bê tông hóa trên 16 km đường liên thôn, đường ngõ xóm để đảm bảo 90% đường giao thông nông thôn được cứng hóa.
Tiêu chí về thu nhập là một trong những tiêu chí cốt yếu, xã đã tranh thủ, sử dụng hiệu quả các nguồn hỗ trợ của Nhà nước để đầu tư giảm nghèo, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân. Đồng thời, tuyên truyền, vận động người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa; tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao khoa học, kỹ thuật, xây dựng các mô hình kinh tế trang trại, gia trại... Đến hết năm 2021, xã còn 82 hộ nghèo, chiếm 5,36% số hộ.
Bên cạnh việc tập trung thực hiện các tiêu chí chưa đạt, trong phát triển kinh tế, xã xác định sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, ngành nghề nông thôn là động lực phát triển và là hướng đi bền vững.
Theo đó, thông qua các chương trình, chính sách về phát triển nông nghiệp, nông thôn, xã tập trung thực hiện có hiệu quả việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đưa khoa học, kỹ thuật vào sản xuất, nên đã có nhiều mô hình kinh tế khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh địa phương như chăn nuôi gia súc, gia cầm, trồng và chế biến gỗ rừng trồng.
Hiện, Tân Nguyên có 1 hợp tác xã, 6 doanh nghiệp tư nhân, 13 cơ sở chế biến gỗ rừng trồng… tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hàng trăm lao động.
Với sự quan tâm đầu tư của Nhà nước cùng quyết tâm nhập cuộc của cả hệ thống chính trị, sự chung sức, đồng lòng của nhân dân, chắc chắn Tân Nguyên sẽ cán đích NTM đúng lộ trình, theo kế hoạch vào cuối năm nay.
Theo Báo Yên Bái
782 lượt xem