Welcome to Yen Bai Portal
  • Đường dây nóng: 02163.818.555
  • English

Tin hoạt động >> Kinh tế

Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững

25/04/2022 09:53:14 Xem cỡ chữ Google
CTTĐT - Sáng 21/4, đồng chí Phạm Bình Minh - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025.

Đồng chí Trần Huy Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái phát biểu tại Hội nghị trực tuyến

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến tháng 4/2022, cả nước có 5.706/8.227 xã (69,4%) đạt chuẩn nông thôn mới (NTM), trong đó: 663 xã đạt chuẩn NTN nâng cao và 71 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. 255 đơn vị cấp huyện thuộc 55 tỉnh, thành phố đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn NTM; 15 đơn tỉnh, thành phố có 100% số xã đạt chuẩn NTM, trong đó, 5 tỉnh gồm Nam Định, Đồng Nai, Hưng Yên, Hà Nam, Hải Dương hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. 

Cả nước có 7.463 sản phẩm OCOP của 4.061 chủ thể đạt từ 3 sao trở lên, trong đó có 67,6% sản phẩm 3 sao, 31% sản phẩm 4 sao và 1,2% sản phẩm tiềm năng 5 sao; 20 sản phẩm được công nhận sản phẩm 5 sao cấp quốc gia. 

Cũng theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, mục tiêu đến năm 2025 phấn đấu cả nước có ít nhất 80% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó, có khoảng 40% số xã đạt chuẩn nâng cao, ít nhất 10% số xã đạt chuẩn kiểu mẫu và không còn xã dưới 15 tiêu chí. Ít nhất 50% huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, trong đó, ít nhất 20% số huyện đạt chuẩn được công nhận là huyện nông thôn mới nâng cao, huyện nông thôn mới kiểu mẫu. Đặc biệt, phấn đấu thu nhập bình quân của người dân nông thôn tăng ít nhất 1,5 lần so với năm 2020.

Chương trình mục tiêu quốc gia (CTMTQG) giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021- 2025 gồm 7 dự án và 11 tiểu dự án với tổng nguồn vốn thực hiện Chương trình cả giai đoạn tối thiểu là 75.000 tỷ đồng với mục tiêu tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều duy trì mức giảm 1,0 -1,5%/năm; tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm trên 3,0%/năm; tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện nghèo giảm từ 4-5%/năm; 30 % huyện nghèo, 30% xã đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang, ven biển và hải đảo thoát khỏi tình trạng nghèo đặc biệt khó khăn. 

(Toàn cảnh Hội nghị)

Phát biểu tham luận tại Hội nghị trực tuyến, đồng chí Trần Huy Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cho biết: Thực hiện CTMTQG xây dựng NTM, hết năm 2021, Yên Bái có 88/150 xã đạt chuẩn NTM, bằng 58,7% số xã, đứng thứ 3/14 tỉnh vùng Trung du và miền núi phía Bắc; 17 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 03 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; bình quân tiêu chí toàn tỉnh đạt 15,23 tiêu chí/xã; có 03 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ/đạt chuẩn NTM, trong đó huyện Trấn Yên là huyện đầu tiên của khu vực. Xây dựng NTM được đánh giá là điểm sáng của khu vực Tây Bắc.

Công tác giảm nghèo cũng đạt nhiều kết quả nổi bật, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm bình quân 5,03%/năm; tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện 30a và vùng đồng bào dân tộc thiểu số cao hơn mức bình quân chung (02 huyện nghèo 30a giảm bình quân 8,32%/năm; tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số giảm bình quân 7,66%/năm). Hết năm 2021, tỷ lệ hộ nghèo của Yên Bái từ 32,21% xuống còn còn 4,76% theo chuẩn nghèo cũ (đứng thứ 16 toàn quốc, cải thiện 10 bậc so với đầu nhiệm kỳ mới triển khai CTMTQG giảm nghèo giai đoạn 2016-2020); theo chuẩn nghèo mới, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 18,07%.

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái cũng cho rằng: Qua quá trình thực hiện CTMTQG, tỉnh Yên Bái nhận thấy rằng muốn triển khai có hiệu quả các CTMTQG, cần phải tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, phát huy vai trò, sự vào cuộc của UBMTTQ, các tổ chức đoàn thể, của cộng đồng doanh nghiệp và sự tham gia tích cực của người dân. Xây dựng Chương trình hành động, kế hoạch, kịch bản cụ thể thực hiện từng công việc, từng nhiệm vụ. Làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, vận động nhân dân thay đổi nhận thức, chủ động triển khai không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước; Huy động tối đa nguồn lực, lồng ghép, vận dụng linh hoạt, sáng tạo các chính sách vào điều kiện cụ thể; xây dựng, nhân rộng các mô hình cách làm hay để phát huy hiệu quả chương trình...

Để tạo điều kiện thuận lợi trong triển khai các CTMTQG giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Yên Bái có một số đề xuất, kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét sớm giao kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 và năm 2022 để các địa phương có cơ sở triển khai thực hiện các CTMTQG; kiến nghị các bộ, ngành trung ương sớm ban hành các văn bản hướng dẫn thực hiện các chương trình để các địa phương có cơ sở triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của chương trình; kiến nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, phân bổ vốn thưởng cho các huyện đạt chuẩn NTM giai đoạn 2016 - 2020 (huyện Trấn Yên) để có thêm nguồn lực đầu tư củng cố, nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt chuẩn...

Phát biểu kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh nhấn mạnh: Trách nhiệm thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia chủ yếu nằm ở các tỉnh, thành phố. Do vậy lãnh đạo các địa phương cần phải lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, thống nhất; tuyên truyền, quán triệt nâng cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp, cho đến cán bộ, người dân về nội dung, yêu cầu của từng chương trình mục tiêu quốc gia.

Phó Thủ tướng yêu cầu Ban chỉ đạo địa phương cần nghiên cứu kỹ các văn bản hướng dẫn; chủ động ban hành các văn bản cụ thể hóa hướng dẫn của Trung ương; ưu tiên bố trí ngân sách, huy động tối đa các nguồn vốn hợp pháp để thực hiện; tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số, tuyên truyền để bảo đảm triển khai hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia… Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, phản biện kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

Trong tháng 5/2022, các bộ, ngành được phân công phải khẩn trương ban hành các thông tư đã được giao, phê duyệt các chương trình chuyên đề, dự án thành phần.

Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Ủy ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính khẩn trương ban hành kế hoạch lồng ghép các nguồn vốn thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia.

498 lượt xem
Lan Hương