Hết năm 2022, toàn tỉnh có 99 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM); trong đó, có 27 xã NTM nâng cao và 6 xã NTM kiểu mẫu; 3 đơn vị cấp huyện hoàn thành xây dựng NTM (thành phố Yên Bái, thị xã Nghĩa Lộ, huyện Trấn Yên). Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn đạt 35 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm còn 13,02%.
Chế biến quế tại Nhà máy Hương gia vị Sơn Hà, xã Yên Hợp, huyện Văn Yên.
Cùng với đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng trong xây dựng NTM, tỉnh cũng chú trọng đến thực hiện các tiêu chí về phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn. Ngoài chính sách hỗ trợ của trung ương, tỉnh cũng đã ban hành các chính sách hỗ trợ khuyến khích, mời gọi, thu hút các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) tham gia vào phát triển sản xuất nông lâm nghiệp và thủy sản.
Theo đó, giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh hỗ trợ trên 77 tỷ đồng thực hiện 30 dự án phát triển liên kết theo chuỗi giá trị. Từ năm 2021 đến nay, thực hiện chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 69 của HĐND tỉnh, tỉnh đã thực hiện hỗ trợ 37 dự án liên kết theo chuỗi giá trị; 2.269 cơ sở phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, đặc sản, hữu cơ; hỗ trợ 18 HTX, tổ hợp tác (THT) phát triển chăn nuôi trâu, bò; hỗ trợ cải tạo đàn trâu, bò bằng phương pháp truyền tinh nhân tạo với trên 8.000 liều phối đạt... tổng kinh phí hỗ trợ trên 90 tỷ đồng.
Qua đánh giá, các chính sách và nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất nông lâm nghiệp và thủy sản trên địa bàn tỉnh đã được triển khai đúng mục đích, đúng đối tượng. Thông qua các dự án phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi, đã hình thành được nhiều vùng hàng hóa tập trung, nhiều dự án liên kết theo chuỗi giá trị được thực hiện có hiệu quả như: dự án trồng bưởi Đại Minh; dự án trồng dược liệu cây khôi nhung tại huyện Yên Bình; dự án nuôi ong lấy mật ở xã Minh Bảo, thành phố Yên Bái; dự án liên kết trồng tre măng Bát độ liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm trồng dâu nuôi tằm và chế biến kén tằm; liên kết theo chuỗi giá trị gắn sản xuất với tiêu thụ sản phẩm miến đao xã Giới Phiên...
Các dự án phát triển sản xuất nông lâm nghiệp và thủy sản liên kết theo chuỗi giá trị đã có sự tham gia liên kết chặt chẽ giữa chủ đầu tư, đơn vị chủ trì, đơn vị tham gia liên kết và người dân. Hiệu quả kinh tế trên 1 đơn vị diện tích canh tác được nâng lên, tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người dân; giá trị và chất lượng sản phẩm sản xuất ra ngày càng được nâng lên, có sức cạnh tranh cao trên thị trường.
Bên cạnh đó, việc phát triển công nghiệp chế biến, dịch vụ nông lâm nghiệp, thủy sản và ngành nghề nông thôn cũng được tỉnh quan tâm, chú trọng. Đến nay, toàn tỉnh có 52 cơ sở chế biến chè đang hoạt động, sản lượng chế biến đạt 15.000 tấn/năm; 482 cơ sở chế biến gỗ (chế biến ván bóc, ván ép, ván ghép thanh, đôi đũa); 3 nhà máy chế biến sắn với công suất 150.000 tấn sắn củ tươi/năm; khoảng 200 cơ sở sản xuất sắn lát khô xuất khẩu sang Trung Quốc; 27 dây chuyền chế biến giấy đế, vàng mã với công suất 33.750 tấn/năm; 16 nhà máy chiết xuất tinh dầu quế với tổng công suất 1.000 tấn tinh dầu/năm và hơn 400 cơ sở chế biến tinh dầu quế quy mô nhỏ lẻ hộ gia đình.
Toàn tỉnh đã có 167 sản phẩm được đánh giá, phân hạng và cấp giấy chứng nhận đạt từ 3 sao - 4 sao OCOP; trong đó, có 22 sản phẩm đạt 4 sao và 145 sản phẩm 3 sao cấp tỉnh. Các HTX, THT trên địa bàn tỉnh đã có vai trò tích cực trong việc thúc đẩy kinh tế hộ phát triển, tạo mối liên kết, hợp tác giữa những cơ sở sản xuất nhỏ với nhau; hỗ trợ nhau về vốn, kỹ thuật, thị trường; giải quyết việc làm tăng thu nhập cho thành viên.
Hết năm 2022, toàn tỉnh có 6.171 THT và 647 HTX; trong đó, có 384 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp; tổng số thành viên trong HTX là 9.560 người, thu nhập bình quân đạt 4,5 - 5 triệu đồng/tháng, tăng 11,1% đối với năm 2020.
Để tiếp tục đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, tạo việc làm cho người dân nông thôn, tỉnh tiếp tục tập trung cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng NTM. Thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang tư duy làm kinh tế nông nghiệp với ba yếu tố chủ đạo là nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại và nông dân văn minh; phát triển nông nghiệp đa chức năng gắn với công nghiệp chế biến, thương mại và du lịch, dựa trên những lĩnh vực, sản phẩm có lợi thế, thế mạnh của từng vùng, từng địa phương, cơ cấu lại nông nghiệp hiệu quả, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững.
Tiếp tục đổi mới và phát triển các hình thức tổ chức sản xuất phù hợp, hiệu quả; khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi phát triển doanh nghiệp nông nghiệp; đẩy mạnh đổi mới và phát triển các hợp tác xã nông nghiệp, phát triển các hình thức hợp tác, liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị; tăng cường chuyển giao và ứng dụng khoa học công nghệ.
880 lượt xem
1